29/04/2019 13:56 GMT+7

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Ít ai biết, Sài Gòn nhộn nhịp và lung linh cũng đi vào tranh của danh họa Bùi Xuân Phái không thua gì 'Phố Phái' vẽ phố cổ Hà Nội...

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 1.

'Phố Sài Gòn' của Bùi Xuân Phái đầy mầu sắc, rất khác với phố Hà Nội trong tranh ông

Những bức vẽ đầy sắc mầu vẽ phố và người Sài Gòn, hoàn toàn "lệch tone" với phong cách của Bùi Xuân Phái, đã được danh họa vẽ trong lần thăm Sài Gòn đầu tiên vài năm sau ngày đất nước thống nhất.

Sài Gòn sôi động, đầy sức sống hiện ra choáng ngợp trước mắt người nghệ sĩ nhiều năm quen với phố trầm mặc của Hà Nội, đã đánh thức những sắc màu tươi vui lạ lùng trong người họa sĩ này khi ông có dịp ghé thăm vào tháng 9-1979.

Trong đó đáng chú ý có bức tranh trừu tượng Phố Sài Gòn đang được trưng bày trong triển lãm bộ sưu tập hơn 100 bức tranh của nhà sưu tập Phạm Văn Thông có tên Đi cùng năm tháng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh đã được chính gia đình họa sĩ Lê Đại Chúc nhượng lại cho nhà sưu tập Phạm Văn Thông (Hà Nội).

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 2.

Phố Sài Gòn của Bùi Xuân Phái năm 1979

Ông Thông cho hay, năm 1979, 4 năm sau ngày đất nước thống nhất, họa sĩ Bùi Xuân Phái mới có dịp vào thăm bạn bè ở Sài Gòn. Bùi Xuân Phái được ông Lê Đại Chúc - một đại gia yêu hội họa tại Sài Gòn - đón vào chơi.

Họa sĩ đã ở tại nhà ông Lê Đại Chúc gần hai tháng. Trong thời gian đó, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ và tặng lại một số tác phẩm sơn dầu về các đề tài, trong đó có một số tác phẩm trừu tượng về chủ đề Phố Sài Gòn rất đặc sắc và lạ lẫm với phong cách của Bùi Xuân Phái.

Bức tranh này này đã in trong cuốn sách Bùi Xuân Phái - cuộc đời và tác phẩm của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn. Cuốn sách còn giới thiệu một số tác phẩm khác, đầy màu sắc, vẽ phố phường Sài Gòn của danh họa Bùi Xuân Phái.

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 3.

Cảng Sài Gòn trong mắt họa sĩ Bùi Xuân Phái lần đầu thăm Sài Gòn sau ngày Giải phóng

Viết về chuyến thăm Sài Gòn gần 2 tháng của danh họa Bùi Xuân Phái năm 1979, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn kể, ông Lê Đại Chúc lúc đó đã chuẩn bị một căn nhà ba tầng ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. HCM với đầy đủ tiện nghi đã sẵn sàng đón tiếp Bùi Xuân Phái.

Đặc biệt, những hộp sơn dầu của Anh, Pháp, Hà Lan… và những tấm voan trắng căng sẵn đã được ông Chúc chuẩn bị cho những giờ "lên lớp" của "gia sư" Bùi Xuân Phái.

Trong chuyến đi sáng tác và gặp gỡ bạn bè này, ngoài những tác phẩm vẽ về Hà Nội mà ông mang theo tư liệu để vẽ thì họa sĩ Bùi Xuân Phái còn sáng tác những bức tranh trừu tượng to vẽ về phố Sài Gòn theo một phong cách tươi vui rất lạ.

Bức Cảng Sài Gòn đã được vẽ tại đây với những chiếc tầu to, màu tươi rói choán hết cả bức tranh.

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 4.

Triển lãm còn giới thiệu một bức tranh mầu nước vẽ phong cảnh phố Nguyễn Huệ năm 1981 của họa sĩ Phạm Văn Đôn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Bùi Xuân Phái thích đến nhà bạn bè chơi bằng xích lô. Ông nói, xích lô Sài Gòn dạng cao, chạy nhanh và ngồi êm hơn xích lô của Hà Nội. Đó là những chiếc xe chạy bằng than và những chiếc xích lô có tiếng máy nổ như súng bắn thi nhau phun khói.

Những cô gái Sài Gòn đi vào tranh phố của Bùi Xuân Phái với những chiếc mũ rộng vành, áo chẽn đuôi tôm đủ màu sắc, quần ống loe trùm kín những đôi guốc cao lênh khênh…. Có cả những tấm dù che nắng nhiều màu sắc rực rỡ, những chiếc taxi sơn đỏ chói - cái màu mà họa sĩ chỉ nhìn thấy trên … xe cứu hỏa ở Hà Nội.

Dưới ánh nắng mặt trời, những ô cửa kính của khách sạn cao tầng phản chiếu loang loáng, lung linh đủ sắc màu… người và vật trong tranh ông như nhòe đi dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn.

Trong chuyến đi này, Bùi Xuân Phái cũng vẽ chân dung vợ họa sĩ Trần Trung Tín bằng con dao có răng cưa. Đây cũng là một trong hai bức chân dung sơn dầu ông vẽ những ngày ở Sài Gòn và mang phong cách thể hiện rất lạ.

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 6.

Góc trưng bày các bức ký họa của Nguyễn Sáng tại triển lãm Đi cùng năm thắng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong triển lãm Đi cùng năm tháng còn giới thiệu một bộ sưu tập ký họa rất quý của một họa sĩ khác trong bộ từ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Họa sĩ Nguyễn Sáng.

Trong đó, quý nhất là tác phẩm Mỏ Cẩm Phả (kích thước 93x126cm) của họa sĩ Nguyễn Sáng, được gia đình họa sĩ Hoàng Đình Tài nhượng lại cho nhà sưu tập Phạm Văn Thông.

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 7.

Bức Mỏ Cẩm Phả của Nguyễn Sáng được trưng bày tại triển lãm

Ngoài ra là bộ tranh ký họa của họa sĩ Nguyễn Sáng gồm 48 tranh vẽ phác thảo bằng màu nước, chì màu, bút sắt... được nhà sưu tập Phạm Văn Thông mua của gia đình em trai họa sĩ Nguyễn Sáng là ông Nguyễn Hoa.

Ngắm Sài Gòn rực rỡ trong tranh Bùi Xuân Phái - Ảnh 8.

Góc trưng bày một số kỷ vật của họa sĩ Nguyễn Sáng tại triển lãm này thu hút đông người xem - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Hai chiếc ghế đẩu gắn bó với họa sĩ Nguyễn Sáng suốt thời gian ông sáng tác và sinh sống tại Nhà 65 Nguyễn Thái Học - Hà Nội và cuốn từ điển tiếng Pháp của họa sĩ; bức thư tay họa sĩ Nguyễn Sáng viết sau giải phóng gửi ra Hà Nội cho em dâu họa sĩ; những tấm toan cuối đời chưa kịp vẽ của họa sĩ Nguyễn Sáng ở Sài Gòn năm 1988 đã gây nhiều xúc động cho người xem.

'Giới sưu tầm rất e ngại về tranh giả của Bùi Xuân Phái'

TTO - Trong phiên đấu giá Chọn’s số 9 mới đây, chỉ có 1/7 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công, 6 bức còn lại không có người trả giá.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên