Miền Trung từ nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ “rộn ràng” của Tập đoàn Điện lực VN và rất nhiều nhà đầu tư ngoài ngành khác bởi lợi nhuận lớn mang lại từ thủy điện.
Không con sông, dòng suối nào ở miền Trung là không bị dòm ngó. Ngay như ở Quảng Nam có con sông đã phải gánh trên mình sáu nhà máy thủy điện xây theo kiểu bậc thang. Làm thủy điện đã trở thành một phong trào khi “nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện”. Tin khởi công, động thổ liên tục được phát đi, thậm chí cổ phiếu của nhiều dự án đang còn trên giấy cũng được rao bán... đắt như tôm tươi.
Và ngày các nhà đầu tư hớn hở “bấm nút” động thổ, đã có không ít người dân trong vùng dự án mừng vui ra mặt. Họ mừng bởi lẽ không lâu nữa ngay trên quê hương nghèo khó của mình sẽ mọc lên một nhà máy thủy điện được ví là cỗ máy sản xuất “vàng trắng”. Họ mừng là bởi con em họ nay mai, khi học xong sẽ được nhận vào làm công nhân vận hành, vùng quê nghèo sẽ không còn cảnh sống với bóng tối... Nhưng niềm vui chưa kịp đến thì chính họ phải lãnh nhận những hệ quả mà các công trình này mang lại. Đó là hạn hán bất thường vì thủy điện chặn dòng. Là cảnh lũ chồng lũ vì thủy điện xả nước. Là những đêm không ngủ trong lo lắng vì động đất, là cảnh phải sống thấp thỏm dưới thân con đập chắn hàng triệu mét khối nước... Nếu đem ra so sánh thì sự hi sinh của người dân trong các vùng dự án thủy điện là quá lớn. Họ chấp nhận đánh đổi tất cả từ nhà cửa, ruộng vườn đến mồ mả ông bà... Nhưng cuối cùng, điều mà họ nhận được chỉ là những nỗi lo triền miên khi cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Tất nhiên, với các doanh nghiệp làm thủy điện, phát điện càng nhiều thì doanh nghiệp càng có tiền, lợi nhuận càng lớn. Nhưng làm theo kiểu vội vàng tích nước cho bằng được khi công trình vẫn còn dở dang, khi chưa hoàn tất phần đền bù, di dân... như ở thủy điện Đakrông 3 mới đây thì quả là không thể chấp nhận được. Hậu quả là đập vỡ, kéo theo hàng triệu mét khối nước khổng lồ đổ ập về hạ du. Rất may là không có người dân nào ra sông, suối vào thời điểm đó. Nếu không ắt đã có chuyện chẳng lành. Nhưng ruộng rẫy, hoa màu ven sông suối của người dân, đó phải chăng “có gì đâu mà thiệt hại” như nhà đầu tư lạnh lùng nói?! Hay doanh nghiệp làm thủy điện chỉ quen thấy cái hình ảnh “tuôcbin quay đều” mà quên đi cảnh những rẫy sắn, nương ngô ven sông suối bị những cơn lũ nhân tạo xô ngã. Họ chỉ biết cái lợi của mình mà quên đi những cái thiệt của người khác, khi mà trước đó người dân đã hi sinh rất nhiều mới có được những nhà máy hùng vĩ mọc lên?
Quảng Nam từng là địa phương nổi tiếng một thời vì có nhiều nhà đầu tư đến xin làm thủy điện. Nhưng rốt cuộc, Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên phải “ngấm đòn” vì thủy điện. Đến mức chính Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh phải nhận ra rằng: “Loại bỏ càng nhiều thủy điện càng tốt vì tác hại của nó quá lớn. Cái được thì ít mà tác hại thì nhiều. Bây giờ tạm dừng hết, đời sau ai nghiên cứu được tốt hơn thì làm”. Ngay sau lời tuyên bố ấy, 19 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch ở tỉnh này đã được loại bỏ khỏi sơ đồ nguồn điện.
Đã và còn nhiều thủy điện khác nữa tiếp tục được đưa vào vận hành trong nay mai. Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế được tăng thêm nguồn cung ứng điện năng. Nhưng phát triển phải đi kèm với bền vững, còn nếu phát triển bằng mọi giá thì e rằng nhiều địa phương nữa sẽ tiếp tục hứng chịu những hệ lụy cay đắng mà Quảng Nam hay Quảng Trị mới đây chỉ là một ví dụ mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận