Có lẽ càng ở nơi đầu sóng ngọn gió gian lao, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt càng được nhân lên với biết bao sự dịu dàng, khiêm nhường. Và ở đó có cả những sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ...
Ngày đầu tiên đặt chân đến đảo Sinh Tồn - điểm đảo đầu tiên trong hải trình của đoàn đại biểu TP.HCM đến thăm huyện đảo Trường Sa, điều đọng lại trong trái tim mỗi người không chỉ là sức sống mãnh liệt của màu xanh trên đảo với hàng cây phong ba, cây bàng vuông che bóng mát, mà còn là vẻ đẹp của phụ nữ trên đảo Sinh Tồn với tà áo dài xanh mát lấp lánh giữa biển khơi.
Hay mình ra đảo sống anh nhé?
Sinh ra ở đầm Thủy Triều (Cam Lâm, Khánh Hòa), từ nhỏ chị Mai Thị Úc Lan (33 tuổi) đã quen với vị mặn mòi của biển cả, với từng con sóng xô bờ. Sau này khi lập gia đình, chị theo ba mẹ đi phụ làm nghề cá, còn chồng chị làm nghề lái xe, mỗi khi rảnh rỗi cũng phụ vợ và gia đình một tay.
Dáng hình của biển dường như đã ăn sâu vào máu thịt, vậy nên khi có chủ trương đăng ký làm cư dân định cư ở đảo, chị Lan bàn với chồng: "Hay mình ra đảo sống anh nhé?". Đồng vợ đồng chồng, họ quyết định tạm rời xa đất liền.
Tháng 6 này là tròn một năm vợ chồng chị cùng con nhỏ gắn bó ở xã đảo Sinh Tồn. Chị kể ngày mới đặt chân ra đảo, cảm giác bỡ ngỡ và nhiều lạ lẫm, xen lẫn chút lo lắng vì không biết cuộc sống ở đảo có giống như ở đất liền không.
May mắn dù xa gia đình nhưng suốt một năm qua, nhờ tình cảm quân dân gắn kết, các cán bộ chiến sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với các cư dân ở xã đảo để vượt qua khó khăn ban đầu.
Dần dần qua năm tháng, gia đình chị đã nhanh chóng bắt kịp được cuộc sống ở đảo, rồi chẳng biết tự khi nào chị lại say đắm màu xanh của biển khơi, yêu cuộc sống bình yên nơi đảo xa.
Mỗi ngày, chị cùng chồng tự tay chăm chút cho vườn rau xanh mát, cùng nhau vun trồng cuộc sống gia đình và đặc biệt là đồng lòng trong việc chăm sóc con cái.
"Cuộc sống ở đảo bình yên hơn rất nhiều, ra đây chúng tôi không phải suy nghĩ hay lo toan nhiều như ở đất liền, không có xe cộ hay khói bụi thành phố. Ở đất liền nhiều khi đang chạy xe trên đường thì nơm nớp lo sợ nhưng ở đây thoải mái, bình yên lắm" - chị Lan giãi bày.
Chị Trần Thị Thu Huyền (33 tuổi), một cư dân khác của đảo, khi còn là một cô gái đã ấp ủ một ngày nào đó được đặt chân đến Trường Sa thiêng liêng - nơi mà chị chỉ biết qua báo đài, sách vở và qua những câu chuyện kể của chồng từng là lính hải quân.
"Với tình yêu Trường Sa, yêu biển đảo nên chúng tôi mong muốn đóng góp sức mình để cùng với cán bộ, chiến sĩ, quân dân trên đảo bảo vệ tuyến đầu Tổ quốc" - chị bộc bạch. Vậy là cùng thời điểm một năm trước, vợ chồng chị Huyền cùng con gái rời xa khói bụi thành phố, đặt chân đến xã đảo Sinh Tồn và trở thành cư dân của đảo kể từ giây phút đó.
Chị chia sẻ ban đầu khi mới đặt chân ra đảo điều lo lắng nhất là làm sao để giúp con gái bắt nhịp với môi trường mới. Vì thế chị luôn chú trọng dành thời gian đồng hành cùng con, rèn giũa để con có thể trở thành "công dân nhí" thực thụ ở đảo.
"Các con đều nhận được tình yêu thương của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo nên bắt nhịp với cuộc sống mới rất nhanh. Tôi cũng thường kể cho con nghe về cuộc sống ở ngoài đảo, về nhiệm vụ của các chú bộ đội. Con nói yêu và tự hào về các chú lắm" - chị Huyền nói.
Cùng xây đắp cuộc sống bình yên
Vào mỗi sáng thứ hai, chị em phụ nữ khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống cùng với cán bộ, chiến sĩ tham gia lễ chào cờ thiêng liêng ở đảo Sinh Tồn. Mỗi dịp lễ tết hoặc vào những ngày lễ kỷ niệm, tổ chức hội thi văn nghệ ở đảo, chị em đảo Sinh Tồn cũng rủ nhau mặc chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam.
Ở đất liền dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em phụ nữ mặc áo dài đi làm ở công sở hoặc đi dạo chơi ở phố phường. Nhưng khi đến với nơi đầy nắng gió ở quần đảo Trường Sa, hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt tung bay giữa đất trời khiến không ít đại biểu chứng kiến thấy xúc động và càng thêm yêu vẻ đẹp dịu dàng ấy.
"Mỗi lần mặc áo dài đứng nghiêm trang chào cờ ở đảo Sinh Tồn, trong lòng tôi dâng lên cảm xúc rất khó diễn tả. Dù ở xa đất liền nhưng chị em chúng tôi luôn bảo ban nhau phải giữ gìn nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt" - chị Huyền tâm tình.
Ở Sinh Tồn, ngôi nhà của các hộ dân được xây dựng san sát nhau, trước cổng là giàn bầu, giàn mướp xanh mướt do chính tay các chị em chăm chút, nỗ lực tăng gia sản xuất cho bữa cơm có thêm rau xanh. Ngoài ra còn có thêm bộ bàn ghế để các chị, các anh và những đứa trẻ ở xã đảo có thể ngồi lại hàn huyên với nhau sau một ngày làm việc tất bật.
Dẫu cho cuộc sống ở xã đảo còn nhiều khó khăn so với cuộc sống ở đất liền nhưng các hộ dân luôn bảo ban nhau phải sống chan hòa với nhau, đã xa gia đình ở đất liền thì phải lấy hàng xóm ở đảo là người thân của mình. Hễ gia đình nào có việc là các hộ dân còn lại xắn tay vào giúp đỡ, có như thế mới tạo nên sức mạnh đoàn kết, góp sức để giữ bình yên nơi đảo xa.
Gần một năm chọn rời xa cuộc sống xô bồ ở thị thành để đến sống bình yên nơi đảo xa, chị Huyền nói nay mình đã quen với cuộc sống ở biển đảo. Trong tương lai nếu sức khỏe cho phép, nếu có cơ duyên một lần nữa, chị mong muốn được đến các điểm đảo khác ở quần đảo Trường Sa để cùng với cán bộ, chiến sĩ nơi đây canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bí quyết giữ gìn hạnh phúc
Với mỗi gia đình trẻ, cuộc sống mới ở đảo sẽ mang đến nhiều trải nghiệm quý giá. Những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió sẽ khiến ta trân quý người bạn đời luôn sát vai kề cạnh vượt qua vất vả gian lao.
"Ở đất liền cãi nhau xong đi đâu cũng được, nhưng ở đảo mà cãi nhau thì khổ mình thôi nhé!" - chị Lan cười. Vì thế bí kíp của người vợ là chồng góp ý thì vợ nghe, vợ góp ý thì chồng nghe, sáng dỗi thì đến chiều phải hết dỗi, có như thế mới yêu thương và lo lắng cho nhau nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận