21/02/2016 09:01 GMT+7

Đàn bồ câu ở đảo Sinh Tồn Đông

HÀ BÌNH - MINH PHƯỢNG (habinh@tuoitre.com.vn)
HÀ BÌNH - MINH PHƯỢNG (habinh@tuoitre.com.vn)

TT - Ở đảo Sinh Tồn Đông (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) có một đàn bồ câu do trung tá Nguyễn Văn Bình - chỉ huy trưởng của đảo - mang ra nuôi từ tháng 10-2014.

Trung tá Nguyễn Văn Bình - chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa - bên mốc chủ quyền ở đảo và những chú bồ câu ở đảo Sinh Tồn Đông (ảnh nhỏ) - Ảnh: Hà Bình
Trung tá Nguyễn Văn Bình - chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông, Trường Sa - bên mốc chủ quyền - Ảnh: Hà Bình

Những cánh bồ câu như mang biểu tượng hòa bình giữa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Chiều xuống trên đảo Sinh Tồn Đông yên bình. Những chú chim bồ câu sà xuống mổ những hạt đậu xanh do đảo trưởng - trung tá Bình vừa rải xuống sân. Sau những nhiệm vụ căng thẳng, người đảo trưởng trở về với những phút giây bình dị như thế.

Biểu tượng hòa bình giữa biển khơi

“Năm trước, có người bạn từ đất liền ra đảo, tôi gửi mua hộ hai đôi chim bồ câu mang ra. Đến nay, chúng đã sinh sôi nảy nở thành 14 con” - người đảo trưởng quê Nam Định cho biết.

Nhìn bồ câu mổ những hạt đậu xanh rải trên đất, trung tá Bình cho biết thêm: điều kiện sống ngoài đảo khá khắc nghiệt nhưng bồ câu vẫn thích nghi được. Chúng như biểu tượng hòa bình giữa biển khơi. Đó cũng là niềm tin bất diệt của những người lính trùng khơi như anh Bình.

Trung tá Bình kể năm 2010 anh ra đảo Sinh Tồn Đông công tác. Như một duyên nợ với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tháng 6-2014 anh lại nhận được quyết định làm chỉ huy trưởng của đảo. Coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, từng chút một, anh Bình cùng đồng đội xây dựng cảnh quan đơn vị gần gũi với thiên nhiên.

Ai đến thăm đảo Sinh Tồn Đông có lẽ đều thích thú với bể cá và hòn non bộ được đặt giữa sân đơn vị, ngay dưới bóng cây bàng vuông. Bể cá được xây dựng mô phỏng theo hình trái tim và chiếc lá sen biểu tượng của dân tộc Việt Nam. San hô trong hòn non bộ lấy từ biển khơi với những chú cá đầy màu sắc bơi lội tung tăng.

Ngoài việc xây dựng cảnh quan thiên nhiên, trung tá Bình cũng chú trọng tạo sân chơi thể dục thể thao cho cán bộ, chiến sĩ tập luyện sau giờ làm việc. Hiện những bãi cát trắng trên đảo đã biến thành sân bóng chuyền, bóng rổ, khu thể dục đa năng, một sân bóng đá đang được xây dựng để cán bộ, chiến sĩ giao lưu với nhau.

Với vẻ từ tốn, người đảo trưởng có gương mặt sáng, sống mũi cao nói bên cạnh chăm lo đời sống vật chất cho bộ đội, anh luôn trăn trở để dù ở cương vị chỉ huy nhưng vẫn gần gũi với anh em. “Những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn mình tìm cách động viên để anh em vững tư tưởng tiếp tục làm nhiệm vụ” - anh Bình bộc bạch.

Những chú bồ câu ở đảo Sinh Tồn Đông - Ảnh: Hà Bình
Những chú bồ câu ở đảo Sinh Tồn Đông - Ảnh: Hà Bình

 

Giữ vững bờ cõi quê hương

Trung tá Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh giữa biển khơi bao la, đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo Sinh Tồn Đông thì ý chí, nhiệm vụ luôn đặt lên cao hơn bao giờ hết. “Đảo Sinh Tồn Đông ở gần đảo Huy Gơ - nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Vì thế, toàn đơn vị luôn xác định nhiệm vụ và đề cao cảnh giác. Bên cạnh đó, anh em cũng luôn ý thức đề phòng để không mắc mưu những khiêu khích của địch”.

Ở đảo Sinh Tồn Đông, trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết tần suất hoạt động của tàu bè quân sự và cả dân sinh của nước ngoài qua lại khu vực biển này rất nhiều. Trong năm 2014 và năm tháng đầu năm 2015 có hơn 1.600 lượt mục tiêu trên không và trên biển của nước ngoài như tàu, trực thăng, tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa... đi qua khu vực.

“Do đó, anh em xác định rõ nhiệm vụ, công tác sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, phải nắm chắc các tình huống và sử dụng đúng đối sách khi nước ngoài có hành động xâm phạm vào khu vực, tránh xảy ra xung đột và mắc mưu của địch” - người chỉ huy trưởng dày dạn kinh nghiệm cho biết.

Ý thức giữ vững từng tấc biển, tấc đảo của quê hương đã ăn sâu vào máu người đảo trưởng này. Anh cho biết trước đây mình tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 rồi bén duyên với hải quân.

“Hình ảnh người chiến sĩ hải quân chắc tay súng canh giữ bên cột mốc chủ quyền biển đảo khiến tôi ấn tượng. Đặc thù công việc người lính thì ở đâu cũng vậy, ở đâu cũng phải làm nhiệm vụ. Ước mơ, tâm huyết, ý chí của người lính trong tôi không bao giờ giảm đi. Mong muốn xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước luôn trong suy nghĩ của những người lính như tôi” - trung tá Bình tâm sự.

Niềm động viên từ gia đình

Người lính hải quân luôn công tác xa nhà, anh Bình cho biết vợ anh tôn trọng và luôn ủng hộ công việc của chồng. Những năm đảo chưa có sóng điện thoại, anh viết thư về cho vợ thì vài ba tháng mới đến nơi.

Hiện ngoài đảo đã có sóng điện thoại nên anh gọi về động viên vợ, vợ lại gọi ra động viên anh vững tâm công tác. Người vợ hiểu chồng và cô con gái 9 tuổi đi đâu cũng khoe bố mình là lính hải quân đã tiếp thêm sức mạnh cho người đảo trưởng này.

“Con mình yêu hình tượng chú bộ đội nên tự hào về bố lắm” - anh khoe con gái với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc.

HÀ BÌNH - MINH PHƯỢNG (habinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên