02/11/2015 07:38 GMT+7

Nga và Ai Cập điều tra nguyên nhân máy bay rơi

TÚ ANH
TÚ ANH

TT - Máy bay của hãng Nga gặp nạn trên bán đảo Sinai được cho rằng có nguyên nhân trục trặc kỹ thuật. Việc giải mã hai hộp đen đã tìm được sẽ giúp làm sáng tỏ mọi việc.

Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (giữa) xem hộp đen thu được tại hiện trường máy bay rơi - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail (giữa) xem hộp đen thu được tại hiện trường máy bay rơi - Ảnh: Reuters

Hôm qua, các cơ quan nhà nước ở Nga đã bắt đầu để cờ rủ và đài truyền hình ngưng phát các chương trình giải trí theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.

Nước Nga thực hiện một ngày quốc tang các nạn nhân của chuyến bay xấu số KGL-9268 làm thiệt mạng 224 người.

Cùng lúc đó, theo TASS, hoạt động điều tra và hồi hương các thi thể cũng được bắt đầu tích cực.

Bộ phận báo chí thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết Bộ trưởng Giao thông vận tải Maksim Sokolov - người đứng đầu Ủy ban điều tra Nga về vụ rơi máy bay - cùng Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Vladimir Puchkov và người đứng đầu Cơ quan Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) Aleksandr Neradko đã tới thủ đô Cairo của Ai Cập.

Trước đó, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết ông Puchkov sẽ trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng tìm kiếm, cứu nạn Nga trong vụ rơi máy bay trên.

Máy bay Ilyushin Il-76 của bộ này chở 40 nhân viên cứu hộ cùng trang thiết bị đã hạ cánh xuống sân bay Cairo. Máy bay này cũng sẽ đưa thi thể các nạn nhân về thành phố St.Petersburg để nhận dạng.

Ông Viktor Sorochenko, quan chức thuộc Ủy ban Hàng không liên chính phủ Nga, tối 1-11 cho biết chiếc máy bay bị vỡ trên không trung làm văng các mảnh vỡ khắp một khu vực rộng hơn 20km2, nhưng nói thêm vẫn chưa thể kết luận được điều gì.

Trước đó, Rosaviasia nêu rõ “hiện tại không có cơ sở để cho rằng nguyên nhân rơi máy bay do lỗi kỹ thuật, lỗi của phi hành đoàn hay bất kỳ tác động nào”.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Ủy ban quốc gia Điều tra thảm họa Nga gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ điều tra kỹ lưỡng các tình huống gây ra vụ rơi máy bay, trong khi tất cả người thân của các nạn nhân được hỗ trợ về y tế, tâm lý và các dịch vụ cần thiết khác.

Các nhà điều tra của Nga cũng đã kiểm tra những mẫu nhiên liệu mà máy bay đã dùng khi tiếp liệu tại Samara (Nga), theo thông tin từ Hãng thông tấn RIA của Nga.

Các nhà điều tra cũng thẩm vấn những người đã tham gia bảo dưỡng máy bay và lục soát văn phòng của Hãng hàng không Kogalymavia (hoạt động dưới thương hiệu Metrojet) đặt tại sân bay Domodedovo ở Matxcơva.

Trong khi đó, theo AFP, Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không dân dụng của Pháp (BEA) thông báo sẽ cử hai chuyên gia về an toàn bay cùng sáu chuyên gia kỹ thuật của Hãng máy bay Airbus tới Ai Cập tham gia điều tra. Đức cũng sẽ gửi hai nhà điều tra về an toàn bay của Cơ quan Điều tra tai nạn hàng không dân dụng (BFU) tới Ai Cập.

Hai hộp đen của máy bay đã được tìm thấy ngay trong ngày 31-10 nên sẽ giúp tìm hiểu nguyên nhân tai nạn nhanh chóng hơn. Dù hiện trường nằm trong vùng núi hoang vu Hassana ở trung tâm bán đảo Sinai, nhưng các đơn vị cứu hộ đã tiếp cận được và nhanh chóng tiến hành các biện pháp cần thiết.

Theo Reuters, thông tin từ phía chính quyền cho biết đã tìm được 163 thi thể chuyển về các bệnh viện. Các nhà điều tra Nga và Ai Cập cũng bắt đầu phối hợp điều tra nguyên nhân tai nạn ngay từ sáng sớm 1-11.

Thủ tướng Ai Cập cùng nhiều bộ trưởng dưới quyền cũng đã có mặt tại hiện trường để thúc đẩy việc phối hợp cứu hộ và điều tra.

Theo AFP, phía Ai Cập đã cung cấp thông tin rất tích cực cho báo chí về vụ tai nạn này. Động thái này được đánh giá nhằm trấn an dư luận vì sau những biến động về chính trị, Ai Cập đang trông mong vào thu nhập từ du lịch mà trong đó khách Nga chiếm đa số.

A-321 là máy bay gì?

Loại máy bay A-321 gặp nạn tại Sinai là phiên bản dài hơn của loại A-320 thuộc Hãng Airbus. Máy bay (dài 44,51m và sải cánh dài 34,10m) từng bay thử lần đầu vào tháng 3-1993.

Theo công bố của Airbus, trên thế giới hiện có 1.140 chiếc A-321 đang hoạt động. Airbus đã nhận đơn đặt hàng 2.593 chiếc A-321 và chỉ mới giao được 1.156 chiếc.

Hãng Kogalymavia của Nga đang khai thác hai chiếc A-320 và bảy chiếc A-321. Theo trang airfleets.fr, chiếc máy bay gặp nạn hoạt động từ năm 1997 với Hãng hàng không MEA của Libăng. 15 năm sau nó mới về với Kogalymavia sau khi đã qua tay ba hãng khác.

Ngày 28-7-2010, một chiếc A-321 thuộc Hãng hàng không Airblue của Pakistan đã rơi trong vùng núi gần Islamabad (Pakistan) làm thiệt mạng 150 người.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên