Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Power of Siberia 1 - Ảnh: PICTURE ALLIANCE
Tập đoàn Gazprom cho biết ông Alexey Miller, chủ tịch Gazprom, và ông Sainbuyan Amarsaikhan, phó thủ tướng Mông Cổ, đã thảo luận về dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mang tên Soyuz Vostok trong một cuộc họp hôm 28-2.
Theo Hãng tin Bloomberg, nếu các kế hoạch cho đường ống được thực hiện, đây có thể là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Gazprom với Trung Quốc.
Các quốc gia và khối thương mại, bao gồm Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản, đã đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt nhằm gây khó khăn cho nền kinh tế Nga.
Các biện pháp này chủ yếu nhằm vào hệ thống ngân hàng và hệ thống thương mại của Nga. Tuy nhiên, quan trọng là phương Tây không cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Châu Âu nhận được khoảng 40% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga và tiếp tục phụ thuộc vào nguồn khí đốt này kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra hôm 24-2.
Trong khi đó, theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga về xuất khẩu và nhập khẩu, và nước này đã mua 1/3 lượng dầu thô xuất khẩu của Nga vào năm 2020. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cung cấp cho Nga các sản phẩm như điện thoại, đồ chơi và quần áo.
Liên kết đường ống Soyuz Vostok với Trung Quốc có thể giúp Nga tiếp cận tốt hơn với các thị trường thay thế ở phương Đông, khi các nhà cung cấp năng lượng lớn ở phương Tây tuyên bố sẽ thoái vốn.
Ngày 1-3, Hãng xăng dầu Shell cho biết họ đang rút khỏi các liên doanh với Gazprom và các doanh nghiệp liên quan. Hãng BP cũng cho biết họ đang bán phá giá 20% cổ phần của mình trong Công ty dầu khí Rosneft do nhà nước Nga hậu thuẫn.
Đức cũng tạm dừng kế hoạch đối với đường ống Nord Stream 2, được thiết kế để vận chuyển khí đốt giữa Nga và lục địa châu Âu. Tuy nhiên, Công ty năng lượng E.ON của Đức cho biết họ đã từ chối lời kêu gọi đóng cửa đường ống Nord Stream 1, nơi bơm khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.
Bloomberg đưa tin nếu Nga và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cung cấp mới, Gazprom có thể xây dựng một đầu nối giữa các hệ thống đường ống đi hướng Tây và hướng Đông. Điều này cho phép chuyển hướng khí đốt từ các mỏ hiện chỉ cung cấp ở châu Âu sang Trung Quốc.
Soyuz Vostok còn được gọi là đường ống Sức mạnh của Siberia 2 (Power of Siberia 2).
Đường ống Power of Siberia 1 đã bơm khí đốt tự nhiên từ Nga sang Trung Quốc kể từ năm 2019. Đây là một phần của thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD kéo dài 30 năm, theo Bloomberg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận