Tổng thống Putin (phải) và Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani trong cuộc gặp tại Sochi ngày 22-10. Iran cũng là một nhân tố quan trọng của vấn đề Syria - Ảnh: Reuters |
Sẽ không có tiến trình chính trị nào theo kiểu phương Tây đưa ra |
Ông PAVEL FELGENHAUER (nhà phân tích quân sự độc lập của Nga) |
Phát biểu tại Sochi (Nga) hôm 22-10, ông Putin cho biết đã đề xuất với Tổng thống Syria Bashar al-Assad về việc hợp tác với quân nổi dậy tại cuộc gặp hôm thứ ba (20-10).
“Tôi hỏi ông ấy nghĩ sao nếu chúng tôi (Nga) tìm một lực lượng đối lập sẵn sàng chiến đấu chống IS và nếu chúng tôi ủng hộ nhóm này giống như đang ủng hộ quân đội Syria? Ông ấy trả lời: Chắn chắn rồi. Chúng tôi đang dự liệu và sẽ thực hiện điều này” - ông Putin kể và kêu gọi các nhóm người Kurd tham gia cùng chính quyền Syria và Iraq để chống IS.
Tuy nhiên, đề xuất này xem ra sẽ còn khó khăn khi các phe đối lập đến nay vẫn đòi ông Assad từ chức trước khi ngồi vào bàn đàm phán về một giải pháp chính trị.
Theo giới phân tích, công bố tại Sochi đồng nghĩa với việc Điện Kremlin muốn ông Assad tham gia vào các giải pháp chính trị, ít nhất là ở giai đoạn đầu.
“Đó là tuyên bố mạnh mẽ rằng Nga sẽ hậu thuẫn Assad cho đến cùng. Phe đối lập phải đầu hàng, ngừng tấn công Assad và gia nhập cùng ông ta. Đó sẽ là giải pháp chính trị” - ông Pavel Felgenhauer, nhà phân tích quân sự độc lập của Nga, nhận định.
Tuy nhiên Mỹ chỉ trích việc Nga “trải thảm đỏ” đón ông Assad là đi ngược việc thúc đẩy tiến trình chính trị cho hòa bình ở Syria. Các quan chức Mỹ lại cho rằng cuộc gặp tại Matxcơva không phải là điềm tốt cho tương lai của ông Assad.
“Nó chỉ củng cố quan điểm cho rằng Assad ngày càng mất kiểm soát với đất nước mình - một quan chức nói và nhận định chính quyền Syria sẽ khó giành được một chiến thắng về mặt quân sự - Ông Putin không phải là người đặt cược vào một con ngựa đang thua. Một lúc nào đó, ông Putin phải quyết định xem Nga sẽ hậu thuẫn một người đến mức nào”.
Tiếp nối các nỗ lực ngoại giao cho tiến trình chính trị ở Syria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và những người đồng cấp Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) để thảo luận về tình hình Syria.
Hôm 22-10, Tổng thống Putin cũng tiếp tục bảo vệ quan điểm khi khẳng định mục tiêu của Nga là nhằm vào các mục tiêu của tổ chức IS tại Syria, là chống chủ nghĩa khủng bố và giúp đỡ Damascus, “trái ngược với mục tiêu của Mỹ tìm cách lật đổ chế độ của ông Assad”.
Tổng thống Nga cho rằng việc tiêu diệt khủng bố không giải quyết được mọi vấn đề nhưng sẽ mở ra tiến trình đối thoại chính trị với tất cả các lực lượng yêu nước trong nước.
Trong tiến trình đó Damascus sẽ cần đến sự hỗ trợ tài chính, kinh tế, nhân đạo quy mô lớn. Washington đến nay vẫn tin rằng Nga chỉ tấn công các nhóm nổi dậy “ôn hòa” để giúp củng cố chính quyền ông Assad.
Ông Putin ngược lại chỉ trích phương Tây đang chơi trò “hai mặt” tại Syria, vừa tuyên bố chống khủng bố, vừa sử dụng một số nhóm khủng bố để sắp xếp các mảnh ghép trên bàn cờ Trung Đông theo lợi ích riêng của họ.
“Không thể chiến thắng khủng bố nếu họ cứ dùng khủng bố để hạ bệ các chính phủ không được yêu thích” - BBC dẫn lời ông Putin, nhấn mạnh việc Washington phân biệt giữa các nhóm khủng bố “ôn hòa” và “không ôn hòa” là một sai lầm.
Trong khi đó, nhà phân tích Bridget Kendall của BBC cho rằng ông Putin đang đưa ra các thông điệp mâu thuẫn khi một mặt chỉ trích phương Tây “hai mặt” trong khi lại muốn Washington và các nhóm đối lập “ôn hòa” tham gia vào giải pháp chính trị cho Syria.
Tại Sochi, ông Putin nói rằng Nga sắp chia sẻ các thông tin về vị trí phiến quân với phương Tây và nói đến “cơ hội” để Washington và Matxcơva phối hợp cùng nhau.
“Nếu ông Putin nghiêm túc về một thỏa thuận hòa bình, ông ấy nên xác định rằng việc có thêm nhiều đối tác là con đường duy nhất giúp kế hoạch của Nga không bị thất bại” - bà Kendall nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận