Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong thời gian tới - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Matxcơva sẽ công nhận kết quả cuộc bầu cử quốc hội Ukraine vì "điều quan trọng là sau cùng thì Ukraine sẽ có một chính phủ không đấu đá lẫn nhau, không kéo đất nước từ phương Đông tới phương Tây, mà sẽ giải quyết các vấn đề của đất nước”.
Tuy nhiên ông Lavrov cũng nhấn mạnh chính quyền Ukraine “phải bảo vệ chứ không được chia cắt đất nước”.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá cuộc bầu cử là cột mốc quan trọng và Washington trông đợi Kiev lập một chính phủ thống nhất.
Các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi chính quyền Kiev sớm đưa ra kế hoạch cải tổ nền kinh tế. Ukraine cho biết hi vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại sau cú giảm 6% trong năm 2014. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng GDP Ukraine sẽ tiếp tục yếu ớt.
Mới đây Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã mở cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với Thủ tướng Arseny Yatseniuk sau chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông Yatseniuk cho biết mục tiêu ưu tiên là lập một liên minh cầm quyền thân châu Âu và thực hiện các thỏa thuận với EU.
Giới quan sát nhận định ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong thời gian tới. Ông Poroshenko sẽ không thể làm được gì ngoài việc tuyên bố phản đối lực lượng ly khai tổ chức cuộc bầu cử riêng vào ngày 2-11 tới.
“Cuộc chiến ở miền đông sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài năm tới” - AFP dẫn lời nhà phân tích Yuriy Romanenko thuộc tổ chức nghiên cứu chính trị Strategema.
Một thách thức nữa của chính quyền Ukraine là lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau thời kỳ khủng hoảng.
Kinh tế Nga lao đao Theo RIA, hôm qua Bộ Kinh tế Nga đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nền kinh tế tăng trưởng quá yếu trong quý 3-2014 và sẽ sụt giảm trong quý 4 do tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. GDP của Nga trong quý 3 chỉ đạt 0,7%. “Dự kiến GDP sẽ tăng trưởng âm trong quý 4” - Bộ Kinh tế Nga cho biết. Hôm qua, đồng ruble tụt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và euro, hiện 1 USD đổi được 42,3 ruble. Lạm phát Nga cũng đã tăng vọt lên mức 8%. Việc giá dầu sụt giảm xuống 85 USD/thùng càng khiến nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận