Ảnh hộ chiếu của nhân chứng Evgeny Agapov - Ảnh: RT |
Theo RT, Ủy ban Điều tra Nga cho biết “nhân chứng” này tên Evgeny Agapov, một thợ máy trong không quân Ukraine. Hiện người này đang được nhà chức trách Nga bảo vệ.
Ủy ban Điều tra khẳng định Agapov đã vượt biên sang Nga và hợp tác với nhà chức trách trong cuộc điều tra thảm kịch MH17.
Agapov khai ngày 17-7-2014, một chiếc máy bay chiến đấu SU-25 do đại úy Voloshin điều khiển cất cánh “vì một nhiệm vụ quân sự”. Chiếc máy bay trở về mà không còn vũ khí. Khi máy bay hạ cánh, đại úy Voloshin rời khỏi buồng lái và trao đổi với một phi công khác.
Phi công này hỏi: “Chuyện gì xảy ra với chiếc máy bay đó vậy?” Đại úy Voloshin trả lời: “Nó bay ở một địa điểm sai lầm trong thời điểm sai lầm”.
Ủy ban Điều tra Nga khẳng định lời khai của Agapov cho thấy máy bay chiến đấu của Ukraine đã bắn rơi chiếc MH17.
Hôm 2-6, hãng sản xuất vũ khí Nga Almaz-Altey công bố kết quả cuộc điều tra riêng về thảm họa MH7. Almaz-Altey kết luận máy bay bị một tên lửa BUK đời cũ, BUK-M1, bắn rơi. Almaz-Altey khẳng định nhiều nước Liên Xô cũ sử dụng loại tên lửa này, trong đó có Ukraine, còn Nga đã thay thế bằng phiên bản mới từ lâu.
Hai điều tra của Nga tỏ ra khá mâu thuẫn nhau, bởi máy bay chiến đấu SU-25 chỉ có thể bắn tên lửa không đối không, còn BUK là tên lửa đất đối không. Dù vậy Almaz-Altey cho biết hãng này không loại trừ khả năng tên lửa không đối không đã bắn rơi máy bay MH17.
Kể từ khi thảm họa MH17 xảy ra khiến 298 người thiệt mạng ở miền đông Ukraine, chính quyền và truyền thông Nga đã vài lần công bố “bằng chứng” cáo buộc lực lượng Kiev gây án. Ba ngày sau thảm họa, Bộ Quốc phòng Nga công bố ảnh vệ tinh khẳng định quân đội Ukraine triển khai hệ thống BUK gần nơi máy bay rơi.
Nhưng mới đây nhóm báo chí điều tra Bellingcat công bố phân tích khẳng định Bộ Quốc phòng Nga đã chỉnh sửa những bức ảnh này. Tháng 11-2014, báo chí Nga đăng tải các bức ảnh vệ tinh chứng minh rằng một máy bay chiến đấu Ukraine bắn rơi máy bay MH17. Nhưng ngay sau đó các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng đó là hình ảnh giả mạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận