24/10/2014 10:57 GMT+7

​New York xuất hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO – Ngày 23-10, truyền thông Mỹ đưa tin ông Craig Spencer, 33 tuổi là bác sĩ làm việc cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) vừa từ Guinea trở về New York đã nhiễm vi rút Ebola.

Một người đàn ông đi ngang tòa nhà nơi bác sĩ Craig Spencer sinh sống ở Manhattan, New York - Ảnh: Reuters
Một người đàn ông đi ngang tòa nhà nơi bác sĩ Craig Spencer sinh sống ở Manhattan, New York - Ảnh: Reuters

* Một lãnh đạo Microsoft đóng góp 100 triệu USD chống Ebola

Đây là ca đầu tiên nhiễm loại vi rút chết người ở thành phố này.  

Báo New York Times cho biết bác sĩ Spencer đến Guinea tham gia chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở đây.

Ông đã được đưa đến chữa trị tại bệnh viện Bellevue và đang bị cách li sau khi bị sốt 39,4oC và bị buồn nôn. Bellevue là một trong 3 bệnh viện ở Manhattan và 8 bệnh viện ở bang New York được trang bị thiết bị chuyên dùng để chữa trị bệnh nhân nhiễm Ebola.  

Bác sĩ Spencer đã thông báo tình trạng của mình cho MSF sáng 23-10. Một đội ngũ nhân viên y tế đã được huấn luyện chuyên nghiệp về việc ứng phó với Ebola của New York đã được điều đến để đưa Spencer đi bệnh viện.

Tuy kết quả xét nghiệm cho thấy bác sĩ bị dương tính với vi rút Ebola nhưng Trung tâm kiểm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) sẽ làm thêm một số xét nghiệm tiếp theo để chắc chắn rằng xét nghiệm ban đầu là chính xác.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio và thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã tổ chức cuộc họp báo về trường hợp này lúc 21g theo giờ địa phương (8g sáng theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, người phát ngôn của thị trưởng  Bill de Blasio từ chối bình luận về vấn đề này.

Trên trang Facebook cá nhân, Spencer cho biết ông đến Guinea ngày 18-9 và sau đó có bay đến thủ đô Brussels của Bỉ vào ngày 16-10 trước khi quay về Mỹ.

Bác sĩ Spencer làm ở bộ phận y khoa khẩn cấp quốc tế của bệnh viện New York Presbyterian thuộc trường đại học Columbia.

Đại học Columbia cho biết Spencer không làm việc cũng không khám cho bất kỳ bệnh nhân nào từ khi trở về từ Guinea.

Bệnh viện Bellevue đã cách ly cả tầng bảy của bệnh viện này để chữa trị cho Spencer. Căn hộ của vị bác sĩ này ở khu Harlem (Manhattan) cũng đã bị phong tỏa trong cùng ngày.

Vi rút Ebola lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với những thể chất lỏng tiết từ người nhiễm bệnh. Trong tuần, Mỹ đã tăng cường kiểm tra thân nhiệt của những người đến từ Liberia, Sierra Leone và Guniea qua cửa ngõ hàng không ở 5 sân bay chính của nước này.

Mối quan ngại của người Mỹ đối với dịch bệnh Ebola đang tăng lên sau khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác nhận ở Dallas (bang Texas) là Thomas Eric Duncan, bệnh nhân người Liberia đã tử vong hồi ngày 8-10 ở bệnh viện hạt Dallas.

Một đội đặc nhiệm chuyên xử lý Ebola đã được thành lập ngay lập tức sau những sơ sót trong việc xử lý ca bệnh của Duncan.

Cùng ngày, nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft Paul Allen cho biết sẽ đóng góp thêm hơn 100 triệu USD cho các tổ chức đang chống Ebola, trở thành một trong những cá nhân có số tiền quyên góp lớn nhất cho cuộc chiếng chống căn bệnh chết người này. Hồi tháng 9-2014, ông Allen đã quyên góp cho CDC 9 triệu USD hỗ trợ chi phí xử lý Ebola.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 23-10, Allen cam kết sẽ chi thêm ít nhất 100 triệu USD để tài trợ cho các đơn vị làm việc trong lĩnh vực ngăn chặn sơ tán y khoa, trong đó có các nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh và tài trợ cho trường y khoa Massachusetts đào tạo sinh viên y khoa cũng như cung cấp trang thiết bị viện trợ cho cuộc chiến chống Ebola ở Liberia.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên