Một tài xế Grab giao hàng cho khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài viết của bạn đọc Trương Thị Hồng tham gia diễn đàn Grab Việt cần có những giải pháp nào để giữ lại hình ảnh những chuyến xe thân thiện vốn có trước đây?
Vài ngày trở lại đây, thông tin Grab phụ thu thêm phí "thời tiết nắng nóng gay gắt", khiến cước xe tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 đồng đã khiến nhiều khách hàng, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng dịch vụ của hãng xe công nghệ này, cảm thấy bất bình.
Là người thường xuyên sử dụng dịch vụ Grab để đến cơ quan làm việc, cá nhân tôi rất băn khoăn về điều kiện thời tiết như thế nào được xem là nắng nóng để làm tiêu chuẩn tính chi phí khách hàng và nó sẽ được xác định tại thời điểm đón khách hay thời điểm kết thúc cuộc hành trình.
Vốn dĩ, một ngày ở TP.HCM vào mùa hè, thời tiết thường chỉ có hai trạng thái nắng hoặc mưa, nếu cứ triển khai thu phụ phí như hiện nay thì vô hình trung khách hàng phải trả thêm chi phí là 5.000 đồng cho một đơn hàng.
Đó là chưa kể đến trường hợp mưa nắng thất thường, chẳng hạn như khi bắt xe ở quận này đang nắng gắt nhưng khi sang quận khác lại âm u, thậm chí đổ mưa rào, như thế có được xem là tính phụ thu "nắng nóng gay gắt" hay không.
Và thiết nghĩ, bất kỳ công việc nào cũng phải đối mặt với chuyện nắng mưa, nên chuyện thu thêm phí khách hàng khi sử dụng là cực kỳ bất hợp lý.
Kỳ thực, động thái phụ thu thêm loại phí "nắng nóng gay gắt" được xem chỉ là một trong nhiều loại phí mà khách hàng sử dụng dịch vụ Grab phải gánh chịu.
Được biết vào thời điểm trước đó, ngoài phụ thu về thời tiết như trời nắng, trời mưa, Grab còn triển khai thêm phụ phí ban đêm với mức giá 10.000 đồng sẽ được áp dụng cho các dịch vụ được phục vụ bằng xe gắn máy (GrabBike, GrabExpress, GrabFood và GrabMart) và 20.000 đồng cho các dịch vụ được phục vụ bằng ôtô...
Thậm chí cả khi chiều tối, thời tiết không quá nắng gắt cũng không mưa, sử dụng dịch vụ Grab, nhiều khách hàng vẫn bị tính thêm phí vì rơi vào khung giờ cao điểm. Cả khi GrabBike đến đón khách, nếu phải chờ quá 5 phút, khách sẽ bị thu thêm khoản phí chờ, dao động khoảng 2.000 đồng.
Với phương án tính phụ thu cả trời nắng gắt, trời mưa lẫn giờ cao điểm, trời tối... cá nhân tôi cho rằng Grab đang cố tình "tận thu" tất cả chi phí từ khách hàng của mình.
Dẫu đồng cảm với nỗi vất vả của các anh tài xế, sẵn sàng trả thêm phụ thu để bồi dưỡng sức khỏe cho họ, nhưng sự không rạch ròi về điều khoản, cũng như băn khoăn liệu họ có được hưởng nguyên vẹn 5.000 đồng chi phí đó không hay phải trả thêm phần trăm cho Grab khiến tôi thật sự bất bình.
Nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng xe công nghệ để di chuyển hằng ngày cùng đồng quan điểm với tôi, khi nhận ra việc thu thêm phụ phí quả thật chỉ là chiêu trò "móc túi" khách hàng trong khi các tài xế lại không hề được hưởng trọn vẹn số tiền đó.
Lẽ ra đã là chính sách hỗ trợ tài xế của Grab thì hãng xe này nên trích chiết khấu thêm cho tài xế, hoặc trích từ một nguồn quỹ bình ổn của Grab sẽ hợp lý hơn việc ra sức tận thu một cách vô tội vạ từ khách hàng.
Thêm vào đó, sau hơn 2 năm kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, cũng như tình trạng xăng dầu, chi phí sinh hoạt tăng cao như hiện nay, việc tận thu chi phí từ Grab càng khiến nhiều khách hàng, trong đó có tôi, muốn từ bỏ ứng dụng đặt xe công nghệ này, để chuyển sang sử dụng dịch vụ khác.
Đó là chưa kể một số khách hàng sử dụng dịch vụ Grab để giao hàng nên với mức phí cao như hiện nay, họ sẽ gặp khó khăn và bị giảm lợi nhuận lớn trong kinh doanh.
Điển hình như trường hợp của chị họ tôi, chuyên mua bán quần áo, mỹ phẩm online nên thường xuyên phải giao hàng cho khách. Việc đặt hàng qua ứng dụng Grab với mức phí cao như hiện nay vô tình đã làm tăng chi phí lên rất cao, khiến lợi nhuận giảm.
Chính vì lẽ đó, chị tôi đành ngừng sử dụng dịch vụ Grab mà tính toán lựa chọn các hình thức giao hàng khác để tiết giảm chi phí. Thậm chí, vào một số giờ cao điểm, khi muốn di chuyển để giao hàng cho khách, chị tôi còn gọi cả taxi truyền thống và bất ngờ nhận ra cước phí của các ứng dụng gọi xe khác đôi lúc còn rẻ hơn từ 10.000 - 30.000 đồng.
Xét về góc độ pháp lý, các hãng xe công nghệ muốn thu phụ phí phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, vì đây là vấn đề liên quan đến người tiêu dùng nên phải được cơ quan chức năng cho phép.
Cũng bởi, theo nghị định 126 của Chính phủ quy định về phí và lệ phí, khi đưa ra các loại phí phải thông báo rõ ràng đến người tiêu dùng, để họ thực hiện quyền lựa chọn có hoặc không tham gia.
Thiết nghĩ, việc ứng dụng gọi xe tính phụ phí trực tiếp vào trong giá cước là một hình thức tăng giá theo kiểu "té nước theo mưa", nhằm tận thu triệt để giá sử dụng dịch vụ của khách hàng. Bản chất của hành động này, xét cho cùng là tận thu, chứ không phải chia sẻ.
Là người sử dụng dịch vụ của Grab, theo bạn việc tăng giá cước, phụ thu "thời tiết nắng nóng gay gắt" có hợp lý? Trong tình hình hiện tại, Grab Việt cần có những giải pháp nào để giữ lại hình ảnh những chuyến xe thân thiện vốn có trước đây?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận