Người dân và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Có một thói quen xấu, đó là doanh nghiệp Việt Nam khi muốn làm lớn phải tìm cách quan hệ chính quyền, với quan chức. Phải có tiếng có tăm mọi việc mới hanh thông, nhanh gọn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (chủ tịch AFT)
Trong khi đó, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách để cải cách thủ tục, từ chuyện cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho đến việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn... nhưng đến nay nhiều mục tiêu này vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Chưa được vạ, má đã sưng
Ông Nguyễn Ngọc Thành, chủ tịch HTX nông nghiệp Xuân Lộc (TP.HCM), kể lại câu chuyện "cười ra nước mắt" xảy ra đối với HTX này.
Theo đó, do hóa đơn giá trị gia tăng (trị giá 700.000 đồng) gửi qua đường bưu điện bị thất lạc, HTX này đã thông báo cho cơ quan thuế nhưng vẫn bị phạt 2,9 triệu đồng. Nếu không chấp hành, HTX có thể bị phạt đến gần 20 triệu đồng.
Sau đó, phía bưu điện có gửi công văn xin lỗi HTX và bồi thường khoản tiền theo quy định là 150.000 đồng. Khi khiếu nại lên chi cục thuế, ông Thành được trả lời là theo quy định không thể phạt đơn vị vận chuyển mà chỉ phạt doanh nghiệp.
"Quy định này vô hình trung đã gây khó khăn, đẩy sự rủi ro về phía doanh nghiệp dù bản thân doanh nghiệp không có lỗi" - ông Thành bức xúc.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Kim Tú, giám đốc Công ty TNHH ICE CASTLE, cho biết hơn 10 năm qua doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu đúng một mẫu hàng đã có mã HS là các loại tượng đá, tượng gỗ cho một doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Với loại tượng gỗ và kiện hàng bằng khung gỗ, phía Hàn Quốc yêu cầu phải có kiểm dịch mới có thể nhập hàng và doanh nghiệp này đều chấp hành đầy đủ.
Tuy nhiên, lần nào xuất hàng doanh nghiệp này cũng phải làm các giấy tờ khai báo lại từ đầu. Doanh nghiệp phải mất đến 3 ngày để trải qua các bước đăng ký, hoàn thiện quy trình, thủ tục mới được xuất cảng trong khi phía Hàn Quốc chỉ mất 2 tiếng để kiểm dịch và nhận hàng.
"Lẽ ra hải quan phải ứng dụng công nghệ hơn nữa như đánh mã số, lưu lại thông tin hàng hóa của doanh nghiệp và có sự liên thông về thủ tục giữa các đơn vị bằng công nghệ để giảm thủ tục và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp" - bà Tú nói.
Tương tự, bà Phan Thanh Kỳ Duyên (đại diện bộ phận xuất nhập khẩu của một công ty) cho biết nhập một số tủ làm mát để bảo quản các loại bánh do công ty sản xuất, công ty được yêu cầu phải đưa đến một cơ quan chuyên môn để kiểm tra hiệu suất năng lượng mới được nhận hàng, vừa tốn chi phí vừa mất thời gian.
"Chúng tôi nhập tủ mới về để sử dụng, không phải để kinh doanh mà vẫn bị gây khó khăn" - bà Duyên nói.
Nhiều kẽ hở cho tham nhũng vặt
"Các thủ tục hành chính chuyên ngành rất nhiều, rườm rà và là cơ hội để người làm ở các cơ quan nhà nước hành doanh nghiệp, phát sinh tham nhũng vặt. Do đó, doanh nghiệp phải quan hệ với chính quyền và quan chức nhưng cũng trầy trật đủ đường" - bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), nói.
Bà Minh kể có doanh nghiệp được một chuyên viên của một sở tại địa phương gửi email mời xuống để làm dịch vụ, nhưng sau đó thông báo lại là sẽ chuyển qua đấu thầu. Doanh nghiệp lại phải làm lại thủ tục từ đầu.
Chưa hết, sau đó chuyên viên này nhắn tin cho chủ doanh nghiệp: "Em có rượu không cho anh chục chai", buộc doanh nghiệp phải vất vả tìm mua rượu để biếu cho vị chuyên viên nọ.
Lãnh đạo người Việt tại một doanh nghiệp FDI kể khi mời vào kiểm định theo yêu cầu, nhân viên kiểm định của một bộ yêu cầu phải "đài thọ" vé máy bay và phải đưa tiền mặt để họ tự mua. Nếu doanh nghiệp mua thì không xuất hóa đơn công ty.
"Công ty nước ngoài, tài chính được kiểm toán và công khai nên không làm sai được, buộc lòng chúng tôi phải nghĩ cách lấy chỗ này đắp chỗ kia" - vị này nói.
Ông Nguyễn Anh Dương - trưởng ban chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) - thừa nhận dù nghị quyết 19 của Chính phủ (về những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) đặt ra nhiều mục tiêu rất cụ thể như xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, giảm ít nhất 50% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành...
Tuy nhiên đến nay, nhiều mục tiêu trong nghị quyết vẫn chưa thực hiện được, trong đó có nội dung liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành vốn bị nhiều doanh nghiệp than phiền lâu nay.
Theo ông Dương, nhiều mục tiêu mà nghị quyết này đặt ra như giảm thời gian thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành... vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Minh Thảo (trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Ciem):
Nhiều rủi ro cho doanh nghiệp
Dù liên tục được Chính phủ yêu cầu quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính lại phát sinh, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử như số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành ngày một "nở nồi", rồi tình trạng chưa thống nhất giữa các bộ, ngành, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Đặc biệt, thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành thường kéo dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, như chi phí lưu kho bãi tăng cao, nguy cơ bị phạt hành chính, mất cơ hội kinh doanh, chưa kể nhiều mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong bộ. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết, trừ vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận