Bé Cò “anh” hôn ông Ánh và nũng nịu gọi “Ông nội ơi!” - Ảnh: YẾN TRINH
Vừa đút cho cậu bé Cò "anh" 3 tuổi rưỡi ăn, ông Ánh vừa kể về những năm tháng "lạ lùng" vừa qua. Cò "anh" cứ một lát lại gọi "Ông nội ơi!" rồi hôn lên má ông bằng tình thương hồn nhiên của một số phận côi cút.
Sau khung cửa xanh
Phía trước 13 căn phòng chia làm hai dãy nhà, 5-6 em nhỏ đang tụm lại chơi nhảy dây. Sáng cuối tuần, các em không phải đi học, tiếng cười đùa xua đi bầu không khí yên ắng. Trong số đó có em mồ côi, em thì gia đình quá nghèo không có điều kiện nuôi nấng. Sau những khung cửa xanh, người đang nằm nghỉ, người không thể đi đứng được nữa, cũng có những ông bà cụ đã lẩn thẩn, ánh mắt mờ đục. Nếu không nương nhờ nơi này, không biết họ sẽ ra sao…
Chúng tôi chợt nghe tiếng dỗ dành trẻ con từ căn phòng giữa. Bé Cò "em" 7 tháng tuổi đang nghịch gấu quần của chị Trần Thị Nhàn (42 tuổi, quê Bình Định). "Thương lắm, người ta bỏ rơi Cò khi vừa mới sinh. Chú Ánh nhận về nuôi và đang tìm tên đặt cho", chị nói.
Gương mặt Cò "em" bụ bẫm, cổ đeo sợi dây bạc mà mẹ của chị Nhàn mua cho. Em chơi đùa một lúc thì thiếp ngủ, chị Nhàn ngồi trông nom như một người mẹ. Miệng méo xệch do di chứng tai biến, giọng chị như muốn khóc khi kể về đời mình: "Tôi bị tai biến liệt nửa người, ngoài quê không biết làm gì để sống. Họ hàng đưa tôi với mẹ và con gái vô đây bốn năm nay rồi".
Để người trong mái ấm chia sẻ cùng nhau, ông Ánh phân chia mỗi phòng từ hai người, có phòng ba hoặc bốn người. Ở đây có cụ bà đã gần 90 tuổi, cũng có trường hợp còn bé xíu như Cò "em". Cách xa khỏi khu phòng ở là bếp ăn, nơi mấy người phụ nữ đang loay hoay chuẩn bị món bún bò lá lốt cho buổi trưa. Hai thanh niên quét dọn ngoài sân, bên trong người thì rửa chén người đổ rác. Tất cả diễn ra khá quy củ nhưng gần gũi như một gia đình lớn.
Người dưng nghĩa nặng
Ôm Cò "anh" vào lòng, ông Ánh uống ngụm trà, kể cơ duyên lập mái ấm: "Quê ở Thừa Thiên Huế, tôi theo gia đình đi kinh tế mới ở tỉnh Bình Phước này từ hồi bé. Sau khi lên TP.HCM học đại học, tôi trở lại mảnh đất này…".
Xót thương những phận đời kém may mắn, năm 2017 ông có một quyết định khiến ai cũng ngạc nhiên: bán một phần đất ở TP.HCM rồi mua đất nơi xa xôi này để cưu mang người dưng.
Ông Ánh chân chất lý giải: "Người đến mái ấm nương nhờ là dân tứ xứ như Huế, Bình Định, Đắk Nông… Thấy họ không có chỗ ở, tôi muốn giúp đỡ họ lâu dài. Chứ mình thấy họ khổ, mình cho họ mấy mươi ngàn thì họ ăn hai bữa là hết".
Lúc đầu, vợ con ông e ngại rồi đây ông sẽ cực nhọc nên không ủng hộ, nhưng dần dần đã đồng cảm và chung tay cùng ông. "Có thời điểm mái ấm lên đến hơn 50 người. Có những hoàn cảnh khổ quá, không ai chăm sóc nên một số tổ chức thiện nguyện gọi mình. Một số người đã ở đây từ lúc tôi mới lập mái ấm", ông kể lại. Rồi một số người già, bệnh nan y qua đời, ông Ánh đứng ra lo liệu tang ma cho họ…
Số phận buồn đầu tiên đến với mái ấm là ông Khiêm, mắc bệnh thần kinh. Sau khi người chị hơn 80 tuổi qua đời, ông Khiêm dạt về nơi này. Trong dòng ký ức, ông Ánh nhắc vài cái tên mà khi nghe về cuộc đời họ không khỏi chạnh lòng.
Ông nói: "Như trường hợp ông Lương bị bệnh, được người dân đưa vào bệnh viện ở TP.HCM rồi không biết đi đâu về đâu. Một hộ lý đã kết nối đưa lên mái ấm". Rồi ông Tâm trước đây là thầy giáo, đột nhiên đời bắt ông mù lòa không nơi nương tựa. Cho đến những tên trẻ con như Trường An được ông Ánh đặt với mong muốn chúng có cuộc đời êm ấm.
"Mình cố gắng lo cơm nước, lo liệu đời sống cho họ. Có một ông thèm ra đường uống cà phê, lâu lâu tôi dúi cho một ít tiền. Chắc ổng nhớ không khí ngày xưa…", ông nói.
Tạo dựng ngôi nhà cho riêng mình đã khó, xây ngôi nhà chung cho người tứ cố vô thân khó gấp vạn lần. Ông Ánh cứ tỉ mẩn góp nhặt yêu thương để mái ấm có hình hài như hôm nay. Không thể kham nổi quá nhiều công việc, ông nhờ người dân địa phương đến phụ giúp và trả lương cho họ. "Tôi thuê người chăm sóc, dọn dẹp các phòng ốc. Mái ấm có những người nằm một chỗ, không tự vệ sinh được…", ông trải lòng.
Về việc duy trì hoạt động mái ấm, ông bộc bạch: "Tôi cũng làm đủ việc, buôn bán trên mạng, kể cả măng khô, hột điều. Tôi cũng mua một khu đất để trồng sầu riêng, chôm chôm và sắp có thu hoạch để trang trải phần nào chi phí. Ngoài ra cũng có nhiều tấm lòng sẻ chia".
Chị Trần Thị Nhàn ốm đau nhưng vẫn gắng trông nom bé Cò “em” 7 tháng tuổi như con mình - Ảnh: YẾN TRINH
Chung tay vì gia đình lớn
Sống ở mái ấm của ông Ánh một thời gian, những người còn khỏe mạnh dần làm lành với cuộc đời, xoay qua phụ giúp công việc chung. Từ bóng tối của quá khứ buồn bã, họ đã nương nhau đi về phía ánh sáng tình thương.
Vóc người thấp đậm, bà Nguyễn Thị Nữ (52 tuổi, quê Bình Dương) lui cui rửa chén ở khu bếp. Bà đến với mái ấm sau những năm tháng thui thủi đi nhặt ve chai. Ai nhờ gì, hỏi gì bà đều giúp đỡ với nụ cười lành hiền.
Còn ông Thái Cầu (67 tuổi) sau khi không còn nhà cửa đã sinh bệnh rồi mang theo gia tài là năm chú chó nương nhờ mái ấm đến nay. "Tôi có nghề in lụa. Có người rủ tôi ra ngoài sống rồi đi làm, nhưng ở đây vui hơn" - ông nói và cho biết ở mái ấm này ai thấy việc gì cần làm sẽ tự giác, những em nhỏ cũng phụ giúp việc nhẹ...
Còn anh Nguyễn Văn Thức (27 tuổi, quê Lâm Đồng) trước đây làm công nhân. "Một lần đi thiện nguyện, em tình cờ biết việc làm của chú Ánh nên về phụ giúp từ khi nơi này mới xây móng", anh nói. Thức biết lo liệu nhiều việc, ai ốm đau được anh giúp đưa đi bệnh viện và bảo ban các em nhỏ…
Lòng tốt như một đóa hoa lặng lẽ tỏa hương. Nhà ở khu rẫy điều cách đây một cây số, bà Nguyễn Thị Cúc (73 tuổi) mấy năm nay hay tình nguyện đến san sẻ cùng mái ấm. Sống đơn chiếc với công việc cạo vỏ điều, bà lấy việc phụ giúp mái ấm làm niềm vui tuổi già. Bà trải lòng: "Bữa nào khỏe thì tôi đạp xe tới. Chú Ánh là người biết thương người. Khi tôi bệnh không lên mái ấm được, chú ghé thăm, cho hộp sữa, mấy ký gạo…".
Khi chúng tôi tạm biệt mái ấm, ông Ánh đang nhắc nhở một thanh niên không nên cãi cọ với em nhỏ, phải nhường em. Ngại nói về mình, ông chỉ mong bản thân có đủ sức khỏe chăm lo cho những con người đã xem ông như ruột rà. Ngoài sân, mấy đứa trẻ vẫn hồn nhiên chơi đùa, tiếng cười ấm áp trên mảnh đất tình người.
Từ thứ hai đến thứ sáu ông Ánh túc trực ở mái ấm Bà Rá, cuối tuần về lại nhà ở TP.HCM. Những khi năm hết Tết đến, chiều 30 ông mới về lại thành phố, mùng 1 lại chở vợ con xuống thăm mái ấm.
Có lẽ nguồn năng lượng để ông "xoay như chong chóng", theo lời ông nói, là từ sự yêu quý của những người nơi đây dành cho mình. Những cô cậu bé trìu mến gọi ông là ông nội, người gọi ông là tía Ánh, chú Ánh như máu mủ trong nhà.
Các em nhỏ vui vẻ chơi đùa ở mái ấm Bà Rá - Ảnh: YẾN TRINH
Ông Ánh cho biết mái ấm được địa phương, nhất là công đoàn cơ sở xã Phước Tân và Liên đoàn Lao động tỉnh quan tâm, hỗ trợ. "Địa phương ở đây rất tốt, đã thăm nom và giúp đỡ cho mái ấm…", ông kể.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ công an xã Phước Tân, cho biết anh nhận thấy mái ấm đã làm tốt việc cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Sau này nếu biết tấm lòng hảo tâm nào, anh sẽ kết nối để hỗ trợ mái ấm phần nào...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận