16/08/2019 10:39 GMT+7

Neo được vào lòng khán giả, là 'Thưa mẹ con đi'

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Trong bối cảnh điện ảnh Việt đang thừa mứa những bộ phim giải trí hời hợt và thiếu vắng những tác phẩm độc lập chân thực, gần gũi và mang hơi thở của cuộc sống đương đại, Thưa mẹ con đi là một sự có mặt đáng cổ vũ.

Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 1.

Ba diễn viên chính của phim Thưa mẹ con đi (từ trái qua): Hồng Đào, Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy - Ảnh: ĐINH DUY

Thắng giải dự án thương mại tại diễn đàn Gặp gỡ mùa thu hai năm trước, Thưa mẹ con đi được triển khai khá nhanh chóng cho dù đây không hẳn là một bộ phim mang tính thương mại, mà gần hơn với một dự án độc lập.

Câu chuyện và nhân vật neo được vào lòng khán giả

Thưa mẹ con đi kể câu chuyện về Văn, một chàng thanh niên 28 tuổi trở về Việt Nam sau nhiều năm sống tại Mỹ. Sự trở về của Văn khiến cả gia đình ba thế hệ, đặc biệt là người mẹ của anh, ngạc nhiên khi anh không về một mình mà đi cùng Ian - một anh chàng Việt kiều mới 20 tuổi.

Ekip phim “Thưa mẹ con đi” ra mắt ấm cúng tại TP.HCM

Trong kỳ nghỉ tại Việt Nam, hai chàng trai này bị cuốn vào những áp lực từ sự kỳ vọng, trách nhiệm và xung đột với những người xung quanh, đặc biệt khi Văn là cháu đích tôn có trách nhiệm phải kế thừa những truyền thống của gia đình...

Bộ phim có một kịch bản và nhân vật đúng nghĩa "original" - nguyên bản - với nghĩa đúng nhất của từ này - tức là một câu chuyện vừa riêng tư, cá nhân nhưng đồng thời cũng rất phổ quát; một tác phẩm đời thường giản dị, không màu mè lên gân, không bi kịch hóa mà vẫn gần gũi, cảm động. Câu chuyện và nhân vật vì vậy đáng nhớ và neo được vào lòng khán giả.

Mọi thứ trong Thưa mẹ con đi được thể hiện mạch lạc với cấu trúc rõ ràng. Nhịp phim ở nửa đầu khá chậm rãi và ít kịch tính, nhưng đó dường như là chủ ý của đạo diễn để xây dựng tính cách nhân vật và tạo tiền đề cho những xung đột ở nửa cuối.

Những cú máy cận đặc tả những tương tác bằng mắt giữa các nhân vật giúp cho cảm xúc của bộ phim được đẩy lên. Và những giọt nước mắt của bà Hạnh cũng như Văn ở những khoảnh khắc cuối, trong hai phân cảnh liền kề nhau khiến người xem cảm động.

Đó là những giọt nước mắt của sự chấp nhận và thấu hiểu từ cả hai phía - mẹ và con trai, cho dù vẫn còn nhiều nỗi day dứt như câu hát "Xin lỗi người vì những điều chưa nói ra thành câu"...

[OST Thưa Mẹ Con Đi / Goodbye Mother] Cảm Ơn Và Xin Lỗi - Chillies

Không nhân vật nào mờ nhạt

Dàn diễn viên phụ gạo cội làm khung bao để cho hai nam diễn viên chính "tân binh" tỏa sáng, nhưng không nhân vật nào mờ nhạt cho dù thời lượng xuất hiện của họ trên màn ảnh không nhiều.

Một Hồng Ánh gần như "thoát vai" những nhân vật bi kịch trước đây để vào vai một bà cô muộn chồng hay hờn mát; một Kiều Trinh vào vai bà thím đanh đá, nhiều chuyện và chuyên gia gây rắc rối; một Lê Thiện hồn nhiên với vai bà nội đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh Alzheimer nhầm lẫn lung tung nhưng cũng là nhân vật "hóa giải" nút thắt của bộ phim một cách nhẹ nhàng.

Họ là ba nhân vật nữ phụ vững chắc làm trụ đỡ cho câu chuyện, nơi những xung đột được dịp triển khai.

Hai nam diễn viên trẻ Lãnh Thanh và Gia Huy dù diễn xuất đôi chỗ còn non nớt và rớt nhịp cảm xúc, nhưng rất "tươi mới" và sáng màn hình.

Và cuối cùng, diễn viên xuất sắc nhất là Hồng Đào - người vào vai bà mẹ cô độc trong phim. "Mẹ" xuất hiện trong nhan đề của bộ phim nên tất nhiên nhân vật cũng được đầu tư và trở thành đối trọng với cặp nam chính.

Lối diễn xuất nội tâm, được thể hiện qua ánh mắt đôi khi u uẩn và cô độc của Hồng Đào là những điểm sáng và đồng thời cũng gây xúc động nhất ở bộ phim này.

Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 4.

Hồng Đào và Lãnh Thanh trong Thưa mẹ con đi - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh Việt cần những bộ phim như thế!

Một điểm cộng ở Thưa mẹ con đi là cách xử lý câu chuyện đồng tính. Không "mê lô" cũng không lố lăng, kệch cỡm hóa như nhiều nhân vật đồng tính trong các bộ phim hài Việt; đồng tính trong phim được xử lý vừa đủ và văn minh, cùng vài khoảnh khắc tinh tế.

Tất nhiên, hai nhân vật chính cũng đối mặt với những kỳ thị của xã hội, gia đình nhưng ta không có cảm giác họ là "nạn nhân" và cần được bảo vệ.

Để không trở thành "nạn nhân", họ phải sống đúng với con người thật của mình, cho dù điều này khiến họ đôi lúc rơi vào những tình thế lưỡng nan không biết phải xử lý như thế nào cho phải đạo.

Và quan trọng hơn nữa, muốn được gia đình chấp nhận con người thật của họ, bản thân họ cũng phải thấu hiểu được người thân, những áp lực và kỳ vọng mà người thân phải chịu đựng. Sự thấu hiểu đó phải đến từ hai phía chứ không chỉ bo bo ích kỷ chỉ biết đến mình.

Thưa mẹ con đi là tác phẩm điện ảnh đầu tay mang nhiều dấu ấn cá nhân của Trịnh Đình Lê Minh - đạo diễn trẻ từng tốt nghiệp khóa thạc sĩ sản xuất phim tại Đại học Austin (Texas, Mỹ) nhờ nguồn học bổng Fulbright.

Bộ phim giản dị nhưng chạm được vào những lát cắt đời thường của cuộc sống và để lại những khoảnh khắc thực sự xúc động.

Điện ảnh Việt đang rất cần những bộ phim như thế!

Biên kịch Trần Khánh Hoàng (Em chưa 18, Vu quy đại náo):

Sinh khí cho dòng phim độc lập

tran khanh hoang 15

Tôi từng xem một số bản dựng của phim này, nhưng bản ra rạp chắt lọc những gì tinh túy và sắc bén nhất của đạo diễn. Bản phim tràn đầy cảm xúc. Tôi xúc động khi năm ngoái có Nhắm mắt thấy mùa hè, năm nay có Thưa mẹ con đi, mang lại sinh khí khác cho dòng phim độc lập.

Trịnh Đình Lê Minh chuyển tải được không khí đời sống, khiến khán giả có cảm giác là thành viên trong gia đình, cùng hai nhân vật chính trải nghiệm hành trình. Sự chân thực sẽ chạm đến khán giả.

Dàn diễn viên rất đáng yêu. Đây là một vai diễn tuyệt vời của chị Hồng Đào, vai tôi thích nhất của chị từ xưa đến giờ. Đặc biệt là Võ Điền Gia Huy, Huy có ánh mắt rất hấp dẫn. Bạn quả là một tài năng và chắc chắn sẽ tỏa sáng trong tương lai.

Đạo diễn, diễn viên Kathy Uyên (Để Mai tính, Chị chị em em):

Phim rất Việt Nam

kathy uyen 15

Xem phim này, tôi muốn về quê quá! Phim rất Việt Nam, rất thật, diễn xuất tuyệt vời. Những nhân vật rất có duyên và tự nhiên. Khó để chọn một diễn viên nổi bật duy nhất vì tất cả đều thuyết phục được tôi. Cách đạo diễn cũng không tạo cảm giác "cố quá".

Tôi ấn tượng với cả hai tuyến truyện gia đình và tình yêu đồng giới. Tình yêu đồng giới cũng là tình yêu bình thường, không hề khác biệt với tình yêu nam nữ. Nếu có một nhược điểm thì đó là nhịp điệu hơi chậm, nhưng không nhàm chán mà vẫn rất lôi cuốn.

MI LY ghi

Trailer và một số hình ảnh của Thưa mẹ con đi:

Trailer phim 'Thưa mẹ con đi'

Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 9.
Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 10.
Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 11.
Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 12.
Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 13.
Neo được vào lòng khán giả, là Thưa mẹ con đi - Ảnh 14.
Khi ta thành thật Khi ta thành thật 'Thưa mẹ con đi'

TTO - Một cuộc trò chuyện, không phải về bộ phim, mà về những vấn đề mà cộng đồng LGBT ở Việt Nam hiện tại, ứng xử sai đúng, khoảng cách của sự chấp nhận giữa gia đình và xã hội, họ có tổn thương không?

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên