06/06/2023 09:54 GMT+7

Nên soạn thảo luật ở đâu?

Trong phiên thảo luận ngày 23-5 vừa qua về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - Ảnh: QUOCHOI.VN

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV - Ảnh: QUOCHOI.VN

Các đại biểu đặc biệt băn khoăn về tình trạng cơ quan chủ trì soạn thảo luật "cài cắm" quyền năng và lợi ích của mình vào văn bản.

Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, trong đó đáng chú ý là giải pháp chuyển chức năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sang cho Quốc hội.

Xét về mặt logic hình thức, đây là một đề xuất nghe khá hợp lý và đã từng được đưa ra nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên, ở nước ta đến nay, đề xuất này vẫn chưa được tiếp nhận và chưa được triển khai trên thực tế.

Trên thế giới, việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản vẫn do các cơ quan hành pháp đảm nhận, ngoại trừ trường hợp của nước Mỹ.

Hơn thế nữa, kinh nghiệm của một số nước Cộng hòa Xô Viết trước đây, như Tajikistan chẳng hạn, cho thấy chuyển chức năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sang cho quốc hội là khá rủi ro.

Trên thực tế, nước này đã từng thành lập cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trực thuộc quốc hội.

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, cơ quan này đã gặp rất nhiều khó khăn, nên chức năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lại phải trả về cho chính phủ. Dưới đây là một số lý do giải thích tại sao.

Thứ nhất, Quốc hội không trực tiếp điều hành công việc của đất nước, nên khả năng nhận biết vấn đề thường chậm hơn.

Thứ hai, nhận biết vấn đề là một chuyện, nghiên cứu để xác định nguyên nhân của vấn đề từ đó mà đề ra các giải pháp (trong đó bao gồm cả các giải pháp lập pháp) lại là một chuyện khác.

Để giải quyết câu chuyện thứ hai này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi và tiếp cận thường xuyên với lĩnh vực chuyên môn của mình.

Đội ngũ chuyên gia này chủ yếu làm việc trong các cơ quan quản lý, điều hành trực thuộc Chính phủ.

Thứ ba, để quản lý và điều hành công việc của đất nước, công cụ quan trọng nhất là pháp luật. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải có được công cụ này, nên rất có động lực thúc đẩy hoạt động lập pháp.

Ngược lại, Quốc hội là thiết chế đại diện cho nhân dân nên có động lực lớn hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là các quyền tự do. Quốc hội vì vậy có động lực to lớn trong việc kiểm soát việc ban hành pháp luật.

Đây cũng là lý do tại sao quyền lập pháp được coi là quyền thẩm định và thông qua các dự án luật, chứ không phải là quyền làm luật.

Chuyển chức năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho Quốc hội vì vậy tiềm ẩn rủi ro làm suy giảm động lực của quy trình lập pháp và phá vỡ cơ chế bảo đảm sự cân bằng giữa tự do và điều chỉnh.

Thực ra, với tư cách đại diện cho cử tri, các đại biểu Quốc hội không phải không có động lực thúc đẩy hoạt động lập pháp.

Nhưng đây quả thực là động lực lập pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cử tri, chứ không phải để tăng cường quản lý. Xây dựng năng lực soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng nhu cầu này của các vị đại biểu Quốc hội là cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sáng kiến lập pháp do các vị đại biểu đưa ra là không nhiều. Ngoài ra, sáng kiến lập pháp của các đại biểu vượt qua được thủ tục xác lập ưu tiên trong quá trình lập pháp cũng không phải là dễ.

Với những lập luận như trên, chức năng soạn thảo văn bản nên đặt ở đâu, thiết nghĩ có lẽ cũng đã khá rõ.

Cuối cùng, khi một đạo luật mới được ban hành, các quyền năng mới bao giờ cũng phát sinh. Ít nhất đó là các quyền liên quan đến việc áp đặt sự tuân thủ (bao gồm cả quyền kiểm tra, thanh tra, truy tố, xét xử và áp đặt chế tài).

Vấn đề là cần phải bảo đảm tính hợp lý của các quyền năng này và phải kiểm soát cho được sự lạm quyền ở đây. Với quyền lập pháp của mình, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hoàn toàn có thể thẩm định và kiểm soát chặt chẽ tính hợp lý của các quyền năng nói trên.

Hoạt động thẩm định càng có chất lượng thì cơ hội cài cắm quyền lực một cách bất hợp lý càng khó xảy ra.

Chưa trình Quốc hội 3 dự án luật do Bộ Công an, Bộ GTVT chủ trì soạn thảoChưa trình Quốc hội 3 dự án luật do Bộ Công an, Bộ GTVT chủ trì soạn thảo

TTO - Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đến nay đã nhận được 18 báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội về vấn đề chất vấn, trong đó có 29 nhóm vấn đề liên quan đến Thủ tướng, Tòa án nhân dân tối cao và 14 bộ trưởng, trưởng ngành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên