27/11/2016 14:38 GMT+7

Luật sư, chuyên gia soạn thảo các văn bản pháp luật

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Các văn bản pháp luật do đại biểu Quốc hội quyết định nhưng được tiếp thu tối đa ý kiến của người dân hoặc hỏi trực tiếp các học giả uyên bác, có uy tín.

Ở Nhật Bản, khi Quốc hội có dự định thông qua các dự luật, ngoài việc thông tin rộng rãi đến người dân, nếu các đạo luật nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, quyền lợi người dân họ đều mời các học giả hàng đầu đến để phản biện về các dự luật trên.

Rất nhiều dự luật dễ dàng được thông qua hoặc bị gác lại, thậm chí có thể bị “treo” vĩnh viễn do ý kiến phản biện, phân tích của các chuyên gia.

Từ đó chúng ta thấy rằng dù đa số các đại biểu là những chính trị gia chuyên nghiệp, có trình độ kiến thức sâu rộng, am hiểu pháp luật nhưng họ rất tôn trọng ý kiến phản biện của các học giả có uy tín, luật sư, chuyên gia hàng đầu.

Các văn bản pháp luật do đại biểu Quốc hội quyết định nhưng được tiếp thu tối đa ý kiến của người dân hoặc hỏi trực tiếp các học giả uyên bác, có uy tín.

Việc tiếp thu ý kiến phản biện trước khi ban hành chính sách, pháp luật được thực hiện rất nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao và thái độ hết sức cầu thị, tuyệt đối tôn trọng.

Một thẩm phán từng tâm sự rằng khi xét xử rất thích có sự tham gia của luật sư. Lý do rất đơn giản là khi có sự tham gia của luật sư thì sẽ hạn chế tối đa các sai sót, nhất là về tố tụng như trình tự, thủ tục thường bị hủy án nhiều nhất.

Tương tự, nếu trước khi ban hành các cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến rộng rãi người dân, nhất là mời các chuyên gia đầu ngành, luật sư có uy tín phản biện trước ban soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền, chắc chắn, những luật, quy định đó sẽ được cuộc sống tiếp nhận, không “chết yểu” vì xa rời thực tế.

Thiết nghĩ, trong khi hệ thống pháp luật nước ta chưa hoàn thiện, cơ chế phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân chưa phát huy hiệu quả thì việc tham gia trực tiếp vào các ban soạn thảo hoặc tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, học giả, luật sư có uy tín hàng đầu của đất nước là rất quan trọng.

Có như vậy, các quy định pháp luật mới thật sự đi vào thực tế cuộc sống và phát huy vai trò, ý nghĩa tích cực của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người dân.

Ở nước ta việc phản biện đã có quy định như chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2012, quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013...

Tuy nhiên, hoạt động phản biện chưa được coi trọng đúng mức, các ý kiến phản biện chưa được cơ quan chức năng tiếp thu thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm, đặc biệt chúng ta chưa có cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của người dân, chuyên gia một cách khoa học, hiệu quả.

Đó cũng là lý do không ít quy định pháp luật mang ý chí chủ quan của một bộ ngành, cơ quan, đơn vị hoặc thậm chí do ý chí của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao soạn thảo văn bản pháp luật.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên