29/05/2019 18:00 GMT+7

Nên nghỉ lễ ngày 27-7, ngày gia đình hay ngày… đàn ông?

LÊ KIÊN - T.B.DŨNG
LÊ KIÊN - T.B.DŨNG

TTO - Thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi chiều 29-5, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất đổi ngày nghỉ lễ từ Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 như đề xuất của Chính phủ sang Ngày gia đình 28-6, thậm chí ngày… đàn ông.

Nên nghỉ lễ ngày 27-7, ngày gia đình hay ngày… đàn ông? - Ảnh 1.

"Tôi đã ấp ủ rất nhiều về việc đổi ngày nghỉ lễ. Thay vì 27-7 thì chúng ta nên chuyển qua ngày của cha, ngày đàn ông, thế mới ý nghĩa" - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất - Ảnh: B.D

Về đề xuất nghỉ lễ "ngày tri ân" 27-7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết đây là ngày để tưởng nhớ những người có công với đất nước. Mặt khác, số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. Khoảng thời gian từ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đến 2-9 tương đối dài nên bộ này đã chọn ngày 27-7.

Nên nghỉ ngày 28-6 thay vì 27-7

GS. Nguyễn Anh Trí phát biểu và cho rằng ngày 27-7 đã được Bác Hồ chọn làm Ngày Thương binh liệt sĩ là rất hay rồi, chúng ta cần làm thật tốt mọi việc để tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh đã hi sinh, đóng góp máu xương cho Tổ quốc. 

Tuy nhiên đừng gọi ngày 27-7 là "ngày tri ân" chung chung, vì sau này chúng ta tri ân thì những người "phía bên kia" họ cũng tri ân, lúc đó chúng ta không có luật để cấm họ.

Còn về ý là cần có thêm một ngày nghỉ nữa trong khoảng giữa ngày 1-5 đến 2-9 thì nên xem xét chọn ngày 28-6 là Ngày Gia đình Việt Nam. Như vậy tổ tiên thì có ngày Giỗ Vua Hùng, quốc gia thì có ngày 2-9 và 30-4, còn gia đình thì có ngày 28-6.

Nên nghỉ lễ ngày 27-7, ngày gia đình hay ngày… đàn ông? - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) - Ảnh: B.D

Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề rằng lấy lý do tri ân để chọn ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ là không hợp lý, bởi tri ân là việc thường xuyên, không phải tới 27-7 mới làm. Hơn nữa, nghỉ lễ mà đi tri ân thì thực ra là… đi làm.

Nhiều đại biểu đồng tình đổi ngày nghỉ này qua dịp 28-6 bởi hai lí do: mọi người hướng về gia đình để đoàn tụ, cũng là thời điểm có độ giãn phù hợp giữa các dịp nghỉ lễ khác.

Cũng không chọn ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại đề nghị nghỉ vào ngày… đàn ông, hay là ngày của cha. "Tôi đã ấp ủ đề nghị này từ rất lâu, dưới góc độ bình đẳng giới, xin đề nghị có ngày nghỉ là… ngày đàn ông, hoặc ngày của cha, như thế sẽ rất ý nghĩa", bà Khánh chia sẻ. 

Mở rộng phạm vi lấy ý kiến về tăng tuổi hưu

Nội dung tăng tuổi hưu trong dự thảo Bộ luật cũng nhận được nhiều thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Theo các đại biểu, nếu việc tăng là không thể khác thì nhất thiết phải lấy ý kiến trên quy mô lớn, lắng nghe thêm tâm tư, suy nghĩ của người lao động, đặc biệt là giới công nhân, giáo viên, những ngành nghề mà tuổi nghề thường kéo dài chỉ một giai đoạn lúc còn trẻ.

Nên nghỉ lễ ngày 27-7, ngày gia đình hay ngày… đàn ông? - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) - Ảnh: B.D

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho rằng việc tăng này cần xem xét rất kỹ ở từng đối tượng, ngành nghề, nhất là các ngành nghề đặc thù.

"Ví dụ như giáo viên, đặc biệt là khối mầm non và tiểu học. Thực tế họ đã làm vượt giờ rất nhiều rồi nhưng chế độ thì không tương xứng. Đa số không muốn tăng tuổi hưu bởi gây mệt mỏi, lương cũng không cao", bà Ý nói.

Đại biểu Đồng Nai đề nghị nội dung này cần có một đánh giá trên quy mô rộng, tiếp tục lấy ý kiến của người lao động, nhất là đối tượng công nhân, những người chịu chi phối trực tiếp của luật.

Đại biểu Huỳnh Thanh Liêm (Đồng Nai) cho rằng nếu buộc phải tăng tuổi hưu thì chỉ nên áp dụng trong nhóm đối tượng làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học chứ không nên mở quá rộng.

Nên nghỉ lễ ngày 27-7, ngày gia đình hay ngày… đàn ông? - Ảnh 4.

Đại biểu Huỳnh Thanh Liêm (Đồng Nai) - Ảnh: B.D

Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) cho biết ở tỉnh bà thời gian qua có rất nhiều giáo viên xin nghỉ theo nghị định 108 bởi họ vốn trước đó tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng. Có nhiều giáo viên, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật mà cho tới lúc nhận quyết định hưu trí thì mức lương cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng.

"Nhiều người làm trong nghề múa hát, nghệ thuật mà tới 30-40 tuổi bắt người ta lên sân khấu cũng đã khó rồi. Cho nên là nếu tăng tuổi hưu thì rất khó, thực tế người ta cũng không muốn", bà Thuý nói.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn ngày nghỉ lễ mới nên là ngày nào?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Tăng tuổi nghỉ hưu: không có chuyện người già tranh chấp chỗ người trẻ Tăng tuổi nghỉ hưu: không có chuyện người già tranh chấp chỗ người trẻ

TTO - "Bộ luật lao động sửa đổi không bắt cứng người lao động phải đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm thì mới được nghỉ hưu", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 29-5.

LÊ KIÊN - T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên