Bạn trẻ thăm hỏi, trò chuyện cùng Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Tùng năm 2017 - Ảnh: K.ANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 28-4, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung xác nhận dự thảo Luật lao động sửa đổi đã được trình cấp có thẩm quyền, và chính thức được đưa lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và báo chí để lấy ý kiến rộng rãi người dân, doanh nghiệp.
Bộ luật lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với Bộ luật lao động hiện hành, với 171 điều được sửa đổi và bổ sung.
Một trong những nội dung đáng chú của dự thảo luật là thời gian làm thêm giờ của người lao động sẽ được tăng thêm 100 giờ/năm, từ tối đa 300 giờ/năm như hiện hành lên 400 giờ/năm. Dự thảo luật cũng có nhiều điểm mới quy định về tuổi nghỉ hưu, tiền lương, ngày nghỉ lễ, thời gian làm việc, tổ chức đại diện của người lao động…
Theo tờ trình, về thời gian làm thêm hiện quy định tối đa 300 giờ/năm, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có ý kiến cho rằng giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp.
Do đó, việc mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Về tuổi nghỉ hưu, tờ trình đưa 2 phương án, trong đó phương án thứ nhất là từ 1-1-2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo Luật lao động sửa đổi cũng đề xuất 2 phương án về ngày nghỉ Tết âm lịch. Theo đó, phương án 1 giữ nguyên hiện hành. Tức là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Phương án 2, người lao động được nghỉ 5 ngày nhưng nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.
Đặc biệt, dự thảo lần đầu tiên đưa qui định về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm. Đó là ngày thương binh, liệt sĩ (27-7).
Theo tờ trình, trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có một ngày được nghỉ làm việc thực hiện những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước. Ban soạn thảo cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ để tri ân người có công là phù hợp…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo luật sẽ được lấy ý kiến rộng rãi toàn dân, các doanh nghiệp và sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới đây. Trong quá trình Quốc hội thảo luận, xem xét thì dự thảo vẫn tiếp tục được lấy ý kiến toàn dân để hoàn thiện.
Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, Bộ sẽ tổ chức họp báo giới thiệu về dự thảo Luật lao động, và đích thân bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì họp báo.
Thăm dò ý kiến
Bộ luật lao động sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ cho người lao động nghỉ vào ngày lễ 'tri ân người có công 27-7'. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận