Người ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan mừng chiến thắng sau cuộc trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc TCYD do Đảng Công lý và phát triển (AKP - theo khuynh hướng Hồi giáo) của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chủ xướng.
Mục đích của cuộc TCYD lần này nhằm khẳng định sự ủng hộ của đông đảo cử tri Thổ Nhĩ Kỳ cho việc sửa đổi hiến pháp, mà nội dung cốt lõi là chuyển đổi thể chế nhà nước từ cộng hòa đại nghị sang chế độ tổng thống toàn quyền.
Quyền lực tối thượng
Hiến pháp hiện hành của Thổ Nhĩ Kỳ quy định quốc hội có quyền lập pháp, thủ tướng toàn quyền hành pháp, hệ thống tư pháp độc lập; còn tổng thống là nguyên thủ quốc gia biểu tượng của đất nước.
Nhưng dự thảo sửa đổi hiến pháp lần này trao rất nhiều quyền tối thượng cho tổng thống: bãi bỏ chức thủ tướng, tổng thống trực tiếp điều hành chính phủ.
Tổng thống cũng có quyền giải tán quốc hội. Tổng thống đồng thời thống lĩnh các lực lượng quân đội, an ninh và có quyền bổ nhiệm các vị trí cao nhất của hệ thống tư pháp.
Thêm nữa, hiến pháp hiện hành buộc người trúng cử tổng thống không được tham gia đảng phái chính trị nào. Nhưng dự thảo hiến pháp bãi bỏ nguyên tắc này.
Chủ đích chuyển nền cộng hòa đại nghị sang chế độ tổng thống toàn quyền đã được ông Erdogan thể hiện ngay từ khi ông quyết tâm trở thành tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014.
Khẩu hiệu mà Erdogan nêu ra trong cuộc tranh cử năm ấy thể hiện ý chí của ông muốn trở thành lãnh tụ của công cuộc phục hưng Thổ Nhĩ Kỳ, cho xứng với niềm kiêu hãnh của dân tộc Thổ như thời kỳ hoàng kim của đế chế Ottoman.
Việc Erdogan trúng cử tổng thống năm 2014 chứng tỏ khẩu hiệu hành động của ông đã đánh trúng tâm lý tự tôn dân tộc của đông đảo người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong rối, ngoài sốc
Rất nhiều rủi ro khó lường được cho là sẽ xuất hiện trong đường lối đối nội cũng như đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ khi Erdogan được đặt vào vị trí tổng thống toàn quyền.
Ông đã công khai tuyên bố ngay sau khi “thắng” trong TCYD rằng sẽ đưa ra quốc hội dự luật phục hồi án tử hình mà chính quyền các nhiệm kỳ trước đã bãi bỏ với mục đích hội nhập với thể chế chính trị của châu Âu.
Chỉ vài ngày trước cuộc TCYD, quốc hội do Đảng AKP khống chế đã ra quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp được ban bố ngay sau cuộc đảo chính bất thành hồi giữa năm ngoái.
Với tình trạng khẩn cấp này, chính quyền do Tổng thống Erdogan đứng đầu tiếp tục các chính sách hà khắc trấn áp mọi hoạt động mà chính quyền cho là “khủng bố”, “đe dọa an ninh quốc gia”...
Cũng đã có những tin thẩm thấu từ cấp cao rằng ông Erdogan sẽ còn gây bất ngờ, bởi các quyết sách mang đậm bản sắc của ông sắp được công bố sau khi thắng trong TCYD.
Một trong những quốc sách bị thẩm thấu này đang gây bão dư luận ngay trước ngày bỏ phiếu, đó là tổng thống sẽ ban hành sắc lệnh chuyển đổi hệ thống hành chính trong nước để chia toàn quốc thành năm đến bảy bang.
Trong đó dành riêng cho người Kurd một bang ở khu vực đông nam đất nước. Quyết sách này nhằm đáp ứng yêu cầu “tự trị” của người Kurd, loại bỏ tận gốc cuộc đấu tranh vũ trang của sắc tộc này do Đảng Công nhân Kurd (PKK) lãnh đạo.
Phe đối lập tức khắc phản kháng “nguy cơ chia cắt đất nước”, buộc ông Erdogan phải đăng đàn phủ nhận “thông tin bị bóp méo”!
Về đối ngoại, ông Erdogan có thể còn đưa ra những quyết định gây sốc khác, như trở lại gần gũi hơn với đường lối của tân Tổng thống Donald Trump về vấn đề Syria.
Biểu hiện mới nhất của sự chuyển hướng này là việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ việc Mỹ dùng tên lửa đánh phá căn cứ không quân Syria ngày 7-4.
Nói “gây sốc”, bởi nếu vậy, Erdogan sẽ lại va chạm với Nga, khi mà Tổng thống Vladimir Putin vừa dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để bảo vệ chính quyền Syria thoát khỏi một nghị quyết bất lợi cho al-Assad.
Thắng lợi của cuộc TCYD lần này mặc dù mong manh và còn phải ứng phó với những phản kháng không đơn giản từ phía đối lập, nhưng thật sự là một bước tiến vững chắc để Erdogan thực hiện tham vọng của ông.
Giới bình luận cho rằng chính ông muốn trở thành một “sultan”- tước hiệu của một thống lĩnh Hồi giáo thời xa xưa.
Nền cộng hòa của Thổ Nhĩ Kỳ mang bản chất thế tục được cố lãnh tụ Ataturk sáng lập năm 1923, nay đã được Erdogan đội cho chiếc khăn Hồi giáo.
Thậm chí với việc sửa đổi hiến pháp lần này, có thể nói chính Erdogan là người khai sinh nền đệ nhị cộng hòa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu ông giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2019, khi bản dự thảo hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, có cơ may cầm quyền đến năm 2029 - một độ dài thời gian đủ để Erdogan biến tham vọng thành hiện thực.
Có dấu hiệu “lèo lái” số liệu? Việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ do Đảng AKP kiểm soát nhanh chóng tuyên bố thắng trong cuộc TCYD ngày 16-4 lập tức bị các lực lượng đối lập trong nước phản kháng. Đảng Cộng hòa nhân dân (CHP - chiếm hơn 1/4 số ghế trong quốc hội) ra tuyên bố cảnh báo “nguy cơ lèo lái các số liệu kết quả kiểm phiếu”. Tại một số khu vực truyền thống của lực lượng chống sửa đổi hiến pháp, giám sát thấy số phiếu nói “không” chiếm hơn 50,8%, nhưng kết quả được công bố lại tới 70% ủng hộ sửa đổi hiến pháp (?). Tỉnh Hadai là nơi đông dân cư Ả Rập và người theo nhánh Alawi của dòng Hồi giáo Shi’a, vốn có truyền thống chống chính quyền Ankara. Vậy mà kiểm phiếu ở đây cũng cho kết quả tới 70% cử tri ủng hộ Erdogan... |
“Mở đường cho phát triển nhanh chóng” Ông Erdogan hôm 16-4 cũng xuất hiện cùng người cháu để bỏ phiếu tại một điểm trưng cầu ý dân ở quận Uskudar thuộc Istanbul. “Chúng ta có nhiều cuộc bầu cử quốc hội trong lịch sử của một nước cộng hòa. Trong khi đó, chúng ta cũng có các cuộc trưng cầu. Tuy nhiên, cuộc trưng cầu lần này là một quyết định đối với một hệ thống chính quyền mới, một sự thay đổi và chuyển đổi trong Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi hi vọng người dân của chúng ta sẽ đưa ra quyết định có thể mở đường cho một sự phát triển nhanh chóng… Chúng ta phải phát triển mau chóng hơn và bước đi nhanh hơn” - Anadolu dẫn lời ông Erdogan. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận