19/12/2018 09:16 GMT+7

Nên chọn HLV Park Hang Seo làm đại sứ bóng đá của VN

CẨM HÀ
CẨM HÀ

TTO - Thành tích dậy sóng một năm qua của bóng đá Việt Nam gắn liền với HLV Park Hang Seo và nhiều người đã nói đến cái duyên của ông khi đến xứ sở này.

Nên chọn HLV Park Hang Seo làm đại sứ bóng đá của VN - Ảnh 1.

HLV Park Hang Seo (thứ 2 từ trái) đặt tay lên ngực khi quốc ca VN vang lên ở AFF Cup 2018 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bóng đá VN có sự đóng góp của rất nhiều HLV ngoại như Alfred Riedl (Áo), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha)... Nhưng tôi nghĩ nếu có một cuộc thăm dò "HLV ngoại nào để lại nhiều dấu ấn trong lòng CĐV VN nhất?", câu trả lời sẽ dành cho HLV 59 tuổi người Hàn Quốc Park Hang Seo.

Ông Park xứng đáng được chọn làm "Đại sứ bóng đá VN" để kết nối những con tim yêu bóng đá Việt, để khuyến khích mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến với bóng đá nhiều hơn, để thúc giục các bậc phụ huynh thúc đẩy con em mình đến với sân bóng...

Nếu bóng đá được chọn là môn thể thao quốc gia, chúng ta sẽ có một bài hát riêng cổ vũ cho đội tuyển, sẽ có những CĐV không bỏ sót trận đấu nào của đội tuyển và cả một vị đại sứ được người hâm mộ yêu mến, rong ruổi khắp nơi quảng bá cho hình ảnh bóng đá Việt.

Bóng đá luôn là môn thể thao vua ở Việt Nam, nhưng quả thực chưa bao giờ chiến thắng của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park lại gắn liền với vô vàn hình ảnh lay động con tim hàng triệu người từ già tới trẻ đến vậy. Các cầu thủ đã cõng nhau khi đồng đội bị chấn thương. Họ đã viết tên những đồng đội vắng mặt trên lưng trong giây phút chiến thắng. Họ cào tuyết cho đồng đội sút phạt ghi bàn. Họ cắm cờ Tổ quốc tạ ơn.

Những giọt nước mắt của Quang Hải và Đức Chinh khi gặp bệnh nhi ung thư não để thực hiện "Điều ước thứ bảy". Lời trần tình của Xuân Trường về ngôi nhà bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, nơi mà các bạn được dạy để dù có đá bóng giỏi hay không đều sẽ trở thành một người đàn ông tốt và biết tôn trọng người khác.

Những trái tim nồng ấm và hướng thiện, những khát khao vươn lên và cống hiến như vậy luôn hiện diện trên mọi ngóc ngách của dải đất hình chữ S này. Ông Park đã tập hợp họ lại, gắn kết họ trở thành một tập thể mang tính biểu tượng mạnh mẽ của một thế hệ. Họ truyền cảm hứng cho chúng ta và cho cả người thầy của họ nữa.

Lúc tuyển U-23 VN vừa đăng quang á quân U-23 châu Á, tôi có ngồi trò chuyện với một nhà ngoại giao của Anh. Ông nói VN là một nước với những tiềm năng đáng kinh ngạc và ông tin VN không xa sẽ đoạt một suất tham dự World Cup. Tôi cười gượng ám chỉ ông nói ngoại giao. Nhưng ông hoàn toàn thật tâm và nghiêm túc. Đã từng sống ở VN nhiều năm, nhà ngoại giao này hiểu được sự duyên dáng và những bất ngờ đáng yêu mà đất nước này có thể mang lại.

Ông Park đã cống hiến hết mình. Nhưng quãng thời gian một năm gắn bó với VN hẳn cũng mang lại cho ông nhiều trải nghiệm thú vị. Và tôi đoán sự nồng nhiệt và chân thành, lòng đam mê và sự quyết tâm vươn lên, niềm hạnh phúc mạnh mẽ từ những điều đơn giản trong cuộc sống của những người Việt quanh ông có lẽ đã làm ông choáng ngợp nhất. Đó là những giá trị mềm mà các bản hợp đồng dù được thương thảo kỹ đến mấy cũng không bao giờ đề cập tới.

Hi vọng năm 2018 khép lại với thành tích tuyệt vời của VN trong bóng đá sẽ không chỉ dừng ở câu chuyện của trái bóng mà sẽ là tiếng vang về những giá trị nhân văn lan tỏa. Những động lực đầy cảm hứng, những chiêm nghiệm sâu sắc về tinh thần dân tộc vốn là các chất xúc tác giúp những khoảnh khắc có mặt trên đời của mỗi chúng ta đáng sống và đáng nhớ hơn, là những chất kết dính quan trọng tạo đà đi lên cho cộng đồng và xã hội.

Vì sao bóng đá SLNA luôn dẫn đầu về tài năng trẻ?

Vài năm trở lại đây, nhiều cầu thủ gốc Sông Lam Nghệ An (SLNA) khoác áo chuyên nghiệp ở hàng chục CLB trên cả nước. Trò chuyện với tôi, nhiều lãnh đạo của lò đào tạo trẻ xứ Nghệ như Nguyễn Hoàng Thụ, Nguyễn Hồng Thanh tự hào nói: "SLNA không bao giờ cạn kiệt nguồn tài năng trẻ bởi chúng tôi có sự phát triển rất tốt từ bóng đá học đường cho đến các xã, huyện vùng sâu vùng xa. HLV của chúng tôi lặn lội khắp nơi để tổ chức festival rồi các giải đấu đủ mọi độ tuổi. Tài năng được phát hiện, chúng tôi ký hợp đồng cùng phụ huynh rồi đưa về Vinh đào tạo từ học đá bóng cho đến học văn hóa...".

vu manh hai

Ông Vũ Mạnh Hải - nguyên Tổng biên tập báo Bóng đá- Ảnh: S.H

Hai nhà lãnh đạo này đã kể thêm với tôi: "Không dồi dào tài chính nên chúng tôi chỉ hỗ trợ các trường học, địa phương những quả bóng, cử hướng dẫn viên xuống giúp học sinh hay trẻ em vùng xa chơi bóng. Không cần trang phục hay sân bóng đúng quy cách, chỉ cần được tập hợp lại, có bóng là trẻ em thỏa niềm vui. Dần dần, chúng tôi cử thêm HLV ở đội SLNA đến huấn luyện căn bản cho những nhóm học sinh có năng khiếu. Chỉ vậy thôi, phong trào lan rộng khắp nơi...".

Từ kinh nghiệm của việc đào tạo ở SLNA, tôi thấy rằng từ việc thỏa đam mê khi được chơi bóng mà không phải tốn kém cho gia đình, các em sẽ truyền miệng với nhau rồi kéo thêm nhiều bạn cùng trang lứa đến với bóng đá một cách tự nguyện. Và chính những sân chơi phong trào hay học đường ấy đã góp phần giúp trẻ có thêm trí lực, dần dà bớt sa vào thói hư tật xấu ngoài xã hội. Tôi tin rằng bóng đá phong trào và học đường sẽ là bệ phóng giúp bóng đá VN vươn xa.

Cựu danh thủ VŨ MẠNH HẢI

Thăm dò ý kiến

Bạn có đồng ý với đề xuất chọn bóng đá làm môn thể thao quốc gia?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia

TTO - Đó là đề xuất của ông Lê Long Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP.HCM - khi chứng kiến sự kỳ diệu của bóng đá kết nối hàng chục triệu trái tim Việt trong đêm đăng quang của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018.

CẨM HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên