18/12/2018 09:23 GMT+7

Bầu Thắng kêu gọi chung tay đầu tư cho bóng đá học đường

VÕ QUỐC THẮNG
VÕ QUỐC THẮNG

TTO - Tham gia đóng góp cho diễn đàn 'Để bóng đá là môn thể thao quốc gia', ông bầu Võ Quốc Thắng cho rằng vấn đề của bóng đá VN hiện tại là bóng đá học đường chưa thật sự phát triển như chờ đợi.

Bầu Thắng kêu gọi chung tay đầu tư cho bóng đá học đường - Ảnh 1.

Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM tham gia chương trình bóng đá học đường do LĐBĐ TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của ông:

Tôi cho rằng bóng đá là môn thể thao thu hút được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo người hâm mộ khắp cả nước. Do vậy, theo tôi, không nhất thiết phải thúc đẩy bóng đá thành môn thể thao quốc gia.

Cuộc sống là sự muôn màu muôn vẻ. Để có được sức khỏe cho việc lao động, học tập tốt thì mỗi người - từ học sinh đến người lớn tuổi - đều có quyền chọn môn mà mình yêu thích, phù hợp với điều kiện tài chính và nhiều yếu tố phụ thuộc khác để rèn luyện hằng ngày.

Một trong những vấn đề lớn nhất của bóng đá VN hiện tại là làm thế nào để biến giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của nhiều bạn trẻ thành hiện thực?

Thành công nhờ sống trong môi trường bóng đá

Bầu Thắng kêu gọi chung tay đầu tư cho bóng đá học đường - Ảnh 2.

Ông Võ Quốc Thắng. Ảnh: S.H

Qua sách báo chắc hẳn mọi người đều biết hồi còn bé những Đức Huy, Duy Mạnh (Hà Nội), Xuân Trường, Công Phượng (Hoàng Anh Gia Lai), Đức Chinh (PVF), Văn Đức, Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An)... đều mong muốn được chơi bóng và khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia.

Giấc mơ của họ đã trở thành hiện thực. Không chỉ vậy, họ còn tiếp bước đàn anh mang về cho đất nước danh hiệu vô địch AFF Cup lần thứ hai trong lịch sử. Đừng quên rằng chục năm về trước, họ là những chú bé nhặt bóng trên sân Mỹ Đình trong trận chung kết 2008 hay vừa bước sang năm thứ nhì ở Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG.

Họ thành công nhờ chuyên cần rèn luyện dưới sự hướng dẫn tận tình của những người thầy tâm huyết, nhờ được sống trong môi trường bóng đá từ bé. Tôi dám đoan chắc rằng sau đêm 15-12-2018 đáng nhớ ấy, đã và đang có rất nhiều tài năng trẻ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của những Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Huy, Ngọc Hải...

Tôi nghĩ rằng bóng đá học đường chính là xuất phát điểm để bóng đá VN có nhiều tài năng. Khó khăn của trường học hiện tại, đặc biệt là trường học ở các đô thị lớn, là thiếu thốn cơ sở vật chất. Khó nhưng vẫn có cách giải quyết được với điều kiện trường học phải có kinh phí để đi thuê sân bãi, hợp đồng thêm nhiều giáo viên thể chất hay HLV bóng đá để hướng dẫn các em.

Bóng đá học đường chính là bệ phóng

Đầu tư cho bóng đá học đường, hãy khoan nghĩ đến việc tìm tài năng cho bóng đá nước nhà mà chủ yếu giúp cho học sinh có được những giờ phút vui chơi thoải mái, giúp các em rèn luyện sức khỏe trước lúc quay lại với những buổi học căng thẳng.

Khi phong trào hình thành rộng ở trường học, chúng ta quay sang việc tổ chức hội thao hay các giải bóng đá theo lứa tuổi, cấp học theo cụm trường, rồi giải quận huyện và cuối cùng là giải cấp tỉnh thành. Những giải đấu đó sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển trạch, và nhân tài của bóng đá VN sẽ đi lên từ những sân chơi học đường như vậy như mô hình bóng đá học đường mà LĐBĐ TP.HCM âm thầm gầy dựng trong 5 năm qua.

Giới doanh nhân chúng tôi thường nói "Muốn có sản phẩm tốt thì điều đầu tiên phải có nguyên liệu sản xuất tốt". Sản phẩm ở đây chính là thành tích của đội tuyển quốc gia và nguyên liệu chính là cầu thủ được đào tạo bài bản.

Đội tuyển VN đã trải qua hàng chục đời HLV ngoại, nhưng chưa khi nào đội tuyển VN lại có được một tập thể cầu thủ mà chất lượng chuyên môn sàng sàng như nhau. Nhờ vậy mà HLV Park Hang Seo mới có nhiều toan tính trong việc dùng người hay thay đổi lối đá khiến đối phương không thể "bắt bài" như nhiều thế hệ đội tuyển trước kia.

Trở lại với quan điểm có đưa bóng đá thành môn thể thao quốc gia hay không là quan điểm, cách nhìn nhận vấn đề của mọi người. Với tư cách người trực tiếp tham gia vào bóng đá nhiều năm qua, tôi tin rằng bóng đá học đường chính là cơ sở để phát hiện, sàng lọc và đào tạo những học sinh đam mê bóng đá, có kỹ năng chơi bóng dần trở thành những tuyển thủ quốc gia trong tương lai.

Phó chủ tịch VFF Cao Văn Chóng:

Ý tưởng thú vị

cao van chong

Ông Cao Văn Chóng (trái). Ảnh: N.K

Tôi có đọc trên báo Tuổi Trẻ bài viết về ý tưởng muốn đưa bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia của VN. Đây là ý tưởng khá thú vị, tôi đọc ý kiến của nhiều chuyên gia và bình luận của bạn đọc về chủ đề này và nhận thấy mọi người đang rất quan tâm. Tôi cho rằng đây là ý tưởng mới mẻ, đúng lúc bóng đá VN vừa giành HCV AFF Cup.

Dù vậy, việc đưa một môn thể thao từ chỗ đang được cộng đồng, mọi người yêu mến trở thành môn thể thao đại diện cho đất nước thì cần lấy ý kiến của nhiều người, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia của VN, bóng đá sẽ được quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn lực cho sự phát triển, hướng đến những mục tiêu cao hơn ở tầm châu lục, thế giới.

Là người làm bóng đá nhiều năm qua, tôi nghĩ rằng trước đây và ngay tại thời điểm này chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển chung của bóng đá VN. Bất kể trong tương lai bóng đá có trở thành môn thể thao quốc gia của VN hay không thì chúng tôi vẫn làm tất cả những gì có thể để đáp ứng mong đợi của người hâm mộ bóng đá cả nước.

K.Xuân ghi

Thăm dò ý kiến

Bạn có đồng ý với đề xuất chọn bóng đá làm môn thể thao quốc gia?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Nên chọn HLV Park Hang Seo làm đại sứ bóng đá của VN Nên chọn HLV Park Hang Seo làm đại sứ bóng đá của VN

TTO - Thành tích dậy sóng một năm qua của bóng đá Việt Nam gắn liền với HLV Park Hang Seo và nhiều người đã nói đến cái duyên của ông khi đến xứ sở này.

VÕ QUỐC THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên