10/12/2020 08:00 GMT+7

Nấu phở sẽ đơn giản như nấu cơm

HẢI KIM
HẢI KIM

Háo hức thay lo lắng, 5 người nấu phở ngon phía Nam có mặt tại Hà Nội, giới thiệu hương vị phở Nam ngay xứ sở của Phở trong cuộc thi chung kết “Đi tìm người nấu phở ngon 2020” bảng không chuyên, dành cho những người yêu phở.

Nấu phở sẽ đơn giản như nấu cơm - Ảnh 1.

Vòng sơ khảo "Đi tìm người nấu phở ngon" khu vực phía Nam năm 2020 diễn ra tại TP.HCM hồi tháng 11 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cũng từ những tô phở nóng hổi ấy, nhiều câu chuyện, kế hoạch được ấp ủ sau cuộc thi, mang thêm ý nghĩa khác cho món ăn quốc hồn, quốc túy.

Vào vòng này, phở của ai cũng đã ngon rồi

Là một trong hai "quý ông" của bảng B, bảng thi nấu phở ngon dành cho những người không chuyên ở khu vực phía Nam, anh Phạm Hồng Tân, đến Đồng Nai cho biết cảm giác rất háo hức và không hề có một áp lực nào trước ngày lên đường, có mặt tại "Ngày của phở 12-12". Anh Tân nói, anh xem lần ra Hà Nội thi người nấu phở ngon là dịp giao lưu giữa phở hương vị Nam và hương vị Bắc và đã chuẩn bị rất kỹ tinh thần và nguyên liệu nấu phở cho cuộc thi chung kết.

Theo đó, ý tưởng một "gian bếp" đã được chuẩn bị kỹ từ các loại chén ăn phở đến rau, thịt...hứa hẹn làm bất ngờ ban giám khảo. Các nguyên liệu nấu phở cũng sẽ mua từ chợ ở Hà Nội đảm bảo tươi, ngon. "Từ miền Nam, đem cách nấu phở nhà miền Nam ra "so găng" với phở Bắc nên cảm giác sẽ rất thú vị, tôi tin mình sẽ có cơ hội học hỏi cách nấu phở từ các bà nội trợ khác", anh Tân chia sẻ.

Sau phần thi vòng loại hồi tháng 11, anh Tân đã rút ra được một số kinh nghiệm từ các góp ý của ban giám khảo như cách trình bày sao cho bắt mắt, nước dùng ở những thời điểm khác nhau sẽ cho ra vị mặn, nhạt khác nhau. Vì vậy, anh phải cân đối, điều chỉnh để làm sao thời điểm ban giám khảo chấm phần thi cũng là lúc tô phở hoàn hảo nhất. "Vào vòng thi này tôi chắc rằng phở của ai cũng đã ngon lắm rồi, nhưng cách thể hiện của từng thí sinh sẽ quyết định đến ấn tượng với ban giảm khảo", anh Tân chia sẻ.

"Nhiều người cho rằng nấu phở phải cầu kỳ và tốn thời gian, nhưng tôi lại mong muốn đem đến cuộc thi một góc nhìn khác về cách nấu phở. Bà nội trợ vẫn có thể chỉ mất 2 tiếng để có nồi phở thơm phức cho cả nhà. Gia đình tôi có nhiều năm kinh doanh thịt bò, khi mình hiểu về thịt bò, về xương bò, về các gia vị nấu phở mình sẽ có cách nấu khác biệt", anh Tân nói thêm về kỳ vọng đến với cuộc thi.

Chia sẻ tâm trạng trước ngày lên đường, chị Thủy cho biết đến với cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon" trước hết là vì thích ăn phở, vì vậy chị không bị áp lực quá nhiều, thi để tìm niềm vui trong bếp núc, nấu nướng. Và chị thú thật, đến nay, cuộc thi đã đem đến những cảm xúc vui vẻ thật khó tả. Trong lần thi Hà Nội, con gái chị cũng sẽ theo mẹ đi cổ vũ, ghi lại những khoảnh khắc chị bên nồi bếp.

Nấu phở vẫn ngon: chỉ cầu kỳ ở nguyên liệu

Nấu phở sẽ đơn giản như nấu cơm - Ảnh 2.

Ban giám khảo xem thí sinh Khánh Thy nấu phở - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Trước khi thi cũng có chút lo lắng phở Bắc, phở Nam nhưng sau vòng sơ khảo, chúng tôi tự tin hơn rất nhiều vì ban giám khảo rất có gu, chấm vị phở ngon theo hương vị riêng chứ không tôn vinh riêng một vị đặc trưng nào. Muốn chinh phục ban giám khảo, trước hết nồi nước lèo phải ngon, sau là câu chuyện gửi gắm trong đó", chị Thủy nói.

Sau cuộc thi này, dù có giải hay không nhưng nếu mọi người thích vị phở của mình, chị sẵn sàng chia sẻ công thức. Chị tâm sự: nếu có giải, tôi sẽ mở quán phở và sẽ chọn một ngày hàng tuần hoặc tháng mời tất cả mọi người đến ăn phở miễn phí, đó là những người lao động vất vả không có điều kiện mua phở. Xa hơn, tôi cũng muốn có những chuyến xe phở đi khắp TP phục vụ miễn phí bà con. Những dự án này được thôi thúc nhiều hơn sau khi đến với cuộc thi.

“Với tôi, phở rất kỳ lạ, không chỉ là cùng một nguyên liệu, nhưng nước dùng phở lại có nhiều vị khác nhau mà ngay cả cùng một nồi nước dùng ấy, cách múc phở cũng quyết định đến mức độ ngon của nó

Thí sinh Đỗ Biên

Chuẩn bị một xe nấu phở riêng dành trang trí cho cuộc thi chung kết tại Hà Nội, anh Đỗ Biên, một thầy giáo của trung tâm dành cho các trẻ em đặc biệt muốn đem một không khí mới đến cuộc thi.

So với nấu phở kinh doanh, nấu phở nhà vẫn có "không gian riêng" để người nội trợ "phóng túng" theo sở thích cá nhân. "Hồi thi vòng loại, ban giám khảo có nhận xét miếng thịt của tô phở hơi dày. Nhưng thói quen này bắt nguồn từ việc đi ăn tiệm, người ta sắp những miếng thịt mỏng dính, ăn đến phát bực. Vậy nên, khi nấu được phở, tôi cắt miếng thịt thật to, dày cảm giác lúc ăn thật sướng. Nhưng từ góp ý của ban giám khảo, tôi sẽ điều chỉnh hợp lý hơn", anh Biên hóm hỉnh chia sẻ và cho biết các kỹ thuật chuẩn bị, thao tác múc, cắt thịt, trụng bánh phở... đều là những công đoạn quan trọng làm nên một tô phở ngon.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trúc Linh và anh Nguyễn Tiến Tình cũng đang tất bật tranh thủ chuẩn bị các đồ dùng phục vụ cuộc thi. Đến với vòng chung "Đi tìm người nấu phở ngon", với họ đây không chỉ là dịp thi thố, trổ tài mà còn là nỗ lực để cùng góp tay "chuẩn hóa phở nhà", đưa món ăn ngon này gần hơn với các gian bếp Việt.

Các thí sinh thừa nhận thật khó khi so sánh giữa "phở nhà" và "phở tiệm". Nấu phở nhà cái dễ là không phải tính toán giá thành, thoải mái chọn nguyên liệu ngon nhất, mình thích nhất. Nhưng nấu phở để kinh doanh lại khác, đó là sự tính toán hết sức kỹ lưỡng về thành phần, điều chỉnh khẩu vị cho số đông... Bởi vậy, với nhiều người, nấu phở phải cầu kỳ để tôn được nét quyến rũ của phở.

Nhưng với những người nội trợ, vẫn có cách nấu phở đơn giản hơn, nấu phở chỉ cần cầu kỳ trong khâu chuẩn bị nguyên liệu còn cách nấu phải làm sao thật đơn giản, thậm chí đơn giản hơn cả nấu cơm.

Một khi chuẩn hóa được phở nhà, lúc đó, món phở sẽ được lan tỏa nhiều hơn, bà nội trợ nào cũng mạnh dạn nấu phở như món ăn hàng ngày, không chỉ dành riêng cho những dịp đông người hay thật đặc biệt mới có phở.

Điểm mới của cuộc thi đi tìm “Người nấu phở ngon 2020” là ban tổ chức dành thêm bảng B cho các thí sinh không chuyên, những người yêu phở trổ tài. Mặc dù “phở nhà” nhưng phần thi của các thí sinh nghiệp dư của cả hai miền khiến ban giám khảo phải ngạc nhiên về mức độ chỉn chu, am hiểu và cả tình yêu của họ dành cho món phở. Trong “Ngày của Phở 12-12” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, 10 thí sinh của cả hai miền sẽ cùng dự thi nấu phở ngon để chọn ra top 5 Hoa hồi vàng và top 5 Hoa hồi bạc.

Báo Tuổi Trẻ và Bộ Ngoại giao tổ chức đêm phở cho các đại sứ Báo Tuổi Trẻ và Bộ Ngoại giao tổ chức đêm phở cho các đại sứ

TTO - Nhằm quảng bá nét đẹp của ẩm thực Việt Nam, trong đó có phở đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế vào ngày 10-12 tới, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ báo Tuổi Trẻ tổ chức sự kiện gala 'Chuyện của Phở' tại Hà Nội.


HẢI KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Phở Ngày của Phở