Ngày của phở 12-12 đến vào giữa cái giá rét Làng Nủ nhưng đong đầy tình yêu thương, sự sẻ chia ấm áp.
Phở tới công trường dựng Làng Nủ mới
Từ sáng sớm 12-12, sương mù dày, gió đông bắc thổi thốc lạnh nhưng đoàn xe của Phở yêu thương từ Trường liên cấp số 1 Phúc Khánh đã tới khu tái định cư Làng Nủ.
Khu làng mới nằm trên đỉnh một ngọn đồi, đường lên cao chênh hàng chục mét. Công nhân hối hả thi công, tiếng máy móc rền vang. Anh Bàn Văn Hiến - Công ty Trường Sơn 26, Binh đoàn 12 - cho biết sáng nay rất bất ngờ khi Phở yêu thương đến công trường.
Gần 3 tháng thi công, anh Hiến túc trực tại nơi này với mong muốn bàn giao sớm nhất những căn nhà tới bà con Làng Nủ.
Vì vậy những hương vị ẩm thực quen thuộc hiện với anh Hiến là xa xỉ: "Vị Phở S thanh, nước dùng đậm vị rất ngon. Giữa núi đồi lạnh thế này có bát phở giúp tôi vơi đi nhiều nỗi nhớ".
Bà Hoàng Thị Dóc, người địa phương, xúc động nói: "Lần đầu tiên tôi ăn bát phở ngon như vậy. Ăn xong đỡ bao nhiêu mệt mỏi".
Hơn tháng qua, bà được nhà thầu thuê hoàn thiện các hạng mục trên công trường Làng Nủ. Vừa ăn xong tô Phở 34 Cao Thắng, bà Dóc lấy thêm tô Phở Thìn vì nghe hàng xóm nói: Phở này từ Bờ Hồ Hà Nội nổi tiếng lắm.
Giữa mù sương vùng cao, gần 200 tô phở được nấu ngay giữa Làng Nủ mới, bởi các quán/tiệm phở nổi tiếng như Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), Phở 34 Cao Thắng (TP.HCM), Phở S (Sâm Ngọc Linh).
Bà Trần Hoài Thu, trưởng khu dân cư thôn Làng Nủ, cho hay từ tối 11-12 bà đã thông báo trên nhóm Làng Nủ về sự kiện Phở yêu thương. Mọi người đều hồ hởi, phấn khởi. "Bưng bát phở ăn, bà con thấy ấm áp lắm. Ấm cả hương vị và cả tấm lòng vì được sẻ chia", bà Thu nói.
Bà Hoàng Thị Thanh, người dân thôn Làng Nủ, ăn phở khen ngon nhưng rơi nước mắt.
Bà Thanh tâm sự trong trận lũ quét lở đất kinh hoàng ấy, nhà bà không sao nhưng con gái và con rể bị lũ cuốn mất, cháu gái mồ côi. "Nếu không có mất mát chắc chẳng có ngày hôm nay…" - bà Thanh nghẹn ngào.
Cụ bà 91 tuổi lần đầu ăn phở
Cụ Hoàng Thị Xuân, năm nay 91 tuổi, chống gậy đến Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh. Cụ ở thôn Trĩ Ngoài, cách trường hơn 200m.
Cụ Xuân bước chậm, lưng còng, miệng móm mém. Cụ ăn hết một tô, cụ nói thịt mềm, bánh mềm, nước ngon không muốn bỏ đi một thứ gì. Đây là lần đầu tiên trong đời cụ Xuân được ăn phở: "Ở đây chỉ có bún thôi, nhưng cũng ít được ăn lắm".
Cụ Xuân chẳng mấy khi ra khỏi Phúc Khánh, hôm 11-12 con cháu động viên cụ đi ăn Phở yêu thương. Cụ Xuân nghe nói đến phở nhiều, nhìn thấy tô phở trên tivi chứ chưa được ăn bao giờ. "Hôm nay đi xem phở, ăn phở là xem "xã hội" đấy! Cảm ơn các cháu! Ngon thế này cụ chỉ sợ mấy hôm nữa nhớ phở mà không có ăn thôi" - cụ Xuân cười nói.
Bà Nguyễn Thị Thời, cũng ở thôn Trĩ Ngoài, hủy lịch khám bệnh để ở lại ăn phở.
Bà Thời cho hay trong thôn ai cũng háo hức, chưa thấy sự kiện nào mời nấu phở mời cả học sinh, cả người dân trong thôn ăn bao giờ.
Bà Thời vừa ăn vừa tấm tắc khen phở ngon, chưa bao giờ bà được ăn một bát phở ngon đến vậy.
Xã Phúc Khánh cách trung tâm huyện Bảo Yên hơn 20 cây số, người dân nơi đây hiếm khi được thưởng thức một bát phở đúng vị như miền xuôi. Thế nên ai cũng xúc động khi biết những sợi bánh phở thơm mềm được nhà Phở Thìn Bờ Hồ mang tận từ Hà Nội lên.
Em Nguyễn Đình Khiêm, học lớp 8 Trường THCS Phúc Khánh, nói từ 5h sáng em và các anh chị lớp 9 đã thức giấc, háo hức chuẩn bị cho sự kiện diễn ra tại sân trường. Khiêm tháo vát, nhanh nhẹn đi lấy những rổ rau thơm, đũa, thìa… để cho các em lớp nhỏ hơn, các cô chú trong xã tới ăn phở.
Ngơi tay, cậu học sinh mới ghé ăn Phở 34 Cao Thắng. Được giới thiệu phở này mang từ TP.HCM - cách quê hương em hàng ngàn cây số, ánh mắt Khiêm rạng rỡ mong chờ. "Chỗ em cũng có phở, nhưng phải ra tận ngoài thị trấn để ăn và cũng khó có hương vị như thế này", Khiêm cho hay cậu sẽ ăn thêm Phở S - cũng từ TP.HCM.
Năm 2024 đầy vất vả, đau thương sau bão số 3 (Yagi). Thôn Làng Nủ ngày 10-9 bị vùi lấp 37 căn nhà, 60 người chết, 7 người mất tích. Hôm nay, ở nơi định cư mới, hàng trăm người dân xã Phúc Khánh ngồi kín sân trường ăn phở nóng hổi.
Thương nhất là những buổi chiều…
Phở yêu thương đến với Làng Nủ nên 13 gia đình ở Làng Nủ cũng đến ăn phở cùng đám trẻ. Nhiều người vẫn chít khăn màu chàm - khăn tang truyền thống của người Tày.
Hoàng Gia Bảo học lớp 2, em vẫn đeo băng gạc trên trán nhảy chân sáo cùng bạn ở sân trường. Bảo là một trong số những nạn nhân phải nhập viện vì trận lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ vừa qua, em cũng ra viện muộn nhất.
Bố mẹ mất trong trận lở đất, Bảo chỉ còn một anh trai học lớp 10. Hai anh em lúc ở nhà ông bà nội, lúc sang ông bà ngoại.
Hôm nay được ăn phở, Bảo ăn hết vèo một tô. Từ bé đến giờ cậu mới được ăn một tô phở ngon như vậy. Những ngón tay cầm đũa của Bảo không bình thường như các bạn mà lúc nắm chặt, lúc lại run rẩy, vụng về vì vẫn còn đau. Chân em đi lúc bình thường, lúc lại bước thấp bước cao.
Cô giáo Hoàng Thị Vân kể nhiều lúc cô bắt gặp Gia Bảo có những biểu hiện không bình thường vì tâm lý chưa ổn định. Cậu lúc cười, lúc nói chuyện bâng quơ, lúc lại ngồi thừ ra một góc.
"Thương nhất là những buổi chiều, các bạn khác có bố mẹ đến đón về, còn Gia Bảo thì đứng ở cổng trường một mình. Bác của em nhiều hôm bận không đến được. Chúng tôi muốn em ở lại trường, các thầy cô chăm sóc. Nhưng em nhớ nhà, vẫn đòi về với ông bà", cô Vân kể.
Anh Nguyễn Văn Tuân, ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban tuyên giáo trường học - Tỉnh Đoàn Lào Cai, đánh giá Phở yêu thương đến với Làng Nủ, đến với xã Phúc Khánh là sự sẻ chia, động viên lớn với đồng bào địa phương.
"Nhìn các em rạng rỡ, ăn những bát phở hương vị rất đỗi thơm ngon và ấm nóng giữa trời mưa lạnh, niềm vui và sự sẻ chia như được nhân đôi", anh Tuân nói.
Phở yêu thương về Làng Nủ
Với mong muốn chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12 không chỉ là văn hóa, ẩm thực mà còn gói vào đó yêu thương, sẻ chia, đong đầy tình cảm, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Lào Cai, huyện Bảo Yên tổ chức chương trình Phở yêu thương 2024 tại Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh trong hai ngày 11 và 12-12.
Tại sự kiện, báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị đồng hành dành những phần quà ý nghĩa gửi tới 33 hộ dân Làng Nủ (những hộ vừa nhận nhà ở khu tái định cư mới), các thầy cô giáo và toàn bộ học sinh Trường số 1 Phúc Khánh.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các thương hiệu phở nổi tiếng và các đầu bếp, Phở yêu thương 2024 còn nhận được những tấm lòng vàng hỗ trợ hiện kim, hiện vật của HDBank, Greenfeed, Vietravel Airlines, đội bóng đá An Nguyên Bảo, Acecook, LC Foods, Yến Đảo Cần Giờ, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận