14/03/2023 07:55 GMT+7

Nâng tĩnh không cầu, cần cân nhắc nhiều phương án

TP.HCM dự kiến chi hơn 245 tỉ đồng để nâng tĩnh không hai cầu bắc qua sông Sài Gòn. Việc này liệu có đủ để tàu thuyền đi lại dễ dàng hơn trên tuyến đường thủy này?

Cầu Bình Triệu 1 nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức có độ tĩnh không thông thuyền rất thấp, hạn chế tàu thuyền lưu thông, ảnh chụp ngày 13-3 - Ảnh: THANH TRÍ

Cầu Bình Triệu 1 nối quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức có độ tĩnh không thông thuyền rất thấp, hạn chế tàu thuyền lưu thông, ảnh chụp ngày 13-3 - Ảnh: THANH TRÍ

Việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (hơn 133 tỉ đồng) và cầu Bình Phước 1 (gần 112 tỉ đồng) sẽ được trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong tháng 3-2023.

Nếu được thông qua, cả hai cây cầu sẽ được nâng tĩnh không lên 7m và hoàn thành trong năm 2024, giúp tàu thuyền qua lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển giao thông thủy.

Nếu chi ra hàng trăm tỉ đồng nâng tĩnh không cầu, thay vì 7m là mức thấp nhất, sao không chọn mức trung bình từ 8 - 8,5m?

Chỉ nâng hai cầu, khó thông tuyến

Cầu Bình Phước 1 nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Sài Gòn (nối TP Thủ Đức với quận 12), thông xe năm 2003, dài gần 480m, rộng hơn 11m. Sau những lần tàu tông vào cầu, thành phố đã phải cấm xe trọng tải lớn. Tĩnh không cầu hiện khoảng 6m, nếu nâng lên 7m thì chỉ thêm được 1m.

Cầu Bình Triệu 1 (nối Thủ Đức với quận Bình Thạnh) đã gần 50 năm tuổi. Tĩnh không cầu hiện 5,5m, nếu nâng lên 7m tức là cao thêm 1,5m. Cầu này đã được sửa chữa và mở rộng vào năm 2010, nếu lúc đó kết hợp nâng luôn tĩnh không sẽ tiện lợi hơn.

Tôi kiến nghị cần tính toán nhiều phương án, so sánh chọn phương án phù hợp nhất trước khi quyết định nâng độ tĩnh không theo phương án trên.

Trở ngại lớn nhất hiện nay với giao thông thủy trên tuyến sông Sài Gòn ở cầu Kinh (Thanh Đa). Cầu này xây dựng đưa vào sử dụng chỉ mới 10 năm, kinh phí gần 435 tỉ đồng nhưng tĩnh không chỉ 3,5m. Sà lan trong lúc thi công cầu này đã bị mắc kẹt vào gầm cầu khi thủy triều dâng lên cao.

Lúc đó sao đã không cân nhắc, tính toán về lâu dài làm cầu đạt mức tĩnh không tối thiểu 7m? Giờ muốn phát triển giao thông thủy toàn tuyến lại phải nâng cao tĩnh không hoặc xây dựng cầu mới, vừa mất thời gian vừa tốn kém.

Nếu giữ nguyên cầu Kinh, chỉ nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1 lên 7m thì cũng không phát huy tác dụng vì chưa đồng bộ tĩnh không luồng tuyến.

Ngoài ra, còn nhiều nơi khác chưa đảm bảo tĩnh không cho giao thông thủy trên tuyến sông Sài Gòn kết nối với khu vực huyện Nhà Bè có tàu thuyền ra vào thường xuyên như cầu Long Kiểng, Rạch Đĩa, Rạch Dơi và một số cầu cũ thuộc địa bàn quận 7 và 8.

Cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có độ tĩnh không thấp nên các phương tiện giao thông đường thủy phụ thuộc vào dòng chảy thủy triều, ảnh chụp ngày 13-3 - Ảnh: THANH TRÍ

Cầu Kinh Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có độ tĩnh không thấp nên các phương tiện giao thông đường thủy phụ thuộc vào dòng chảy thủy triều, ảnh chụp ngày 13-3 - Ảnh: THANH TRÍ

Cần phương án tiết kiệm và hiệu quả nhất

Với cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1, nếu nâng thêm tĩnh không chỉ từ 1 - 1,5m thì cũng không đáng kể. Ở mức thấp nhất so với quy định đối với sông Sài Gòn tại khu vực này, tĩnh không cầu phải đạt từ 7 - 9,5m.

Đặt giả thuyết nếu giờ nâng tĩnh không đạt chỉ 7m, theo thời gian hoặc ảnh hưởng biến đổi khí hậu khiến mực nước dưới sông dâng lên thêm từ 0,5 - 1m. Lúc đó, lẽ nào lại phải tiếp tục nâng thêm tĩnh không cầu?

Đã có cảnh báo mực nước trên sông chính khu vực TP.HCM (trạm Phú An, sông Sài Gòn và Nhà Bè, sông Nhà Bè) trong các năm gần đây có sự gia tăng liên tục, luôn đạt mức cao lịch sử...

Cần kiểm định chất lượng, lường trước các rủi ro nhằm tránh trường hợp nâng tĩnh không xong rồi lại nâng tải trọng, sử dụng chưa bao lâu phải tháo dỡ cầu cũ.

Xem xét cẩn trọng mực nước dâng theo thời gian, nếu nâng tĩnh không tính từ mực nước cao nhất đến gầm cầu thì chọn phương án đạt đến mức tối đa sao cho an toàn nhất với sông cấp 2.

Trường hợp sau khi kiểm định mà chất lượng cầu không đảm bảo sử dụng lâu dài hoặc khắc phục tốn kém nhiều hơn thì có thể nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới. Một lần đảm bảo về lâu dài đáp ứng quy hoạch nhu cầu phương tiện qua lại vừa đồng bộ tĩnh không với các cầu bắc qua sông Sài Gòn, kết hợp tổ chức giao thông đường dưới hai đầu cầu.

Câu chuyện nâng tĩnh không, cơi nới mở rộng cầu cũ hay xây cầu mới hoặc chọn phương án khác cũng giống như ban hành một chính sách, thực hiện một dự án kinh tế - xã hội nên cần tính toán chọn lựa sao cho hiệu quả nhất.

Chi phí sẽ tiết kiệm hơn, hiệu quả sẽ cao hơn nếu các nhà quản lý hoạch định một cách khoa học với mục tiêu rõ ràng và cụ thể, lường trước những phát sinh, đánh giá mức độ khả thi trước mắt và lâu dài.

Không chỉ chờ ngân sách

TP.HCM có mạng lưới đường sông với nhiều kênh, rạch nên rất thuận lợi phát triển giao thông thủy kết nối hệ thống đường bộ giải quyết ùn tắc, kẹt xe. Không thể trông chờ vào ngân sách còn khó khăn. Cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển khai thác hạ tầng đường thủy, du lịch.

Và người dân bình thường đặt niềm tin vào chính quyền, cơ quan chức năng chỉ quan tâm sử dụng ngân sách sao cho đúng chỗ, mang tới lợi ích cao nhất. Điều này không khó nếu có phản biện, giám sát hiệu quả từ nơi đại diện là HĐND.

TP.HCM nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1TP.HCM nghiên cứu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1

TTO - Cầu Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn có tĩnh không thấp, ảnh hưởng đến năng lực khai thác của tuyến vận tải thủy nội địa quan trọng khu vực Đông Nam Bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên