Nắng nóng, dân văn phòng ngồi máy lạnh nhiều cẩn thận sốc nhiệt

Sốc nhiệt không chỉ là vấn đề của người lao động ngoài trời, mà còn là mối nguy tiềm ẩn với dân văn phòng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng gay gắt.

sốc nhiệt - Ảnh 1.

Dân văn phòng cũng dễ bị sốc nhiệt không kém gì người lao động ngoài trời - Ảnh: Freepik

Trong cái nóng gay gắt của mùa hè, nhiều người nghĩ rằng ngồi máy lạnh cả ngày là cách an toàn để tránh nắng nóng. Nhưng thực tế chính dân văn phòng - những người ít khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng - cũng dễ bị sốc nhiệt không kém gì người lao động ngoài trời. 

Vậy vì sao làm việc trong phòng máy lạnh vẫn có thể bị sốc nhiệt? Và cần làm gì để phòng tránh nguy cơ này?

Sốc nhiệt là gì?

Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn 40°C kèm da đỏ, khô hoặc ẩm, nhức đầu, chóng mặt và lú lẫn. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng đột ngột hoặc từ từ.

Sốc nhiệt gây nguy hiểm tính mạng do rối loạn chức năng nhiều cơ quan vì những biến chứng như động kinh, hủy cơ hoặc suy thận. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị ngất, tổn thương các cơ quan quan trọng, thậm chí suy đa cơ quan và tử vong.

Nguyên nhân sốc nhiệt

Sốc nhiệt xảy ra khi quá trình điều hòa nhiệt độ cơ thể bị quá tải do quá trình sản xuất nhiệt của cơ thể quá mức kết hợp với nhiệt độ quá cao trong môi trường và tình trạng hạ nhiệt của cơ thể không đủ, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng cao bất thường.

Có hai loại sốc nhiệt:

  • Sốc nhiệt không do gắng sức (còn gọi sốc nhiệt cổ điển): môi trường nóng kéo dài dẫn đến tăng nhiệt độ cơ thể, thường không có đổ mồ hôi.

  • Sốc nhiệt do gắng sức: xảy ra ở những người trẻ tuổi không có vấn đề sức khỏe ví dụ vận động viên, người lao động ngoài trời hoặc quân nhân tham gia hoạt động trong thời tiết nóng bức, thường có triệu chứng đổ mồ hôi.

Người già, trẻ nhỏ, người lao động ngoài trời, người có bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận), người làm việc văn phòng, người uống ít nước… là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi sốc nhiệt.

Nắng nóng, dân văn phòng ngồi máy lạnh nhiều cẩn thận sốc nhiệt - Ảnh 3.

Mặc dù sốc nhiệt thường xảy ra ở những người hoạt động ngoài trời, nhưng vẫn xảy ra ở những người làm việc văn phòng - Ảnh: Freepik

Vì sao dân văn phòng bị ảnh hưởng bởi sốc nhiệt?

  • Chênh lệch nhiệt độ lớn giữa trong và ngoài phòng: nếu nhiệt độ ngoài trời từ 35 - 40 độ C, nhưng trong phòng lại bật điều hòa 18 - 22 độ C, khi bạn ra vào liên tục, cơ thể sẽ không kịp thích nghi gây tình trạng choáng hoặc sốc nhiệt.

  • Ngồi lâu trong môi trường lạnh: khi ngồi lâu trong môi trường lạnh, nhiệt độ thấp sẽ khiến mạch máu co lại, tuần hoàn máu kém gây cảm giác lạnh run, đau đầu, cứng vai gáy và rối loạn thân nhiệt.

  • Thiếu nước: môi trường lạnh cơ thể giảm khả năng nhận biết mất nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước.

Bí kíp phòng tránh sốc nhiệt cho dân văn phòng

  • Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh phù hợp: không nên để nhiệt độ quá lạnh (dưới 22 độ C). Nhiệt độ lý tưởng nên giữ ở 25-27 độ C. Nếu bạn phải làm việc trong môi trường lạnh lâu, cần mặc áo khoác để giữ ấm cơ thể, tránh ngồi hướng gió máy lạnh. 

  • Tạo thời gian chuyển tiếp giữa trong và ngoài phòng.

  • Trước khi ra ngoài trời nắng: đứng ở khu vực trung gian khoảng 3 - 5 phút để cơ thể thích nghi, cần che nắng kỹ trước khi bước ra ngoài nắng.

  • Sau khi đi ngoài nắng vào phòng: tránh vào phòng máy lạnh ngay, cần ngồi nghỉ và lau khô mồ hôi trước khi vào phòng.

  • Uống đủ nước: cần uống 1,5 - 2 lít nước, uống dần trong ngày.

Lưu ý cách xử trí khi bị sốc nhiệt

Cần làm mát cơ thể người bị sốc nhiệt bằng bất kỳ phương tiện nào có sẵn.

  • Đặt người đó vào bồn nước mát hoặc vòi sen mát.

  • Xịt nước vào người đó bằng vòi nước ngoài trời.

  • Lau người bằng nước mát.

  • Quạt cho người đó kết hợp phun sương bằng nước mát.

  • Đặt túi chườm đá hoặc khăn ướt lên cổ, nách và bẹn.

  • Đắp khăn mát, ẩm lên người.

  • Nếu người bị sốc nhiệt còn tỉnh, hãy cho uống ít nước mát, hoặc nước uống có chứa chất điện giải hoặc nước uống không chứa cồn, không chứa caffeine.

  • Nếu người đó mất ý thức, không thở, không cử động, hãy gọi ngay cấp cứu và lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày như uống đủ nước, hạn chế chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa trong và ngoài phòng là đã có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim mạch và tránh được các tình huống nguy hiểm. 

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốc nhiệt, hãy nhanh chóng xử trí hoặc liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn đúng cách.

BSCKI Trần Thị Kim Thanh hiện là trưởng khoa nội tim mạch IV - khoa tim mạch chuyển hóa - Bệnh viện Tim Tâm Đức, với nhiều năm kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực tim mạch và nội tiết. Bác sĩ Thanh đặc biệt chuyên sâu trong siêu âm tim và phục hồi chức năng tim mạch, luôn tận tâm đồng hành cùng bệnh nhân trong hành trình cải thiện sức khỏe tim.

Nắng nóng, dân văn phòng ngồi điều hòa nhiều cẩn thận sốc nhiệt - Ảnh 5.Liên tiếp các ca tử vong, nguy kịch do sốc nhiệt: Xử trí ban đầu thế nào?

Không chỉ người già, trẻ nhỏ, mà nhiều thanh niên khỏe mạnh cũng nguy kịch, thậm chí tử vong do sốc nhiệt. Nhận biết dấu hiệu sốc nhiệt ban đầu và xử lý nhanh, đúng sẽ có cơ hội cứu sống người bệnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên