30/05/2024 18:11 GMT+7

Liên tiếp các ca tử vong, nguy kịch do sốc nhiệt: Xử trí ban đầu thế nào?

Không chỉ người già, trẻ nhỏ, mà nhiều thanh niên khỏe mạnh cũng nguy kịch, thậm chí tử vong do sốc nhiệt. Nhận biết dấu hiệu sốc nhiệt ban đầu và xử lý nhanh, đúng sẽ có cơ hội cứu sống người bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe khi di chuyển, làm việc trong thời tiết nắng nóng

Bác sĩ khuyến cáo cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe khi di chuyển, làm việc trong thời tiết nắng nóng

Ngày càng xuất hiện nhiều ca nguy cơ tử vong, nguy kịch do sốc nhiệt những ngày vào hè, khi thời tiết gia tăng nắng nóng.

Đi xe máy dưới trời nắng, chàng trai 21 tuổi hôn mê vì sốc nhiệt

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa công bố cứu sống chàng trai 21 tuổi nguy kịch do sốc nhiệt khi đi xe máy giữa trưa nắng

Theo đó, ngày 27-4, sau hơn 2 giờ đi xe máy từ Hà Nội về quê Phú Thọ giữa trưa nắng (từ 12h đến 14h), chàng trai 21 tuổi xuất hiện đau đầu vật vã, người nóng như than, sau đó ý thức giảm dần, gọi hỏi không biết…

Người bệnh được đưa vào cấp cứu ban đầu tại trung tâm y tế huyện, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, phải hỗ trợ thở, co giật toàn thân, nhiệt độ cơ thể 40,5 độ C, mạch nhanh, huyết áp tụt. Kết quả kiểm tra xác định người bệnh sốc nhiệt mức độ nặng, nguy cơ tử vong tới 30 - 40%. 

Đây là ca bệnh khó và rất nặng, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để kiểm soát nhiệt độ cơ thể và các biện pháp hồi sức tích cực khác như thở máy, dùng thuốc vận mạch, lọc máu, bù nước, điện giải… để điều chỉnh các rối loạn do tình trạng sốc và tăng thân nhiệt gây ra.

Sau 5 ngày duy trì hạ thân nhiệt chỉ huy, 2 ngày lọc máu và phối hợp các biện pháp điều trị, người bệnh tỉnh dần, các rối loạn dần ổn định. Đến ngày thứ 8, người bệnh rút được máy thở, sau 22 ngày điều trị, người bệnh được ra viện.

Trước đó, năm 2023, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cứu một nam giới 29 tuổi, được chuyển từ Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê với chẩn đoán sốc nhiệt có tổn thương tạng (gan, thận, huyết học)... sau khi chạy bộ được khoảng 5km vào lúc 17h chiều.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn - giảng viên Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn… dẫn đến rối loạn ý thức hoặc hôn mê.

Hiện tượng này thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột được hấp thụ từ bên ngoài cơ thể tại nơi làm việc hoặc trong môi trường nắng nóng thời gian dài. Mất kiểm soát nhiệt độ cơ thể nên sốc nhiệt có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị nhanh chóng, đúng cách.

Không chỉ nắng nóng mới sốc nhiệt

ThS Phạm Đăng Hải, khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

- Sốc nhiệt kinh điển: Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết. Tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

- Sốc nhiệt do gắng sức: Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường. Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Nhìn chung nguyên nhân chính là tốc độ sinh nhiệt vượt quá khả năng của cơ thể đào thải nhiệt. Sự tiến triển thành sốc nhiệt và tổn thương cơ quan đích có liên quan tới đáp ứng sinh lý của tăng nhiệt độ, ngộ độc nhiệt trực tiếp.

Các biểu hiện của sốc nhiệt:

- Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C;

- Da nóng và khô (toát mồ hôi hiện diện trong một nửa các trường hợp của say nóng lúc hoạt động vật lý).

- Các dấu hiệu sớm và các triệu chứng gồm có: mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, mửa và ỉa chảy.

- Rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp.

- Rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển.

- Rối loạn thần kinh trung ương: cơn động kinh và hôn mê.

- Suy gan, suy thận.

- Rối loạn đông máu.

- Tiêu cơ vân.

Sốc nhiệt có thể gây biến chứng cho tất cả các cơ quan:

- Tim mạch: nhịp nhanh xoang, tụt HA, thay đổi ST-T, tăng men tim, thủng cơ tim

- Phổi: phù phổi, viêm phổi, kiềm hô hấp và ARDS

- Thận: tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp

- Điện giải: hạ kali máu, tăng kali máu, hạ canxi máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu.

- Huyết học: Rối loạn đông máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch

- Thần kinh: liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn

- Gan: vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan.

Nếu di chuyển, làm việc ngoài trời nắng, ngoài đồ bảo hộ như áo chống nắng, khăn, mũ, kem chống nắng thì vẫn cần thời gian nghỉ ngắn trong bóng râm để hồi phục sức khỏe

Nếu di chuyển, làm việc ngoài trời nắng, ngoài đồ bảo hộ như áo chống nắng, khăn, mũ, kem chống nắng thì vẫn cần thời gian nghỉ ngắn trong bóng râm để hồi phục sức khỏe

Xử trí ban đầu quyết định sống còn

ThS Hải cho biết tiên lượng xấu tỉ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị. Điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng, tỉ lệ sống đạt > 90%.

Khi thấy bệnh nhân bị sốc nhiệt phải đưa ngay bệnh nhân vào nơi mát mẻ. Ở trong nhà là tốt nhất, nếu chưa có điều kiện hãy đưa họ vào nơi có bóng râm. Cởi càng nhiều quần áo bên ngoài càng tốt, gọi ngay xe cấp cứu.

Làm giảm thân nhiệt bệnh nhân càng sớm càng tốt ngay tại hiện trường, không nên chờ khi đến bệnh viện bằng một khăn ướt (vắt ráo nước), chườm mát, quạt mát. Thường xuyên đo nhiệt độ và tiếp tục làm chườm mát đến khi thân nhiệt giảm xuống 38 độ C (100,4F).

Khi nhiệt độ đã giảm, hãy bỏ tấm khăn ướt và thay bằng tấm khăn khô. Trấn an người bệnh cho đến khi có sự trợ giúp của nhân viên y tế. Lưu ý tránh dùng nước đá giội có thể làm co mạch ngoại vi tăng thân nhiệt trung tâm.

Khi có xe cấp cứu đến, cần nhanh chóng vừa hỗ trợ làm mát cơ thể, vừa đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.

Cách tránh sốc nhiệt

Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước. Nếu phải lưu thông trên đường cần đội mũ nón, che ô, mặc đồ chống nắng.

Người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau một khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể.

Trung bình một người nên uống từ 2,5 - 3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

61 người tử vong vì sốc nhiệt ở Thái Lan61 người tử vong vì sốc nhiệt ở Thái Lan

Ngày 10-5, Bộ Y tế Thái Lan cho biết 61 người đã tử vong vì bị sốc nhiệt ở nước này từ đầu năm tới nay, cao hơn con số 37 người của cả năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên