26/06/2014 03:07 GMT+7

Nặng lòng cha mẹ nuôi con

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Dù chăm chỉ làm ăn nhưng kinh tế gia đình vợ chồng anh chị vẫn khó khăn, vì cả hai con của anh chị đều mắc bệnh từ lúc mới lọt lòng. Rẫy vườn cũng phải bán dần trong những lần phẫu thuật cứu các con...

* Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đắk Nông* Tài trợ: Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam

Z3c0cWCJ.jpgPhóng to
Sau những giờ ôn tập bài vở (để thi lên lớp 10), Bình lại phụ mẹ làm đậu khuôn - Ảnh: Tr.Tân

Anh Lê Khắc Gia (41 tuổi, thôn 4, Trúc Sơn, Cư Jút, Đắk Nông) chỉ vào mảnh đất có bề ngang 10m bên mặt đường thôn nói một nửa mảnh đất đã bán cho người ta, nhưng vì họ chưa cần nên cho mượn để xây dựng công trình phụ. Bốn người trong gia đình anh chỉ sống nhờ vào năm sào cà phê, những ngày công làm thuê của anh và nghề bán đậu khuôn, chăn nuôi heo của vợ nên cuộc sống cũng không đủ đầy.

Từng ngày mong các con khỏe mạnh

Anh Gia vẫn nhớ như in ngày 8-9-1999, ngày cháu Lê Khắc Trường Bình (15 tuổi, vừa học hết lớp 9) ra đời sau bao nhiêu hi vọng, đợi chờ của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng khi đưa cháu về nhà thì suốt 3-4 tháng liền cháu luôn nôn ói, ăn kém, hay mắc bệnh. Vợ chồng anh đưa cháu đi bệnh viện kiểm tra thì các bác sĩ báo cháu bị bệnh tim. Tin như sét đánh, vợ chồng bàn nhau chồng ở nhà lo rẫy vườn, làm thuê cuốc mướn, vợ ở lại TP.HCM chăm sóc con mỗi khi phải nhập viện. Nhiều năm ròng rã đi đi về về các bệnh viện ở TP.HCM theo lịch điều trị, nên nhà có tài sản gì lớn cũng phải bán để cứu con. Cháu Bình được phẫu thuật, bệnh hiểm nghèo đã qua nhưng cũng thường xuyên ốm yếu, phải điều trị thêm rất nhiều.

Năm 2009, anh Gia và vợ - chị Trương Thị Tươi (39 tuổi) - có thêm cháu Lê Thị Anh Thư (5 tuổi). Bốn ngày sau sinh, bụng cháu Thư bỗng trướng to, sốt cao, nôn ói khiến vợ chồng anh Gia vô cùng hoảng hốt. Cháu Thư được đưa ngay xuống Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) để điều trị, phẫu thuật. Gần một tháng ở bệnh viện, vợ chồng anh chị phải vay lãi cao hơn 30 triệu đồng để có tiền chăm con, đến nay số tiền gốc vẫn nợ, phải trả lãi hằng quý. Chị Tươi cho biết sắp tới cháu Thư sẽ đi học mẫu giáo, cháu Bình lên lớp 10, cả hai cháu đều chăm ngoan. Đặc biệt cháu Bình tuy hơi yếu hơn các bạn nhưng học hành rất nổi trội, suốt chín năm liền là học sinh giỏi. Nhìn con say mê học tập, được trường cử đi thi học sinh giỏi nên là nguồn động lực rất lớn cho anh chị. “Chỉ cần các con khỏe mạnh để học tập thật giỏi thì khổ cực, nghèo khó bao nhiêu gia đình tôi vẫn chịu được” - chị Tươi tâm sự.

Mong có thêm vốn để chăn nuôi

Khi chúng tôi đến, anh Gia vừa đi đào hố cà phê thuê về, tiền công 120.000-130.000 đồng/ngày. Anh Gia cho biết hiện đất rẫy đã làm xong nên tranh thủ ai gọi gì làm nấy để gom góp tiền mua sách vở, quần áo cho hai cháu vào đầu năm học tới. Kể thêm về kinh tế gia đình, anh Gia bộc bạch hiện tại gia đình anh có 500 cây cà phê, mỗi năm được khoảng 8 tạ cà phê nhân xô, trừ chi phí chẳng còn được bao nhiêu, lãi gần 20 triệu đồng. Anh Gia cho biết thêm: vì đất đai ít, vợ chồng đã xây hai ngăn chuồng để nuôi heo tăng gia nhưng khi con ốm, đàn heo cũng phải bán để lấy tiền đi bệnh viện nên đứt vốn, chuồng trại bỏ không nhiều năm nay. Gần đây, một người bạn thương tình gia đình khó khăn đã bán thiếu cho bộ đồ nghề làm đậu khuôn, ép sữa đậu nành để đem bán loanh quanh trong thôn. Mỗi ngày, chị Tươi ra rẫy làm việc với chồng đến khoảng 10g sáng rồi về ép đậu khuôn bán kiếm khoảng 50.000 đồng/ngày làm chi phí ăn uống cho cả nhà. Để tận dụng bã đậu dư, anh chị dành dụm mua được một con heo về gây nái, đến nay cũng sắp đẻ lứa đầu tiên.

Anh Gia tâm sự khó khăn hiện tại của anh chị là vốn để mở rộng chăn nuôi vì đất đai quá ít mà việc làm thuê cũng bấp bênh. Gia đình tài sản ít, lại đang làm thuê để trả nợ vay khi chữa trị cho con nên không thể vay thêm tiền. Nếu được hỗ trợ nguồn vốn không lãi suất này, anh sẽ đầu tư nuôi thêm 2-3 con heo nái nữa. Từ đàn nhỏ sẽ gây đàn lớn, kiếm tiền trả lại chương trình để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn và cũng có thêm thu nhập cho các con ăn học. “Chúng tôi không mong giàu sang, chỉ mong vợ chồng khỏe mạnh để đi làm rẫy, làm thuê, chăn nuôi kiếm tiền, hai con luôn có sức khỏe để học tập...” - anh Gia thổ lộ.

Còn cháu Bình, sau giờ học đạp xe từ trường về phụ mẹ nhóm bếp làm đậu khuôn, nấu cơm, cho heo ăn. Cháu Bình tâm sự hiện đang dồn sức thi vào Trường THPT Phan Chu Trinh gần nhà để một buổi học, một buổi phụ giúp việc nhà, trông em cho cha mẹ yên tâm làm việc. Bình nói thêm hiện sức khỏe cháu đã khá hơn nhiều, chỉ những bữa đạp xe về quá trưa hơi mệt, đau một chút ở lưng và hông, nhưng lâu rồi không phải đi bệnh viện chữa bệnh nữa. Về ước mơ của mình, Bình nói muốn làm bác sĩ để tìm hiểu căn bệnh của mình và cũng để chăm sóc nhiều bệnh nhân nghèo có bệnh nặng như mình...

60 hộ nông dân ở Đắk Nông được tiếp sức cho con đến trường

Ngày 27-6-2014, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đắk Nông với sự tài trợ của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam sẽ tổ chức buổi lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tại tỉnh Đắk Nông. Chương trình sẽ trao 900 triệu đồng vốn cho 60 hộ nông dân ở hai huyện Krông Nô và Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Mỗi hộ sẽ nhận được số vốn vay không lãi suất là 15 triệu đồng và tiền thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng trong hai năm. “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” lần này nằm trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 367 của báo Tuổi Trẻ.

KIM THU

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên