20/11/2017 08:33 GMT+7

Nâng giá trị cho nông sản Việt

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Ghi nhận tại Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm VN (Vietnam Foodexpo) 2017 (kết thúc ngày 18-11 ở TP.HCM), cho thấy những nông sản Việt được doanh nghiệp chăm chút, làm thương hiệu tốt sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.

Nâng giá trị cho nông sản Việt - Ảnh 1.

Trái cây được giới thiệu ở Vietnam Foodexpo 2017 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sản lượng trái cây tại khu vực ĐBSCL các năm qua đều tăng, nhưng đầu ra sản phẩm vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp (DN), nhu cầu của thị trường về trái cây chế biến vẫn rất cao. 

Các nhà nhập khẩu nước ngoài cho biết sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả VN nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Nhiều sản phẩm mới từ trái cây

"Để tận dụng vùng nguyên liệu sẵn có, chúng tôi nghĩ cần có công nghệ giúp chế biến trái cây có thể để lâu hơn" - ông Nguyễn Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Kim Nghĩa, giải thích về sự ra đời của món trái cây sấy dẻo. 

Phải mất nhiều năm tìm tòi công nghệ, ông Nghĩa mới quyết định nhập thử một máy sấy đầu tiên để cho ra sản phẩm trái cây thanh long, chuối, xoài, khóm, dưa hấu... sấy dẻo cuối năm 2016.

Khi đem sản phẩm giới thiệu tại Vietnam Foodexpo 2017, ông Nghĩa cho biết vẫn đang vừa làm vừa thử với công suất chỉ 1-2 tấn/tháng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là hơn 50 tấn/tháng. 

Điều khiến ông Nghĩa an tâm là khách nước ngoài rất quan tâm nhưng cũng góp ý bao bì, đóng gói của sản phẩm cần phải tốt hơn.

Trái cây sấy dẻo có ưu điểm giữ được hương vị thơm đặc trưng của từng loại, không tẩm ướp đường mà vẫn ngọt như dưa hấu sấy dẻo ăn được cả hột, giòn tan hay xoài sấy dẻo giữ được vị chua chua, ngọt thanh của xoài... 

Thậm chí sau khi sấy, đường trong trái cây còn được cô đọng thành mật nên ăn vào vị đậm đà hơn.

"Điều quan trọng là năng lực sản xuất thì mình không ngại, vùng nguyên liệu ĐBSCL trù phú, sản lượng lớn, chúng tôi có kế hoạch mở rộng từng năm. Khi vào mùa trái cây chín rộ vẫn có thể chế biến để dự trữ được" - ông Nghĩa cho biết thêm.

Cũng lấy trái cây làm nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất, ông Quốc Anh - phụ trách phía Nam của Công ty Senfood - cho biết sản phẩm giấm Sejong vừa được DN này tung ra thị trường khoảng sáu tháng nay là sự kết hợp của nguyên liệu VN như táo, bí đỏ, chuối, lá cây... với công nghệ Hàn Quốc.

"Chúng tôi phải chuyển nhà máy từ phía Nam về ngoài Bắc, nơi gần với vùng nguyên liệu là các loại lá cây cho chất lượng tinh chất cao hơn" - ông Quốc Anh nói.

Nông sản an toàn không thiếu thị trường

Cũng tại Vietnam Foodexpo 2017, nhiều đoàn DN Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Hàn Quốc... đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu các hàng nông sản từ VN. 

Phát biểu tại buổi khai mạc hội chợ triển lãm này, ông Bertrand Lortholary - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại VN - cho biết các sản phẩm hải sản như tôm, cá, mực và một số loại rau thơm từ VN được người tiêu dùng Pháp rất ưa chuộng.

"Chúng tôi đang muốn nhập thêm các hàng nông sản VN thời gian tới, không chỉ nông sản tươi là nguồn nguyên liệu từ VN để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao" - ông Bertrand Lortholary nói. 

Dù vậy, theo ông Bruni Dupont - chủ tịch Hiệp hội Rau củ của Pháp, chưa nhiều loại rau, củ, quả của VN đạt yêu cầu quy chuẩn chất lượng để thâm nhập thị trường này.

Đại diện một DN Nhật Bản cũng cho biết đang tìm kiếm nguồn hạt điều để nhập về Nhật Bản. Theo vị này, nhiều loại nông sản Việt như chuối, xoài, thanh long ruột đỏ đang được nhiều người tiêu dùng Nhật ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ khá khả quan và giá bán rất tốt.

Ông Yoon Byung Soo, giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart VN, cũng cho biết đã phát triển hàng nhãn riêng cho nông sản Việt, đó là sản phẩm "Hàng nông sản Việt đích thực" với tiêu chí chỉ sử dụng nông sản Việt được dày công nuôi trồng như trái cây, ngũ cốc, rau củ...

Theo ông Bùi Huy Sơn - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), rau, quả là một trong những điểm sáng xuất khẩu và dần trở thành một trong những mặt hàng chủ lực của nhóm nông - lâm - thủy sản. 

Do đó, bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đàm phán, tiếp tục mở rộng thị trường như chanh leo xuất sang châu Âu, thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản hay nhãn sang Úc...

"Ngoài việc mở rộng thị trường cho rau, quả VN, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT quy hoạch các vùng trồng rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường quốc tế" - ông Sơn nói.

Trái cây tươi cũng cần xây dựng thương hiệu

Không chỉ tập trung chế biến, doanh nghiệp cũng chú ý làm thương hiệu cho trái cây tươi. Tại Vietnam Foodexpo 2017, những loại trái cây quen thuộc như xoài, ổi, chuối, nho, bơ... do Cansy’s Garden giới thiệu đã được người tiêu dùng phản hồi tốt, đặc biệt là được một số hệ thống bán lẻ liên hệ.

"Thương hiệu giúp người tiêu dùng không phải băn khoăn nguồn gốc, chất lượng vì được kiểm soát chặt từ trồng trọt đến thu hoạch và chế biến với nhiều cải tiến về bao bì" - Lê Minh Sang, phụ trách Cansy’s Garden khu vực TP.HCM, nói.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên