Thu hoạch dưa leo tại Nông trường Long Thành (Đồng Nai) trong Khu nông nghiệp kỹ thuật cao của Công ty TNHH đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Trong khi đó, TP.HCM và nhiều địa phương cũng tích cực tổ chức lại hệ thống phân phối, khuyến khích kinh doanh các loại thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Theo các chuyên gia, đây là cơ hội rất tốt cho nông sản Việt.
Sản xuất sạch với quy mô lớn
Tại hội nghị sơ kết dự án “chuỗi giá trị bưởi da xanh” ở Viện Cây ăn quả miền Nam ngày 30-11, TS Nguyễn Văn Hòa - viện trưởng - cho biết xuất khẩu rau quả của VN năm 2016 dự kiến đạt 2,6 tỉ USD, vượt qua cả xuất khẩu lúa gạo. Điều đó cho thấy rau quả của VN được thế giới đánh giá rất cao.
Một số loại trái cây như bưởi da xanh, thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm... đã có “giấy thông hành” vào các thị trường khó tính.
Đặc biệt, sản phẩm nông sản sạch đang được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, dù chưa nhiều nhưng cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường nội địa và cả xuất khẩu.
Đơn cử là dự án “chuỗi giá trị bưởi da xanh” do Tập đoàn Lộc Trời hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam và ba địa phương là Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long thực hiện từ đầu năm 2016, với mục tiêu sản xuất những sản phẩm chất lượng ngon hơn, an toàn hơn để xuất khẩu và phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Năm đầu tiên đã có 279 hộ tham gia sản xuất 140ha bưởi da xanh theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến thu hoạch, sơ chế, đóng gói, phân phối, tiêu thụ với sự kiểm soát của cán bộ Tập đoàn Lộc Trời.
Từ năm 2017 sẽ tăng diện tích lên 400ha và tiếp tục mở rộng diện tích để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn.
Từ tháng 9-2016, Tập đoàn Vingroup cũng đã vào cuộc bằng chương trình liên kết với 1.000 hợp tác xã và nông dân để sản xuất các loại nông sản “sạch” phục vụ người tiêu dùng Việt.
Ngoài rau quả thiết yếu, Vingroup sẽ liên kết với nông dân sản xuất nhiều loại trái cây đặc sản của các vùng miền. Hợp tác xã và nông dân sản xuất theo mô hình của Vingroup sẽ được đầu tư khoảng 300 tỉ đồng trong năm đầu tiên.
Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư công nghệ, kỹ thuật và đào tạo, hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất sạch, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và cung cấp giống.
Đặc biệt, VinEco đang triển khai sản xuất 2.000ha rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và tiến tới GlobalGAP ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, TP.HCM, Đồng Nai, Lâm Đồng...
Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho biết các loại rau quả của VinEco cũng được sản xuất, kiểm soát chất lượng trước và sau thu hoạch, phân phối bằng quy trình khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị.
Nông sản “sạch” tại các vùng nguyên liệu này sẽ được đưa vào hệ thống bán lẻ của Vingroup dưới thương hiệu VinEco, hoặc các thương hiệu riêng của đối tác.
“Chúng tôi sẽ đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, đảm bảo minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, thời điểm thu hoạch. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone khi có nhu cầu.
Từ tháng 12-2016, nông sản “sạch” của VinEco sẽ ra mắt thị trường” - ông Hiệp nói.
Mua cà chua sạch tại tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: MAI VINH |
Thời của nông sản an toàn, giá rẻ
Ông Nguyễn Thành Tài - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết tất cả các vườn xoài của địa phương này hiện đều sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bất kể có trong mô hình VietGAP hay không.
Nông dân ý thức rất cao trong việc bảo vệ thương hiệu xoài Cao Lãnh, không phun thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức bao trái.
Theo ông Tài, xoài tiêu thụ ở thị trường trong nước, kể cả bán ở vỉa hè cũng rất an toàn cho sức khỏe. Khách hàng Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản... kiểm tra dư lượng ngẫu nhiên rất nhiều nhưng không phát hiện.
“Nhưng hiện chỉ có xoài xuất khẩu và đưa vào siêu thị mới được dán tem thương hiệu xoài Cao Lãnh. Chúng tôi sẽ vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp dán tem cho tất cả sản phẩm của mình, bất kể đưa vào siêu thị hay chợ, để người dân biết mà yên tâm chọn lựa” - ông Tài cho biết.
Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa triển khai chương trình hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp, cá nhân mở cửa hàng, siêu thị mini bán các loại nông sản “sạch”, trước mắt thí điểm tại TP Mỹ Tho, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác.
“Người tiêu dùng rất lo ngại nông sản thực phẩm bẩn, nhưng vì quá ít chỗ bán hàng “sạch” thật sự nên người dân cứ ra chợ mua hàng không rõ nguồn gốc. Nhu cầu sử dụng nông sản Việt an toàn rất lớn nên chúng tôi tập trung mở nhiều cửa hàng, siêu thị phục vụ người dân” - ông Đoàn Văn Phương, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, nói.
Theo ông Phương, địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí thiết kế, trang trí, quảng bá cửa hàng, kiểm tra chất lượng đầu vào 3 tháng và tiền thuê mặt bằng 6 tháng đầu tiên. Ước tính tổng chi phí hỗ trợ mỗi cửa hàng bán nông sản “sạch” khoảng 100 triệu đồng.
Nông sản “sạch” sẽ do các hợp tác xã cung cấp, có thương hiệu, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Phương, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác như tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP để có chất lượng, mẫu mã đẹp, đồng đều và giảm giá thành, tổ chức đưa đến tận tay người tiêu dùng để tránh bị thương lái trà trộn hàng Trung Quốc vào.
“Hợp tác xã vừa sản xuất vừa có cửa hàng cung ứng và liên kết tiêu thụ với siêu thị. Sản phẩm phải có tem VietGAP, có mã vạch để người tiêu dùng kiểm tra thông tin, xuất xứ bằng điện thoại nhằm tránh bị làm nhái” - ông Phương cho biết.
TS Võ Mai (phó chủ tịch Hội Làm vườn VN) cho rằng đây là thời của nông sản VietGAP giá rẻ ngang bằng hoặc thấp hơn nông sản không rõ nguồn gốc. Do đó, cần phải bỏ ngay suy nghĩ: “Kêu tôi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì tôi phải bán giá cao hơn sản phẩm bình thường”.
Theo bà Mai, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn là quy luật tất yếu của cả thế giới. Muốn bán được sản phẩm thì sản phẩm đó phải đạt tiêu chuẩn mà người tiêu dùng yêu cầu.
“Người Việt có nhu cầu nông sản “sạch”, nếu không chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn này mà làm theo kiểu cũ sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi” - bà Mai khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Thành (chủ tịch HĐQT Công ty An Phú Đà Lạt, Lâm Đồng): Cung cấp sản phẩm sạch, có thể truy xuất nguồn gốc Ngoài chuỗi cửa hàng bày bán rau củ quả với tên gọi Thế giới nông sản, chúng tôi còn cung cấp cho 7 đơn vị khác tại TP.HCM hơn 30 mặt hàng đạt chất lượng VietGAP. Bao bì đóng gói, nhãn mác đều được thiết kế riêng, sản phẩm có nhận diện giúp hạn chế bị làm giả. Sản phẩm được sản xuất theo một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt, thu hoạch, đóng gói đến vận chuyển đều đảm bảo chất lượng. Ngoài diện tích tự sản xuất, chúng tôi cũng liên kết với nông dân trồng các loại rau do công ty cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất. Sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được lấy mẫu kiểm tra, nếu chất lượng không tốt, đơn vị sẽ không hợp tác. Hai bên đều cùng cam kết với nhau về chất lượng, đơn vị làm sản phẩm an toàn, người bán có trách nhiệm bán đúng hàng của đơn vị. Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sử dụng phần mềm nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Người mua chỉ cần dùng điện thoại có cài đặt phần mềm để truy nguồn gốc rau củ quả của đơn vị ngay tại chỗ bán. |
Bà Nguyễn Huỳnh Trang (phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM): Khuyến khích sản phẩm an toàn, có nguồn gốc TP.HCM hiện chỉ tự cung ứng được khoảng 20% lượng rau củ cho nhu cầu tiêu dùng, 80% còn lại được các địa phương cung ứng. Do đó để triển khai chuỗi thực phẩm an toàn thành công, chẳng hạn như truy xuất nguồn gốc thịt heo, không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác cũng phải làm quyết liệt. Với các loại rau củ, về các chợ cũng có kiểm tra đầu vào nhưng quản lý hiệu quả nhất là khuyến khích các tiểu thương ký hợp đồng với nhà nông, những trang trại có nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các chương trình gắn kết thu mua, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn đến các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Các siêu thị mua hàng VietGap không vấn đề gì, nhưng ở các chợ lại khó khăn hơn. Hiện 3 chợ đầu mối lớn của TP luôn được khuyến khích mua hàng VietGap chứ không thể bắt buộc được, vì nếu không nhập hàng bên ngoài sẽ không đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Chúng tôi cũng đã làm việc với các hệ thống phân phối, yêu cầu phải công bố điểm bán sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và chịu trách nhiệm với các điểm công bố đó. Theo số liệu tổng hợp, TP.HCM hiện có 401 điểm đăng ký công bố kinh doanh sản phẩm an toàn. Trong mục tiêu xây dựng dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm, TP.HCM muốn nâng cấp mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của mọi tầng lớp người dân trên địa bàn TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận