Vì vậy, các cơ quan thuộc khối tư pháp cần đẩy mạnh việc thực hiện sao cho ngay trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI phải tạo được bước chuyển biến quan trọng trong nhiệm vụ cải cách tư pháp tương xứng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là nội dung chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao ngày 30-8 trên cương vị là trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác tòa án nói riêng và nói chung trong cải cách tư pháp thời gian qua. So với khi bắt đầu thực hiện nghị quyết 08 và nghị quyết 49, toàn khối tư pháp đã có bước tiến dài trong thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, án oan sai giảm hẳn; những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuyên môn tiếp tục được khắc phục. Công tác xây dựng ngành có tiến bộ, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất của các tòa án tiếp tục kiện toàn, bổ sung. Công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện các văn bản pháp luật.
Việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp được đẩy mạnh, nhất là nhiệm vụ tăng thẩm quyền cho tòa án cấp huyện, đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại các phiên tòa và triển khai nghiên cứu đổi mới tổ chức bộ máy tòa án các cấp theo tinh thần cải cách tư pháp.
Trong bối cảnh còn có những khó khăn về tổ chức và hoạt động của ngành tòa án nhân dân, việc đạt được những thành tích nêu trên thể hiện sự cố gắng nỗ lực phấn đấu rất lớn của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức tòa án các cấp...
Tuy nhiên, những kết quả đạt được so với yêu cầu đặt ra của nghị quyết 49 về cải cách tư pháp và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền vẫn còn khoảng cách lớn, cần xây dựng chương trình toàn khóa về cải cách tư pháp nhiệm kỳ Đại hội XI với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trên cơ sở thấy rõ những thành tựu và đặc biệt là những hạn chế, yếu kém phải khắc phục.
Chủ tịch nước đồng tình với việc tự phê của ngành tòa án và nêu yêu cầu về đạo đức thẩm phán là điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, đặc biệt là còn tình trạng có thẩm phán vi phạm pháp luật bị xử lý. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực, tinh thần trách nhiệm công tác của một bộ phận cán bộ, công chức tòa án vẫn còn hạn chế, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xét xử, chưa theo kịp yêu cầu hội nhập quốc tế, việc thiếu cán bộ thẩm phán ở một số tòa án các tỉnh, huyện và yếu kém trong các hoạt động bổ trợ tư pháp là một thực tế tồn tại nhiều năm nay cần được giải quyết.
Trong công tác xây dựng ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để không bị lạc hậu về trình độ, và điều quan trọng là phải kết hợp đồng bộ các giải pháp về giáo dục tư tưởng chính trị với quản lý nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ thẩm phán, thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; phải phối hợp xây dựng các cơ quan tư pháp thật sự trong sạch vững mạnh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người...
Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án, độc lập trong xét xử và chỉ tuân thủ theo pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng với quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, ngành tòa án nhân dân sẽ có nhiều chuyển biến, tiến bộ hơn nữa trong công tác và sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào công lý qua hoạt động của ngành tòa án nhân dân.
(*) Tựa do Tuổi Trẻ đặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận