Nhớ lại tháng 8-2023, môi trường tự nhiên tại bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm vẫn còn những bãi bồi nhếch nhác, ô nhiễm do rác thải và khói bụi, ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực trung tâm TP, trực tiếp là khu vực bến Bạch Đằng, trung tâm quận 1.
Bờ Thủ Thiêm ven sông Sài Gòn lúc đó chỉ có một tuyến đường bằng đất, một số đoạn xây lở dở đã hư hỏng (nối dài từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm) và cây cầu Ông Cậy xuống cấp nghiêm trọng, buộc phải niêm phong.
Cuối năm 2024, TP Thủ Đức và các đơn vị, doanh nghiệp bắt đầu chạy nước rút để cải tạo, với mục tiêu "hoa sẽ nở bên bờ sông" phục vụ người dân đón xuân 2024.
Tết 2024, bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm đã tươm tất hơn nhưng vẫn còn đơn giản. Điểm nhấn lớn nhất lúc bấy giờ là vườn hoa hướng dương. Một năm qua, nơi này tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục.
Đôi bờ sông đã cân xứng hơn về cảnh quan. Phía quận 1 sở hữu view "đáng đồng tiền bát gạo" với những tòa nhà, công trình đồ sộ thì bờ Thủ Đức cũng có những công viên xanh, khu vui chơi nơi tổ chức nhiều chương trình lớn.
Và cầu Ba Son sừng sững, rực sáng về đêm như sợi dây nối hai bờ sông lịch sử với nhau.
Cùng nhìn lại đôi bờ sông Sài Gòn ngày ấy - bây giờ:
Bờ sông Thủ Thiêm cuối năm 2023 và hiện tại
Khu vực đình thần An Khánh trước đây và bây giờ
Cải tạo bờ sông bằng xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách
Là đơn vị tham gia xã hội hóa cải tạo bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm, ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho biết đơn vị được đầu tư, quản lý vận hành, khai thác, duy tu bảo dưỡng bến tàu, sân sinh hoạt cộng đồng đa năng, công viên đá.
Đây là các công trình thuộc đề án "Cải tạo chỉnh trang công viên bờ sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm Thủ Thiêm, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức".
Các hạng mục như xây dựng bến tàu thủy nhằm phát triển thêm nhiều phương thức vận chuyển hành khách, du lịch bằng đường thủy. Việc này phù hợp với quy hoạch, hệ thống bến tàu buýt hiện hữu kết nối công viên bờ sông Thủ Thiêm.
Tạo điểm đến hấp dẫn, hội tụ cộng đồng, thu hút người dân và du khách. Làm nổi bậc cảnh quan, hoạt động sinh hoạt kết nối cộng đồng chuyên đề văn hóa, nghệ thuật, giải trí, ẩm thực đặc sắc.
Công viên gắn liền với hoạt động bến tàu thủy tạo không gian có giá trị văn hóa lịch sử Sài Gòn 300 năm "trên bến dưới thuyền".
"Giải pháp thực hiện xã hội hóa không dùng vốn ngân sách sẽ giúp TP có được được công trình công cộng phục vụ người dân, du khách, đạt nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, giảm gánh nặng ngân sách và nhân lực", ông Toản chia sẻ.
Nguồn thu từ hoạt động xây dựng, vận hành khai thác các công trình sẽ đóng góp vào kinh phí duy trì, vận hành công viên bờ sông, đem lại hiệu quả kinh tế xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận