Nữ học sinh Emma González bị chế ảnh xé Hiến pháp Mỹ - Video: THE WASHINGTON POST
Ngày 14-2, một thanh niên xả súng vào học sinh tại Trường THPT Stoneman Douglas tại thành phố Parkland, tiểu bang Florida, Mỹ. 17 người đã thiệt mạng trong vụ việc.
Sau vụ xả súng, những học sinh sống sót trở thành nhà hoạt động nhân quyền và chính vì vậy họ là mục tiêu của những người chống lại phong trào siết chặt luật súng đạn ở Mỹ.
Nhóm này lên tiếng và tổ chức các chiến dịch kêu gọi thay đổi luật súng đạn ở Mỹ. Trong đó, các em hỗ trợ tổ chức buổi tuần hành March for Our Lives (tạm dịch: Tuần hành vì Cuộc sống của chúng ta), diễn ra ngày 24-3, tại thủ đô Washington.
Tuy nhiên cũng kể từ đó, họ đã trở thành mục tiêu công kích của hàng loạt tin đồn thất thiệt, phát tán trên mạng xã hội.
Tấm ảnh xé Hiến pháp Mỹ gây phẫn nộ
Emma González là một trong những học sinh sống sót trong vụ xả súng, hiện là thủ lĩnh Phong trào phản đối bạo lực súng đạn của học sinh.
Sau bài phát biểu của González tại buổi tuần hành vừa qua, phe cực hữu và những người ủng hộ Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) nhanh chóng chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hình ảnh cô bé xé Hiến pháp Mỹ.
Tấm ảnh trên bìa Teen Vogue (trái) và tấm ảnh chế González xé Hiến pháp Mỹ - Ảnh: CNN
Tuy nhiên, giáo sư Don Moynihan của Đại học Wisconsin đã phát hiện đó là hình chỉnh sửa. Dù tài khoản đăng tải tấm ảnh chế đã bị Twitter khóa ngay sau đó, nhưng theo ông Moynihan, đã có hơn 65.000 lượt chia sẻ lại hình ảnh trên.
Thực tế tấm hình là trang bìa cho phiên bản tạp chí online của tờ Teen Vogue. Cô bé 18 tuổi xé tấm bia ngắm bắn để minh họa cho chiến dịch của mình.
Biết là hình ảnh ngụy tạo bôi nhọ nhưng phe quá khích vẫn ngoan cố.
Gab, một trong những tài khoản chia sẻ lại tấm hình của González, công nhận đó là "một trò đùa châm biếm". Tài khoản này nói: "Tất cả các bạn phát điên vì nó hoàn toàn có thể xảy ra, đúng chứ? Hình ảnh đó là sự châm biếm xuất sắc nhất. Đó là phản ánh hài hước của sự thật".
Giám đốc nội dung phiên bản số của Teen Vogue, ông Phillip Picardi, đã phải thốt lên rằng ngay cả việc chúng ta phải đính chính lại những chuyện thế này là bằng chứng "nền dân chủ có thể bị hủy hoại bởi những người luôn lợi dụng để thêu dệt, dựa trên sự thật".
Những vu khống để hạ thấp danh dự
Ngoài tấm ảnh nói trên, phe cực hữu còn có hàng trăm công kích, thậm chí tạo ra những thuyết âm mưu để bôi nhọ các học sinh của phong trào phản đối bạo lực súng đạn.
Từ gốc gác Cuba cùng với lá cờ Cuba trên áo khoác Emma Gonzalez mặc trong lúc phát biểu, nghị sĩ Cộng hòa Steve King của bang Iowa lập tức khẳng định cô bé "gắn bó" với Cuba.
Bài đăng trên Facebook của nghị sĩ Steve King về Emma González. Trên tay áo cô bé là cờ Cuba - Ảnh chụp màn hình
Ông King viết trên Facebook: "Bạn sẽ thành ra như thế khi học đòi thụ hưởng di sản của Cuba trong khi không hề biết nói tiếng Tây Ban Nha (ngôn ngữ được sử dụng tại đây)".
Vị nghị sĩ thậm chí lập luận cô bé quên rằng tổ tiên của mình bỏ trốn vì "Cuba tước bỏ quyền sở hữu súng của người dân, không cho họ quyền tự vệ".
Người bạn của González alf David Hogg cũng trở thành nạn nhân của các thuyết âm mưu - Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Không chỉ González, những người bạn của em cũng trở thành nạn nhân của đầy rẫy thuyết âm mưu.
Hai trang The Gateway Pundit và TruthFeed đăng tin nhóm học sinh này được giật dây trong đó David Hogg, một học sinh nổi trội khác trong phong trào, là diễn viên đóng giả.
Phe cực đoan cho rằng Hogg tham gia một tổ chức giả tên Trung tâm Vì sự phát triển của Mỹ. Trong khi đó, trang Squawker đăng hẳn một tin giả nói Hogg thật ra đang ở nhà khi sự việc xảy ra.
Không ai biết những tin giả loại này đến bao giờ kết thúc, nhưng với những nền tảng trang mạng như hiện nay, điều chắc chắn rằng chúng sẽ còn tiếp tục phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận