Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cùng góp giải pháp để chấm dứt nạn chặt chém và hiến kế làm sao đừng để du khách một đi không trở lại.
Đừng để bao công sức đổ sông, đổ biển
Bình luận về vụ việc tài xế taxi bị du khách tố "chặt chém" trên, bạn đọc Dương Văn Tuấn cho rằng: "Hành vi chặt chém du khách làm xấu hình ảnh du lịch đất nước. Mong công an vào cuộc sớm có kết luận điều tra. Nếu đúng như hai du khách Pháp phản ánh thì tài xế phải trả lại tiền và xin lỗi du khách".
"Phải phạt thật nặng và bồi thường sự tổn hại tâm lý du khách phải trải qua chứ không phải trả lại tiền là xong chuyện. Nếu họ về nước kể lại với gia đình, bạn bè về chuyện xấu xí này thì du lịch Việt Nam sẽ bị tổn hại dường nào", tài khoản Tuan Ta nhấn mạnh.
"Vì cái lợi trước mắt, một số người cứ đè du khách để chặt chém, đổ sông đổ biển bao công sức của nhiều người đang cố gắng làm cho đất nước Việt Nam đẹp lên từng ngày. Tội này không thể phạt hành chính là xong, để làm gương cho những ai còn có ý định trấn lột du khách nữa", độc giả Trần Ngọc Hiep bức xúc.
Giải pháp nào để xử lý? Tài khoản Hai Le đề nghị: "Phải có hình phạt nặng như phạt tiền và lao động công ích như dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng, dọn công viên. Có vậy họ mới không dám làm bậy".
"Nếu tài xế taxi có hành vi như du khách tố thì xem xét tịch thu bằng lái. Như thế mới răn đe được", bạn đọc Xuân Phú góp thêm ý kiến.
Còn theo bạn đọc Lê Duy: "Nếu tài xế taxi, người làm dịch vụ du lịch mà vi phạm... thì cấm hành nghề ít nhất 3 tháng. Còn với người bán hàng rong thì cấm hẳn việc bán rong, yêu cầu bán tại địa điểm cố định để kiểm soát".
3 điểm trừ trong mắt du khách
Trong nỗ lực để Việt Nam trở thành một điểm phải đến, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn liền văn hóa bản địa, biến mỗi du khách quốc tế trở thành một đại sứ du lịch, chúng ta phải khắc phục ba điểm trừ sau: thiếu an toàn, mất vệ sinh và nạn "chặt chém".
Thứ nhất, đất nước du lịch - điểm đến an toàn, trật tự, văn minh cần nỗ lực của cả một cộng đồng dựng xây, vun bồi.
Để mỗi du khách là một đại sứ du lịch thì chính mỗi người dân - chủ nhà phải là một đại sứ góp phần định vị thương hiệu quốc gia và truyền tải thông điệp thân thiện, hiền hòa, hiếu khách!
Xin đừng để du khách né xa Việt Nam bởi tình trạng giao thông thiếu an toàn. Một số vụ cướp giật, trộm cắp đều phải được ngăn chặn và đẩy lùi bằng nỗ lực, quyết tâm, các lực lượng phối hợp cùng sự cảnh giác cao độ của người dân.
Thứ hai, xây dựng điểm đến không rác thải bừa bãi.
Việc này nghe có vẻ khó thành hiện thực, bởi một nhóm người dọn rác mà trăm nghìn người xả rác thì tình hình chẳng được cải thiện là bao!
Rác từ trong ngõ hẻm, dồn ứ nơi góc chợ, chất đống ngoài đường phố ở nơi này nơi kia vô tình vẽ nên bức tranh nhem nhuốc: cống rãnh vừa khơi xong đã tắc nghẽn, danh thắng "điểm xuyết" bởi rác…
Vì vậy, hãy đánh động vào ý thức cộng đồng về xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp bằng cách xây dựng một chiến lược cải thiện bộ mặt của đô thị xanh và nghiêm trị hành vi xả rác bừa bãi.
Thứ ba, nếu cứ "chặt chém", du khách một đi không trở lại.
Việt Nam vốn là một điểm đến lý tưởng trong mắt du khách gần xa bởi tiếng thơm về sự thân thiện, hiếu khách gửi trao nụ cười tươi tắn cùng tấm lòng rộng mở. Trong khái niệm thân thiện và hiếu khách ấy không bao giờ được tồn tại hai từ "chặt chém".
Tiếc rằng, có không ít "con sâu" ham lợi ích trước mắt, thản nhiên nâng giá và chèn ép du khách. Một món tiền hời ngay sau mỗi phi vụ trấn lột dường như dễ dàng làm người ta mờ mắt để hành động thiếu suy nghĩ, trái pháp luật.
Hệ lụy tất yếu của hành vi "chặt chém" chính là du khách sẽ lơ đẹp bởi vì tiếng xấu sẽ đồn xa. Trăm điều tốt, vạn điều hay cũng chẳng thể níu giữ bước chân du khách một khi nạn "chặt chém" không được xử lý dứt điểm và nghiêm khắc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận