Phóng to |
Đền tưởng niệm 513 người dân đảo Thổ Chu bị Khmer Đỏ sát hại - Ảnh: L.Đ.D. |
Lần tìm qua nhiều đầu mối thông tin, chúng tôi gặp được đại tá Đào Phúc Lâm, người đã có thâm niên 22 năm gắn bó với Thổ Chu, kể từ năm 1989 với 20 năm liền là đảo trưởng. Ông vừa về hưu hồi năm 2010.
Đại tá Đào Phúc Lâm và những bức ảnh ký ức Thổ Chu, nơi ông gắn gần trọn đời binh nghiệp - Ảnh: L.Đ.D. |
Câu chuyện của một đảo trưởng
Căn nhà của đại tá Lâm ở phường Thới An, Q.12 (TP.HCM). Pha trà mời tôi, nếm vị trà là lạ, đại tá Lâm cười: “Dù đã xa Thổ Chu nhưng chưa bao giờ “vắng” Thổ Chu trong nhà tôi cả. Nước uống này nấu từ cây lá của đảo Thổ Chu cả đấy. Uống nước lá rừng Thổ Chu hơn 20 năm, giờ về đất liền uống nước gì cũng không thấy ngon. Biết vậy nên anh em ngoài đảo cứ lâu lâu gửi cho tôi một túi to lá rừng, rễ cây như sâm đất, ngũ gia bì... Buổi sáng thức dậy pha ấm nước lá, ngửi mùi thơm cây cỏ của đảo thấy như đang ngồi đâu đó giữa Thổ Chu”.
Sau khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ, tái chiếm đảo, một thời gian dài Thổ Chu là hòn đảo quân sự. Chỉ có ngư dân đi đánh bắt ghé lên đảo lấy nước ngọt, có khi kẹt quá lên xin bộ đội trên đảo chút dầu máy..., còn thì chưa có hộ gia đình nào trở lại định cư nơi đây sau đận 1975 khi hơn 500 dân của đảo bị Khmer Đỏ lùa đi sát hại. Năm 1988, sau hai năm làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và trở về Vùng 5 Hải quân ở Phú Quốc, ở chỉ huy sở một thời gian, thiếu tá Đào Phúc Lâm được điều ra Thổ Chu phụ trách tiểu đoàn phòng thủ 561 trên đảo.
“Hồi đó mỗi tháng mới có một chuyến tàu ra đảo. Tàu nhỏ, gặp mùa biển động có khi hai tháng vẫn chưa có tàu. Tết năm 1989 tôi vào Phú Quốc họp và kết hợp nhận hàng tết ra cho anh em. Bộ tư lệnh Vùng 5 thuê một chuyến tàu chở hàng ra, ngoài anh em tài công, chỉ có tôi là hành khách duy nhất. Đại tá Trịnh Khắc Thuyết, tư lệnh Vùng 5 Hải quân, và anh em ở sở chỉ huy tiễn tôi xuống bến. Biển những ngày cuối năm áp tết âm u lắm, sóng biển cấp 4, cấp 5 mà tàu thì bé quá. Nhưng không ra thì anh em lấy gì đón tết? Tàu sắp nhổ neo, anh Thuyết bỗng kêu dừng lại, chỉ đạo anh em ở cảng bỏ lên chiếc tàu gỗ thêm một cái xuồng bơm hơi nữa, phòng xa có mệnh hệ sóng nước gì còn có cái xuồng này xoay xở!
Đấy, 25 năm trước mỗi lần ra Thổ Chu đều mang cảm giác như thế, chứ không như bây giờ tàu cao tốc chạy hai tiếng là tới! Con tàu gỗ mang hàng tết ra, tiếng là hàng tết nhưng đâu có gì nhiều. Bánh kẹo và thuốc lá không đủ cung cấp. Thèm thuốc lá là cái sự thèm lớn nhất. Và vì thế món quà anh em trên đảo mong nhất không phải là thực phẩm, quà bánh mà là... báo! Mỗi tờ báo từ đất liền ra đảo, ngoài chuyện được đọc như một “món ăn tinh thần” thì sau đó được anh em tiết kiệm dùng để... vấn thuốc rê. Thuốc rê vấn giấy báo khét mù...
Nhưng nỗi kinh hoàng ở đảo Thổ Chu ngày ấy là sốt rét.Những năm đầu ra đảo, dạo đó hoang sơ, rừng thiêng nước độc, nên năm nào cũng có lính đảo chết vì sốt rét. Mà toàn là sốt ác tính. Anh em sốt vậy nhưng thuốc của bệnh xá có khi cũng hết, tàu tiếp tế chưa chở ra kịp. Sốt nặng đến mức khi cấp cứu phải pha thẳng ký ninh vào dịch truyền rồi truyền thẳng vào máu. Những năm đó, bệnh xá trưởng trên đảo là trung úy quân y Vũ Hữu Vĩnh. (Người quân y sĩ ngày đó trên đảo Thổ Chu nay đã là tiến sĩ bác sĩ y khoa Vũ Hữu Vĩnh, đang đảm nhiệm cương vị trưởng khoa ngoại lồng ngực của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM). Nhìn anh em vật vã vì sốt ác tính, dịch truyền không có, trung úy Vĩnh quyết định cử lính trèo lên những cây dừa trên đảo hái những trái dừa non, lấy nước dừa non thay thế dịch truyền. Dừa Thổ Chu rất nhiều, trèo lên hái, dùng răng cắn vào cuống dừa tụt xuống thật nhẹ, rồi dịch lấy từ nước những quả dừa non ấy được truyền cho lính. Biết là mạo hiểm nhưng không còn cách nào khác. Không có dịch truyền anh em sẽ chết, mà truyền như vậy lại có hi vọng thoát khỏi tử thần. Thật may là mấy ca truyền dịch bằng nước dừa, truyền liên tục vậy mà qua được...”.
Cái thời gian khó ấy cả nước cùng cơ cực nên lính càng khổ hơn. Đại tá Lâm lấy cuốn album ảnh và thuyết minh cho tôi về từng đồng đội của ông trong từng tấm ảnh kỷ niệm. Rồi ông cười: “Năm 1991, lẽ ra tôi cũng có thể chết ở Thổ Chu rồi, đâu được ngồi kể chuyện với anh như thế này. Nhưng mà đôi khi cuộc đời có ”số” cả”. Là đảo trưởng Thổ Chu, đảng ủy viên của Đảng bộ Vùng 5 Hải quân, tháng 10-1991 ông Lâm từ Thổ Chu về Sở chỉ huy dự đại hội Đảng của vùng. Khi tàu từ Thổ Chu chạy vừa vào đến cảng của hải quân Vùng 5 thì ông lên cơn sốt. Trận sốt ác tính ấy quật ông tơi tả, đến mức đã đi tiểu ra máu tươi, nghĩ là khó có thể sống được. “Nhưng may sao khi ấy đang ở Phú Quốc, điều kiện y tế và phương tiện thuốc men đầy đủ hơn, nếu như cơn sốt quật đúng khi đang ở đảo Thổ Chu mà tàu không ra được, không chừng mình cũng nằm lại dưới lòng đất đảo với anh em đồng đội hi sinh trước đó”. Bây giờ ra Thổ Chu nhìn bệnh xá trên đảo khang trang hiện đại, thuốc men đầy đủ, khó hình dung được những chuyện mà đại tá Đào Phúc Lâm đang kể lại cùng chúng tôi hôm nay. Bệnh sốt rét ác tính trên đảo lùi dần cho đến khi dân cư bắt đầu ra sinh sống theo chủ trương của tỉnh Kiên Giang vào mấy năm sau đó.
Phóng to |
Ông Tư Khởi (trái) và Sáu Kịch - những cư dân đầu tiên khi thành lập xã đảo Thổ Châu - Ảnh: L.Đ.Dục |
Những cư dân đầu tiên trở lại...
Hôm ở Thổ Chu, chúng tôi tìm đến nhà anh Huỳnh Văn Kịch, một trong số 16 hộ dân đầu tiên ra đảo lập làng hồi tháng 4-1993. Nay anh Kịch là phó chủ tịch xã đảo. Chuyện về những ngày đầu ra đảo, anh Sáu Kịch bảo: “Hồi đó không có anh em hải quân trên đảo, chắc tụi tui không đủ sức bám trụ đến sau này”.
Riêng gia đình anh Sáu Kịch, cả năm anh em cùng rời quê ra sống trên hòn đảo này, dù có người ra sớm, người ra muộn là Hai Nghiệp, Ba Hoàng, Tư Khởi, Năm Vũ và anh Kịch là thứ sáu. Trò chuyện một lúc, Sáu Kịch bảo tôi: Hồi đó anh Tư Khởi tui (Huỳnh Bình Khởi) không chỉ là một trong số các hộ dân đầu tiên ra đây lập xã đảo, mà trước đó ổng còn tham gia chuyến khảo sát của UBND tỉnh Kiên Giang ra “coi mắt” đảo Thổ Chu trước khi tính chuyện đưa dân ra. Để tui đưa chú qua nhà ảnh chơi, có chi ảnh biết nhiều hơn tui”.
Ra Thổ Chu, hỏi Tư Bình (một tên gọi khác của Tư Khởi) không ai không biết bởi khi vừa ra đảo, Tư Khởi là chủ tịch lâm thời của xã, sau này ổn định rồi bầu chính thức thì giữ chức phó chủ tịch xã. Đảo tên là Thổ Chu nhưng danh xưng hành chính thì là xã Thổ Châu, dù “Chu” hay “Châu” đều cùng một nghĩa. Chuyến đi khảo sát ấy diễn ra từ tết năm 1992. Khảo sát xong về tuyên truyền với dân, sau đó mới xét chọn hộ đăng ký ra Thổ Chu dựng làng mới. Tư Khởi đi về chỉ nói với dân một điều rất giản dị: ngoài Thổ Chu cá nhiều lắm, nước ngọt đảm bảo! Có cá, có nước thì có gạo có cơm, sống được. Mười sáu hộ dân từ hòn Củ Tron (Nam Du) được chi cục di dân lập danh sách và cấp cho mỗi hộ 4 triệu đồng để chuẩn bị chuyến đi tới vùng đất mới.
Ăn Tết năm Quý Dậu (1993) xong, anh em dong thuyền vô Thới Bình mua cây, lá, thép, đinh... chuẩn bị ra tới đảo có thể cất nhà ở ngay. Nhớ lại chuyện này, ông Tư Khởi cười rổn rảng: “Khi dong ghe ra Thổ Chu, chỉ mình tui đã tới coi đất trước đó, còn anh em chưa mấy ai từng tới. Lo thì lo nhưng vui vẫn vui. Để có “khí thế” trước chuyến đi, ngoài gạo cơm, cây lá, đinh thép... tui bảo còn bao nhiêu tiền cứ mua pháo đốt để nghe pháo nổ cho phấn khởi. Sáu giờ sáng, đoàn thuyền xuất bến từ hòn Củ Tron (Nam Du), thuyền nào cũng treo dây pháo đốt lấy hên, pháo nổ giòn giã. Chạy chừng chừng lại lấy pháo ra đốt, xác pháo hồng dập dềnh sau con sóng đuôi tàu, đến gần 6 giờ chiều thì cập bãi Ngự. Đã thấy anh em hải quân của tiểu đoàn 561 trên đảo đứng chờ chuẩn bị giúp đỡ chúng tôi”. Tư Khởi thay mặt bà con đốt nhang cắm xuống bãi Ngự, cầu xin thổ thần đất đai độ trì cho 16 hộ dân được an cư lập nghiệp ở miền quê mới.
Hôm chúng tôi ra, Thổ Chu vừa kỷ niệm 20 năm thành lập cách đó vài tháng. Hai mươi năm, từ 16 hộ dân đầu tiên nay xã đảo đã có 1.698 nhân khẩu với 513 hộ. Có ngẫu nhiên không khi con số người dân bị thảm sát là 513 người khiến Thổ Chu không còn một người dân. Và bây giờ con số 513 hộ dân đang sống trên đất này, mỗi hộ dân sống thay cho một người dân Thổ Chu đã bị thảm sát.
Hai mươi năm, chữ “chu” nghĩa là đỏ son - màu của máu và “châu” sẽ phải là châu ngọc. Từ máu đến châu ngọc, đấy là hành trình 20 năm của hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam này.
Kỳ 1: Thổ Chu - ký ức đau thương Kỳ 2: Trong tay Khmer Đỏ| Kỳ 3: Những người đào thoát Kỳ 4: Đây, chứng tích thảm sát Koh Tang
_____________
Kỳ cuối: Từ “đất đỏ” đến “viên ngọc quý”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận