08/10/2024 05:40 GMT+7

Nam sinh Quảng Ngãi đậu ĐH Quốc gia TP.HCM, mẹ bán con bò duy nhất đóng học phí

Sinh ra đã không biết mặt cha, Nguyễn Dương Quất Tuấn - tân SV Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Để nuôi con, người mẹ có khi phải làm công nhân đến 14 tiếng mỗi ngày.

Bán con bò duy nhất để con trai đi học - Ảnh 1.

Nguyễn Dương Quất Tuấn trong căn phòng trọ ở cùng ba bạn khác tại TP.HCM và đang tìm lớp dạy kèm online chia sẻ bớt gánh nặng với mẹ - Ảnh: KIM SÁNG

Ý thức rõ gia cảnh của mình, Tuấn đã nỗ lực học tập và vừa trở thành tân sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM). Gánh nặng gia đình trên vai mẹ bao năm qua cũng là nỗi canh cánh và động lực để Tuấn quyết tâm học.

Buổi sáng ăn ổ bánh mì không cho rẻ

Mấy hôm liền trời mưa, căn phòng trọ cũ Tuấn thuê giữa chợ Bắc Ninh (TP Thủ Đức, TP.HCM) xộc lên mùi ẩm mốc. Tường loang lổ từng mảng do bị thấm nước. Tuấn nói với giá 2,5 triệu đồng mà thuê được phòng này ở TP là quá tốt. Tuấn ở cùng ba bạn khác để chia tiền nhà.

Từ Quảng Ngãi vào TP.HCM chưa đầy tháng, cũng chưa ổn định cuộc sống nhưng Tuấn lo hơn cho mẹ và em gái ở quê khi người đàn ông duy nhất trong gia đình vắng nhà. Lúc ở quê, Tuấn vừa học vừa phụ mẹ quán xuyến việc nhà, lo việc đồng áng, cắt cỏ cho bò ăn. Những công việc ấy giờ dồn lên vai mẹ dù có em gái đỡ đần phần nào.

"Mình chủ yếu lo cho sức khỏe mẹ nhiều hơn. vì ngày nào mẹ cũng làm tăng ca đến gần 21h, về tới nhà còn phải lo cắt cỏ cho bò ăn. Nhiều lúc mình gọi về, mẹ cũng chỉ nói được đôi ba câu rồi vội tắt máy để lo việc nhà" - Tuấn kể.

Xa nhà, mỗi khi gọi về nghe giọng nói quen thuộc "Con gọi mẹ hả, nhớ mẹ nên gọi hả?" ở đầu dây bên kia, Tuấn như nghẹn giọng. Cố nén, Tuấn hỏi thăm mẹ ít câu rồi kể cho mẹ nghe về cuộc sống ở TP những ngày qua. Nghe con nói sáng ăn bánh mì không cho rẻ, mẹ lo sợ con trai thiếu tiền ăn uống qua loa, nói sẽ gửi thêm ít tiền nhưng Tuấn nhất quyết từ chối, trấn an mẹ đừng lo vì còn tiền đủ ăn tới cuối tháng.

Từ bé, Tuấn đã ở cùng ông bà ngoại, mẹ và em gái. Năm Tuấn 9 tuổi, ông ngoại mất, mọi gánh nặng trong nhà dồn lên vai mẹ. Hơn ai hết, Tuấn hiểu mẹ vất vả thế nào mới kiếm được từng đồng nuôi con khi hầu như ngày nào mẹ cũng phải đi làm mướn tới khuya, bất kể mưa nắng nên Tuấn càng ý thức mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Hình ảnh mẹ khóc nấc khi ông mất cứ mãi ám ảnh, dù lúc ấy Tuấn chưa hiểu hết giọt nước mắt của mẹ. Nhưng sau này mỗi khi gặp bế tắc, bạn lại nhớ đến ánh mắt của mẹ khi ấy và tự nhủ "bấy nhiêu mình gặp đã là gì so với những điều mẹ phải chịu đựng".

Không còn thắc mắc về ba, sẽ thay mẹ gánh vác gia đình

Hồi bé, đôi lần Tuấn cũng từng hỏi mẹ về cha dù mẹ chưa bao giờ nhắc đến. Thấy bạn bè đi với ba, nhiều lúc Tuấn cũng tự hỏi ba mình đâu, sao mình không có ba. Nhưng lớn hơn, Tuấn thôi không thắc mắc nữa mà thấy biết ơn tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.

"Chẳng có lời cảm ơn nào đủ để dành thể hiện hết điều muốn nói với mẹ" - cậu sinh viên năm 1 đang rất cần được tiếp sức đến trường thổ lộ.

Con trai đậu đại học, mẹ quyết định bán con bò duy nhất trong nhà làm lộ phí cho con vào TP nhập học. Đó là giải pháp tình thế ban đầu, vì Tuấn hiểu khoản tiền lương ít ỏi của mẹ khó lòng vừa lo cho gia đình vừa trang trải chi phí học đại học đắt đỏ cho mình.

Ngay lúc thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tuấn lao đi kiếm việc làm thêm. Tận dụng thế mạnh học tốt cùng khả năng diễn đạt khá ổn, Tuấn nhận dạy thêm cho nhiều học sinh ở quê, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng nấy trước khi nhập học.

"Tôi rất thương khi bạn bè nghỉ xả hơi thì Tuấn phải tranh thủ đi dạy kèm để kiếm tiền phụ mẹ" - cô Nguyễn Thị Xuân Hộp, chủ nhiệm ba năm phổ thông của Tuấn, nói.

Sát cánh cùng học trò suốt ba năm tại Trường THPT Ba Gia (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), cô Hộp nhận xét Tuấn chăm chỉ và thông minh, rất năng nổ trong các phong trào. Quất Tuấn thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý cả hai năm lớp 11 và 12. Cô Hộp nói điều đáng quý không chỉ học giỏi, Tuấn còn là tấm gương hiếu thảo khi biết quán xuyến gần như toàn bộ công việc ở nhà.

Từng đến nhà nhiều lần, cô Hộp thấy nhà Tuấn đơn sơ nhưng luôn ngăn nắp, sạch sẽ. "Có lần đang trò chuyện cùng tôi nhưng đến giờ em gái tan học, Tuấn vội xin phép chạy liền đi đón em. Hiếm thấy đứa con trai nào hiểu chuyện và biết lo cho gia đình như bạn ấy" - cô Hộp chia sẻ.

Vừa vào môi trường học mới còn bỡ ngỡ, Tuấn dự định tiếp tục tìm chỗ dạy thêm vì tự tin mình cũng từng có kinh nghiệm trước đó. Không có xe đi lại, Tuấn hy vọng giai đoạn đầu sẽ tìm được lớp dạy online.

Mình đang cố gắng kiếm việc làm thêm để chia sẻ với mẹ, tự lo cho cuộc sống khi học ở TP. Cũng sẽ nỗ lực học để ra trường sớm nhất có thể rồi tìm công việc ổn định, gánh vác gia đình để mẹ không phải đi làm quá nhiều nữa.
NGUYỄN DƯƠNG QUẤT TUẤN

Không có tiền học thêm vẫn giỏi giang

Làm lớp trưởng, cũng là bạn đồng hành với Tuấn suốt những năm THPT, Đỗ Thành Sơn (hiện là sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết bạn bè quý mến Tuấn vì dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bạn luôn tích cực, năng động và hòa đồng.

Làm bạn lâu năm, Sơn nói Tuấn không chỉ cần cù, chăm chỉ học mà còn luôn hăng hái phát biểu ý kiến. Ôn thi tốt nghiệp, Tuấn chỉ học thêm môn toán, còn hai môn lý và hóa đều tự học ở nhà để tiết kiệm tiền. "Có hôm Tuấn còn ngủ gục trên lớp, hỏi ra mới biết bạn thường xuyên học từ đêm đến sáng nên mới vậy" - Sơn kể.

Bán con bò duy nhất để con trai đi học - Ảnh 2.Tiếp sức đến trường: Chỉ nhận chuột và túi đựng, xin nhường laptop cho tân SV khó khăn khác

Nhận chiếc laptop từ học bổng Tiếp sức đến trường, tân sinh viên bị liệt nửa người ở Nghệ An muốn nhường món quà này cho bạn tân sinh viên khác vì đã được trao laptop sau bài báo trên Tuổi Trẻ Online.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên