Đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) đặt vấn đề nêu trên khi thảo luận về dự án Luật hộ tịch chiều 19-6.
Kỳ cuối: Giới đã chuyển, tên thì khôngCô giáo chuyển giới đòi quyền làm phụ nữCấp chứng minh nhân dân mẫu mới ra sao?
Bà Ngọc cho rằng trong dự thảo Luật hộ tịch cần có quy định về xác định lại giới tính của một người, trong trường hợp người đó bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc vì các lý do khác nhau chưa định hình rõ giới tính. “Giấy khai sinh có ghi giới tính. Trong khi hiện nay việc chuyển đổi giới tính ngày càng nhiều. Một người năm nay có thể là nam, năm sau trở thành một cô gái, do vậy cần có quy định về xác định lại giới tính để phù hợp với thực tế” - đại biểu Ngọc nói.
Qua thảo luận, nhiều vị đại biểu Quốc hội nhất trí việc ban hành Luật hộ tịch, đồng thời góp thêm nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Hồ Trọng Ngũ cho rằng thời gian gần đây xuất hiện nhiều đạo luật chứa đựng những nội dung có quan hệ gắn vào nhau, cụ thể như hai dự án luật nêu trên. Mặc dù việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân là rất cần thiết, nhưng cần thiết có đạo luật riêng hay không lại là vấn đề khác. Mục đích cao nhất trong các lĩnh vực này phải là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ không cần thiết, hạn chế đến mức thấp nhất phiền hà cho người dân. Do vậy nếu có thể thì nên nghiên cứu thu hút các nội dung đó vào trong một đạo luật là Luật căn cước công dân.
Theo quy định của dự thảo Luật căn cước công dân thì sẽ tiến hành cấp thẻ căn cước công dân cho cá nhân khi được làm thủ tục khai sinh. Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), vẫn cần duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em và khẳng định trong dự án Luật hộ tịch rằng giấy khai sinh là căn cứ gốc để cấp các loại giấy tờ khác cho công dân. Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị chỉ nên cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên.
Dự thảo Luật hộ tịch sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận