Học sinh tham gia chương trình tư vấn - Ảnh: TRUNG TÂN
Các chuyên gia đã lưu ý thí sinh như thế tại chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk sáng 23-2. Chương trình thu hút hơn 5.000 học sinh THPT đến tham dự với nhiều thông tin bổ ích.
Giải quyết các bất cập trong kỳ tuyển sinh trước
Ông Bùi Hữu Thành Cát - phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, đánh giá chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp hàng năm do báo Tuổi Trẻ tổ chức là cầu nối trao đổi, tư vấn thông tin hiệu quả, thiết thực.
Chương trình giúp các em có định hướng, lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Đây là một trong những kênh thông tin chính xác nhất của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ.
"Để giúp thí sinh trong tỉnh Đắk Lắk có thông tin nhanh, chính xác về kỳ thi, tuyển sinh năm 2019, Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi Trẻ, sở GD-ĐT và các trường ĐH,CĐ đã tổ chức buổi tư vấn này. Các em sẽ được đáp ứng tất cả những thắc mắc về kỳ thi cũng như được tư vấn, giải đáp các lo lắng về việc chọn ngành, chọn nghề. Mong rằng, các em với tâm thế chủ động đặt nhiều câu hỏi, nắm chắc cơ hội hơn nữa để có tương lai thật tốt", ông Cát mong mỏi.
Ở phần tư vấn chung, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (chuyên viên chính Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT), thông tin những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2019.
Theo đó, hàng năm căn cứ vào thực tế, bộ có những điều chỉnh cho phù hợp, giúp học sinh, các nhà trường thuận lợi hơn. Trong năm 2019, bộ có hai quy chế về kỳ thi THPT quốc gia và quy chế xét tuyển ĐH-CĐ và đều có những điều chỉnh.
Về quy chế kỳ thi THPT quốc gia, có một số điểm mới trong năm 2019 là các em học sinh sẽ được tập trung kiến thức của lớp 12, không dàn trải. Đối với thí sinh tự do, năm 2019 sẽ được dàn đều, gởi về một số điểm thi do sở GD-ĐT của các địa phương lựa chọn và cùng thi chung với các em học sinh phổ thông (các năm trước những thí sinh này được tập trung ở một điểm thi).
Có khoảng 5.000 học sinh tham gia chương trình - Ảnh: TRUNG TÂN
Ngoài ra để khắc phục một số bất cập trong tuyển sinh năm 2018, năm nay bộ giao các trường ĐH tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm của thí sinh các địa phương. Giáo viên các trường THPT cùng coi thi với giảng viên các trường ĐH nhưng họ không coi thi tại địa phương có trường mình mà coi thi ở các tỉnh khác.
Về điểm phúc khảo, trong năm 2019 sẽ chấm, công bố điểm phúc khảo và khi chấm xong các trường THPT sẽ thu lại phiếu chứng nhận kết quả lần 1 rồi phát các phiếu có sự thay đổi điểm (sau phúc khảo).
"Để xét tốt nghiệp, chúng ta không sử dụng phương án 50/50 như năm 2018 mà 70% ở điểm thi còn 30% là ở quá trình học tập", ông Hùng nói.
Nộp kết quả rồi sẽ không được xét tuyển trường khác
Về quy chế xét tuyển ĐH-CĐ, thạc sĩ Hùng cho biết chủ yếu giữ ổn định, chỉ có vài điều chỉnh do Luật giáo dục đại học mới được ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1-7-2019.
Theo đó, năm 2019, để đảm bảo công bằng chung, bộ yêu cầu các trường ĐH sử dụng 1-3 môn học trong kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển cùng hệ thống và cùng công bố trúng tuyển vào một ngày quy định.
"Đối tượng công an nhân dân có một số bất cập trong chính sách ưu tiên nên năm 2019, đối với các quân nhân đóng trên địa bàn được cử đi thi phải có thời gian đóng quân từ 18 tháng trở lên. Nếu có sự thay đổi địa bàn, nơi nào đóng quân dài hơn thì thí sinh hưởng ưu tiên tại địa phương đó", ông Hùng nói.
Ông Hùng nói thêm trong quá trình học sinh đã trúng tuyển và xác nhận nhập học, các cơ sở đào tạo phải tiếp nhận và lưu bản chính kết quả THPT quốc gia để làm căn cứ nhập học cho thí sinh.
"Trong quá trình làm thủ tục nhập học, nếu thí sinh đã nộp chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia thì không được xét tuyển các trường ĐH, CĐ khác trong đợt xét tuyển đó", ông nói.
Một học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn - Ảnh: TRUNG TÂN
Tư vấn thêm cho thí sinh Đắk Lắk, TS Lê Thị Thanh Mai - trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM lưu lý các học sinh: kỳ thi THPT quốc gia là dựa vào kết quả thi của học sinh. Với học sinh tại Đắk Lắk, tỉ lệ học sinh chọn bài thi khoa học xã hội nhiều hơn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa điểm bài thi khối xã hội cao hơn.
"Việc lựa chọn này đã cân nhắc trên sức học, định hướng con đường sau THPT của mình, định hướng này là tốt, cần phát huy. Quy chế cũng cho phép lựa chọn cả hai bài thi nhưng tỉ lệ các em chọn cũng không nhiều. Tại Đắk Lắk, tỉ lệ thí sinh chọn cả 2 bài thi chỉ khoảng 4%. Như vậy, các em nào đã định hướng được sức học, tương lai sau THPT thì chỉ nên tập trung vào đúng ba môn có thế mạnh của mình", TS Mai nhắn nhủ.
Qua theo dõi điểm bình quân thí sinh Đắk Lắk, TS Mai khuyên các thí sinh dự định thi vào các ngành sư phạm, chăm sóc sức khỏe nên tập trung học tập để đạt mức điểm tối thiểu theo quy định của các ngành này.
"Đề thi năm nay chủ yếu tập trung kiến thức năm lớp 12 nên sẽ phân hóa điểm rất cao. Vì vậy, các em phải tập trung để cải thiện sức học của mình, đặc biệt các em dự định thi vào hai ngành nói trên để có kết quả tốt đẹp", TS Mai đặt lời khuyên.
Những chú "thú bông tuyển sinh" giúp chương trình thêm vui nhộn - Ảnh: TRUNG TÂN
Th.s Nguyễn Mạnh Hùng (chuyên viên chính Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) thông tin những điểm mới về tuyển sinh năm 2019 - Ảnh: TRUNG TÂN
Rất nhiều học sinh Đắk Lắk quan tâm hai ngành công an, quân đội - Ảnh: TRUNG TÂN
Học sinh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn của Trường ĐH Tây Nguyên - Ảnh: TRUNG TÂN
TS Lê Thị Thanh Mai tra cứu thêm thông tin, trả lời phụ huynh và học sinh sau phần tư vấn chung - Ảnh: TRUNG TÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận