Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing - Ảnh: REUTERS
Ngày 22-10, LHQ cho biết họ lo ngại thảm họa nhân quyền ngày càng lan rộng ở Myanmar trong bối cảnh hàng chục ngàn binh sĩ và vũ khí hạng nặng đang trên đường hướng đến khu vực phía bắc, nơi có sự hiện diện của lực lượng đối lập.
Ngày 24-10, chính quyền quân sự Myanmar cáo buộc LHQ sử dụng nhân quyền "như một công cụ chính trị để can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar".
Bộ Ngoại giao Myanmar cho rằng báo cáo của LHQ sẽ "chỉ dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa giữa các quốc gia và kích động bạo lực nội bộ".
Myanmar rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính vào ngày 1-2, với hơn 1.100 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp bất đồng chính kiến.
Gần 8 tháng sau sự kiện đó, quân đội Myanmar chưa thể dập tắt làn sóng phản đối chính quyền. Lực lượng đối lập thường xuyên đụng độ với quân đội.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ chính phủ cho biết hơn 70 quân nhân và 93 cảnh sát đã thiệt mạng kể từ tháng 2.
Các vị tướng đứng đầu Myanmar cũng đang chịu áp lực quốc tế ngày càng tăng.
Tuần trước, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã quyết định không mời thống tướng Min Aung Hlaing dự họp hội nghị thượng đỉnh của khối vào cuối tháng 10, cáo buộc Myanmar không thực hiện các cam kết trong đồng thuận 5 điểm đã thống nhất vào tháng 4.
ASEAN kêu gọi Myanmar cử "đại diện phi chính trị" tham dự hội nghị từ ngày 26 đến 28-10. Chính quyền Myanmar từ chối lời kêu gọi này.
Cũng trong tuần trước, Anh cho biết họ sẽ không mời Myanmar dự cuộc họp ngoại trưởng G7-ASEAN sắp tới vào tháng 12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận