Người Myanmar ở Bangkok, Thái Lan ngày 23-2 đặt hoa tưởng niệm những người biểu tình đã chết khi tuần hành phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar - Ảnh: REUTERS
Các tướng lĩnh đang mất đi khả năng đe dọa, cùng với đó là quyền lực của họ.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar Tom Andrews viết trên Twitter
Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường ngày 23-2, một ngày sau cuộc tổng đình công toàn quốc và hàng triệu người Myanmar xuống đường bất chấp đe dọa "sẽ có thêm người biểu tình chết" của quân đội.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ hôm qua 23-2 lên án mạnh mẽ việc lực lượng an ninh Myanmar bắn đạn thật vào người biểu tình, khẳng định đây là điều không thể chấp nhận được. Cho đến nay đã có 4 người biểu tình chết.
"Bất kỳ ai phản ứng lại các cuộc biểu tình ôn hòa bằng bạo lực đều phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi lên án sự đe dọa và đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính. Chúng tôi cùng nhau lên án cuộc đảo chính ở Myanmar.
Chúng tôi một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bị giam giữ tùy tiện, bao gồm cả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint", ngoại trưởng các nước G7 nêu trong tuyên bố chung.
Trước đó các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua các biện pháp trừng phạt Myanmar để phản đối cuộc đảo chính ngày 1-2. "Chúng ta không nên bàng quan đứng nhìn", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói tại Brussels (Bỉ) ngày 22-2.
Các biện pháp trừng phạt của châu Âu sẽ nhắm đến các doanh nghiệp của quân đội Myanmar, nhưng sẽ không cắt giảm các quy chế thương mại đặc biệt cho nước này để tránh làm ảnh hưởng đến những người nghèo.
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết các khoản hỗ trợ tài chính cho những chương trình cải cách Chính phủ Myanmar cũng sẽ bị đình chỉ.
Còn Mỹ ngày 22-2 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức quân đội - tướng Moe Myint Tun và tướng Maung Maung Kyaw, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể hành động mạnh tay hơn nếu bạo lực tiếp diễn.
"Chúng tôi kêu gọi quân đội và cảnh sát ngừng mọi cuộc tấn công vào những người biểu tình ôn hòa, trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ bất công, ngừng tấn công và đe dọa các nhà báo và nhà hoạt động, khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.
Cho đến nay chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp dụng các biện pháp trừng phạt với tướng Aung Hlaing và một số sĩ quan quân đội, công ty đá quý ở Myanmar.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định ủng hộ người dân Myanmar. "Các cuộc đảo chính không có chỗ trong thế giới hiện đại này", ông Guterres nói.
Indonesia thúc ASEAN họp đặc biệt về Myanmar
Hãng tin Reuters ngày 23-2 cho biết Indonesia đang thúc đẩy các nước láng giềng Đông Nam Á ủng hộ kế hoạch nhằm đảm bảo cho chính quyền Myanmar giữ đúng lời hứa tổ chức bầu cử, với các giám sát viên để đảm bảo bỏ phiếu diễn ra công bằng và toàn diện.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đang vận động các thành viên ASEAN đồng ý tổ chức cuộc họp đặc biệt về tình hình Myanmar. Tuy nhiên, nhiều khả năng kế hoạch của Indonesia sẽ không như kỳ vọng của người biểu tình Myanmar là yêu cầu thả bà Suu Kyi và công nhận kết quả cuộc bầu cử năm ngoái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận