Truy tố 7 bị can vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử Mỹ
Phóng to |
Cách thức tội phạm thực hiện một giao dịch ẩn danh trên Liberty Reserve |
Theo các công tố viên Mỹ, đây là “vụ truy tố rửa tiền quốc tế lớn nhất trong lịch sử”!
Giao dịch bằng tiền ảo nhưng Liberty Reserve, hoạt động từ năm 2006, cung cấp một hệ thống ngân hàng lý tưởng cho bọn tội phạm khi cho phép giao dịch ẩn danh và dễ dàng tiếp cận mạng lưới này. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cho đến khi bị đóng vào tuần trước thì mạng lưới có trụ sở tại Costa Rica này có khoảng 1 triệu người sử dụng, trong đó hơn 200.000 người tại Mỹ và xử lý hơn 55 triệu giao dịch bất hợp pháp trị giá đến 6 tỉ USD.
Nhà sáng lập hệ thống này cùng sáu người khác đã bị truy tố vì tội tổ chức chuyển tiền trái phép và rửa tiền. Đây là lần đầu tiên luật chống rửa tiền Mỹ được áp dụng đối với hình thức tiền ảo, vốn ngày một phổ biến trong thập niên qua. Nhưng Richard Weber, lãnh đạo nhánh điều tra hình sự tại Washington của Sở Thuế vụ Mỹ, nhận định vụ truy tố Liberty Reserve là báo hiệu sự bùng nổ “kỷ nguyên ảo của nạn rửa tiền” của bọn tội phạm.
Một công cụ cho bọn tội phạm
Theo báo New York Times, Liberty Reserve đã giúp bọn tội phạm giao dịch thuận tiện hơn bao giờ hết chỉ bằng những cú nhấp chuột, tương tự như cách mà công ty chuyển tiền như PayPal đã tạo ra cuộc cách mạng mua sắm trực tuyến.
Theo Reuters, Liberty Reserve sử dụng đơn vị tiền tệ là LR và khách hàng chỉ cần khai tên, địa chỉ và ngày sinh để tạo tài khoản. Một số tài khoản đăng ký dưới những bí danh rất kêu như “Russia hacker” hay “Hacker Account”. Các nhân viên điều tra giả dạng thử tạo một tài khoản với mục đích sử dụng là “mua cocaine”. Nhưng mạng này thậm chí chẳng buồn kiểm tra, xác minh những thông tin này.
Liberty Reserve chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các vụ phạm tội công nghệ cao gây chấn động thời gian gần đây, bao gồm vụ cướp 45 triệu USD từ hệ thống máy ATM tại 27 quốc gia (Tuổi Trẻ ngày 11-5-2013 đã đăng tải). Những tên trộm sử dụng mạng tài chính ảo này để chia phần. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các thành viên tham gia “trung tâm tài chính” Liberty Reserve còn bao gồm tội phạm trộm thẻ tín dụng, đánh bạc, lừa đảo đầu tư, khiêu dâm trẻ em và buôn lậu ma túy. Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm tiền ảo từ Liberty Reserve cũng được sử dụng mua các phần mềm trộm thông tin cá nhân và tấn công các công ty tài chính.
Truy tố 7 người
Cùng với việc đóng cửa Liberty Reserve tuần trước, các quan chức Mỹ, Tây Ban Nha và Costa Rica đã bắt giữ nhà sáng lập hệ thống này là Arthur Budovsky, 39 tuổi, cùng sáu nghi can khác. Budovsky, công dân Costa Rica gốc Ukraine, bị bắt tại Tây Ban Nha trong khi cấp phó Azzedine El Amine và nhà đồng sáng lập Vladimir Kats bị bắt tại Mỹ. Hai kỹ sư công nghệ Maxim Chukarev và Mark Marmilev bị bắt tại Costa Rica và Mỹ, còn hai nghi can khác đang lẩn trốn ở Costa Rica.
Các nhân viên điều tra cũng đã thu giữ các máy tính, hồ sơ, xe hơi hạng sang như Rolls Royce, Jaguars, Mercedes và phong tỏa 45 tài khoản ngân hàng. Theo BBC, dù Costa Rica đã bác giấy phép hoạt động vào năm 2011, nhưng Budovsky vẫn âm thầm tổ chức chuyển tiền thông qua năm doanh nghiệp của Costa Rica.
Công tố viên Preet Bharara nhận định đây là vụ rửa tiền trực tuyến lớn nhất trong lịch sử. “Sự tự do duy nhất mà Liberty Reserve trao cho người dùng là sự tự do phạm tội... và nó trở thành một trung tâm cho những kẻ lừa đảo, tin tặc và buôn lậu” - bà Bharara nêu rõ.
Dù vậy, việc đóng cửa Liberty Reserve đe dọa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều khách hàng khác của Liberty Reserve. Nhiều người lo lắng sẽ bị mất tiền trong các tài khoản của Liberty Reserve. “Hàng ngàn người sử dụng LR không liên quan đến các hoạt động tội phạm bây giờ trở thành nạn nhân - Mitchell Rossetti, chủ dịch EPay Tarjeta, bức xúc - Chúng tôi muốn được hoàn tiền”. Ông Rossetti cho biết 28.000 USD của công ty ông bị kẹt cùng với Liberty Reserve. Trong khi đó blogger Brian Krebs, cựu phóng viên báo Washington Post, nhận định việc đóng cửa Liberty Reserve là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm gây sức ép lên các loại tiền ảo đang ngày một phổ biến.
Liberty Reserve không “danh chính ngôn thuận” ở Việt Nam Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dù có tên miền tại Việt Nam nhưng Liberty Reserve không nằm trong hệ thống thành viên của hiệp hội. Mô hình Liberty Reserve đang hoạt động tại tên miền libertyreserve.com.vn về bản chất là một loại hình kinh doanh tiền ảo (ví điện tử), dùng một đồng tiền chung (ở đây là LR) để chuyển đổi sang một đồng tiền khác và ngược lại. Nói cách khác, LR là đồng tiền trung gian phục vụ cho mục đích chuyển đổi. Thông thường, với loại hình dịch vụ này phải có danh sách các website hoặc mạng lưới chấp nhận, thanh toán bằng ví điện tử của nhà cung cấp, nhưng ở LR thì không thể hiện được điều đó. Là cổng thanh toán điện tử cho phép khách hàng mở tài khoản chỉ với một địa chỉ email hợp lệ mà không lưu gì, LR không dễ liên kết được với các ngân hàng tại Việt Nam do bản thân LR không có trụ sở tại Việt Nam. NHƯ BÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận