19/01/2018 22:04 GMT+7

Mỹ sẽ đổi học thuyết hạt nhân, chế tạo vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Báo cáo mới, dự kiến công bố tháng sau, cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ mong muốn sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân mới có công suất thấp để đối phó với các mối đe dọa như Triều Tiên.

Mỹ sẽ đổi học thuyết hạt nhân, chế tạo vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ - Ảnh 1.

Mỹ muốn có nhiều giải pháp đáp trả trong tình hình leo thang khu vực. Trong ảnh là tàu ngầm hạt nhân Mỹ gần căn cứ Busan (Hàn Quốc) ngày 13-10-2017 - Ảnh: AP/SIPA

Tháng 2-2018, dự kiến Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ công bố báo cáo mới có tiêu đề "Đánh giá tình hình hạt nhân". Báo cáo mới cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ mong muốn sẽ phát triển loại vũ khí hạt nhân mới có công suất thấp để đối phó với các mối đe dọa như Triều Tiên.      

Báo cáo mới "Đánh giá tình hình hạt nhân" của Bộ Quốc phòng Mỹ xác định chính sách, chiến lược, khả năng và tình trạng lực lượng hạt nhân của Mỹ trong 5-10 năm tới.

Thêm một loại tên lửa biển đối đất

Theo dự thảo báo cáo mới (thay thế báo cáo năm 2010) được báo chí Mỹ tiết lộ, Lầu Năm góc đề nghị phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới với công suất thấp (còn gọi là "vũ khí hạt nhân mini"), đặc biệt là vũ khí chiến thuật, bởi chúng có khả năng xuyên thủng và phá hủy hầm ngầm hay cơ sở ngầm dưới đất.

Cụ thể Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ sẽ phát triển một loại tên lửa đạn đạo biển đối đất đủ sức đáp trả nhanh chóng và xuyên thủng hàng rào phòng thủ kẻ thù.

Lầu Năm góc khẳng định vũ khí hạt nhân có công suất thấp hơn và sản xuất với số lượng nhiều hơn có thể đập tan suy nghĩ của kẻ thù rằng Mỹ sẽ không bao giờ dám sử dụng vũ khí hạt nhân quy ước vì loại vũ khí này quá mạnh và sức hủy diệt quá ghê gớm.

Báo cáo mới đã đi ngược lời kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân được Tổng thống Barack Obama tuyên bố vào năm 2009 tại Prague (Cộng hòa Czech).

Mỹ sẽ đổi học thuyết hạt nhân, chế tạo vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ - Ảnh 2.

Tổng thống Obama (trái) và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước New START ngày 8-4-2010 tại Prague - Ảnh: Getty Images

Hiệp ước New START (Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược) đã được Mỹ và Nga ký kết tại Prague ngày 8-4-2010. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5-2-2011 sau khi phê chuẩn và kéo dài đến năm 2021. Hiệp ước quy định hai bên cắt giảm đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 đầu đạn mỗi bên và cắt giảm phương tiện hạt nhân xuống còn 800 phương tiện mỗi bên.

Chuyên gia Corentin Brustlein phụ trách Trung tâm Nghiên cứu an ninh thuộc Viện Quan hệ quốc tế của Pháp (IFRI) đã giải thích rõ ba điểm.

Có phải Mỹ muốn gia tăng kho vũ khí hạt nhân?

Báo cáo "Đánh giá tình hình hạt nhân" sắp công bố nêu rõ điểm mới là hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện tại chứ không bàn đến gia tăng số lượng kho vũ khí hạt nhân. Như vậy Mỹ muốn cải tiến chất lượng chứ không phải gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia Corentin Brustlein phân tích: "Mỹ bị hạn chế bởi hiệp ước New START chừng nào còn thực thi hiệp ước này, vì vậy Mỹ cũng như Nga không thể gia tăng kho vũ khí hạt nhân".

Mỹ muốn tiếp tục chương trình hiện đại hóa hạt nhân dưới hình thức nghiên cứu để sử dụng linh hoạt kho vũ khí hạt nhân. Trong tình hình leo thang khu vực xuất phát từ bán đảo Triều Tiên, Mỹ mong muốn có nhiều giải pháp đáp trả phù hợp khi cần thiết.

Phải chăng đây là bước tiến triển của học thuyết răn đe hạt nhân Mỹ?

Theo chuyên gia Corentin Brustlein, các giải pháp của Mỹ liên quan đến không quân như sử dụng máy bay ném bom chiến lược (B52) và máy bay chiến thuật (như F16) hay một số hệ thống khác đều không thể đáp ứng yêu cầu.

Vì lẽ đó, giải pháp nhanh nhất hiện nay đối với Triều Tiên là tên lửa đạn đạo liên lục địa đất đối đất phóng đi từ Mỹ. Song vấn đề xảy ra với Nga là Nga không biết tên lửa đó có nhắm vào Nga hay không, từ đó có thể xảy ra nguy cơ leo thang bất ngờ.

Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng mới tìm kiếm các giải pháp đa dạng hơn, từ đó nảy sinh ý tưởng chế tạo tên lửa biển đối đất. Đây là hình thức răn đe mới dựa trên ưu thế chiến lược về biển nhờ Mỹ có sẵn tàu ngầm khó bị phát hiện.

Học thuyết như vậy (của Mỹ) ra đời sau khi Nga chiếm Crimea, Trung Quốc chiếm các đảo gần Đài Loan và Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và bắn thử tên lửa đạn đạo"

Chuyên gia Corentin Brustlein

Mỹ sẽ đổi học thuyết hạt nhân, chế tạo vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ - Ảnh 5.

Mỹ không thể sừ dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng đi từ đất liền Mỹ do lo ngại từ Nga - Ảnh: technoexaminer.com

Liệu Mỹ muốn từ bỏ học thuyết của Obama?

Trong lời mở đầu báo cáo "Đánh giá tình hình hạt nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã nêu lý do: "Các mối đe dọa càng nghiêm trọng từ năm 2010… Mỹ đang đương đầu với một môi trường trong đó đe dọa hạt nhân đa dạng hơn và sớm phát triển hơn bao giờ hết".

Từ năm 2010 đến nay, yếu tố thay đổi cơ bản của tình hình thế giới là Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đã quay trở lại cuộc đua cạnh tranh của các cường quốc. Hiện thời Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân mạnh tương đương Mỹ ở cấp độ chiến lược.

Do đó theo chuyên gia Corentin Brustlein, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng không thể giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân như Tổng thống Obama mong muốn 8 năm về trước.

Cuối cùng, trong bối cảnh các cường quốc lớn vẫn duy trì tình trạng hạt nhân của họ, Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng muốn "khua chuông nổi trống" rằng Mỹ sẽ không bao giờ lùi bước.

Kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân mini khiến nhiều chuyên gia lo ngại viễn ảnh chạy đua hạt nhân và nguy cơ xung đột hạt nhân gia tăng.

Ông Barry Blechman, người đồng sáng lập Trung tâm Stimson (chuyên nghiên cứu về chống phổ biến hạt nhân) đánh giá báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thay đổi ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, như vậy đã vi phạm tinh thần hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1968, đặc biệt trong bối cảnh Washington cố thuyết phục Iran và Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông nhấn mạnh: "Điều này sẽ cổ vũ nhiều nước khẳng định rằng vũ khí hạt nhân là yếu tố thiết yếu bảo đảm an ninh".

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên