07/01/2018 16:44 GMT+7

Hầm trú hạt nhân của lãnh đạo Trung Quốc kiên cố cỡ nào?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Nằm cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh 20km theo hướng tây bắc, hầm trú hạt nhân dành cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc được xây bên trong các hang động đá vôi rất sâu xuống đất.

Hầm trú hạt nhân của lãnh đạo Trung Quốc kiên cố cỡ nào? - Ảnh 1.

Lối vào hầm trú hạt nhân của lãnh đạo Trung Quốc nằm ở Công viên rừng quốc gia Tây Sơn - Ảnh: SCMP

Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, hầm trú hạt nhân của Trung Quốc nằm giữa một hệ thống hang động đá vôi rộng lớn đến mức đủ để chứa một thành phố nhỏ và cung cấp nước uống ổn định cho một triệu người. Khu hang động này còn được cho là thuộc nhóm sâu nhất thế giới với những hầm đi xuống hơn 2km dưới lòng đất.

Hầm trú là một phần của khu phức hợp Trung tâm Điều hành tác chiến thuộc Ủy ban Quân ủy trung ương Trung Quốc. Cơ sở này lần đầu tiên được hé lộ với thế giới vào năm 2016, khi đó truyền thông nhà nước đăng bức ảnh ông Tập Cận Bình trong bộ quân phục đến thăm các sĩ quan.

Không ai biết chính xác Trung tâm Tác chiến và hầm trú hạt nhân được xây dựng khi nào, nhưng theo truyền thông Trung Quốc, công trình bắt đầu cách đây nhiều thập kỷ và nó tiếp tục được nâng cấp trong vài năm gần đây.

Trung tâm Điều hành tác chiến được xem là "bộ não"" của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vì đây là nơi toàn bộ quyết định quân sự được đưa ra. Hằng ngày, trung tâm này phân tích thông tin tình báo quân sự, theo dõi các hoạt động trên khắp 5 quân khu chính và đưa ra mệnh lệnh cho các chiến dịch quân sự ở Trung Quốc và nước ngoài.

Lối vào của khu phức hợp nằm giữa Công viên Rừng quốc gia Tây Sơn - chỉ cách Bắc Kinh hơn 20km. Nếu xảy ra một biến cố lớn, chẳng hạn tấn công hạt nhân, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không phải di chuyển xa từ trụ sở Trung Nam Hải (gần Tử Cấm Thành) và chính phủ có thể tiếp tục hoạt động từ hầm trú hạt nhân.

Hầm trú hạt nhân của lãnh đạo Trung Quốc kiên cố cỡ nào? - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình (giữa) trong lần thăm Trung tâm Điều hành tác chiến năm 2016 - Ảnh: news.china.com

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất xây hầm trú hạt nhân cho lãnh đạo. Chính phủ các nước lớn cho xây các công trình tương tự trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ngày nay, một số nơi bị bỏ hoang và mở cửa cho khách du lịch, một số khác được tiếp tục sử dụng cho mục đích quốc phòng.

Người ta tin rằng nhiều hầm trú hạt nhân được xây dựng trên khắp Trung Quốc từ thập niên 1950, nhưng vị trí của chúng là thông tin tuyệt mật.

Thông thường, hầm trú được xây dưới các ngọn núi đá, đủ cứng để chống đỡ các vụ nổ lớn. Chúng được thiết kế để có thể hoạt động độc lập trong một thời gian dài mà không cần nguồn cung từ bên ngoài, hệ thống thông gió có thể lọc ô nhiễm phóng xạ phát ra từ bom hạt nhân...

Các hầm trú hạt nhân quy mô lớn có thể kể đến khu phức hợp Raven Rock Mountain ở bang Pennsylvania và Cheyenne Mountain ở bang Colorado của Mỹ.

Hầm trú hạt nhân của lãnh đạo Trung Quốc kiên cố cỡ nào? - Ảnh 3.

Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ ở bang Colorado, Mỹ - Ảnh: Norad.mil

So với Raven Rock và Cheyenne, Tây Sơn của Bắc Kinh có một số ưu thế độc đáo để xây hầm trú hạt nhân, theo một nhóm chuyên gia địa chất Trung Quốc thực hiện khảo sát khu vực.

Nhà nghiên cứu Qin Dajun thuộc Viện Địa chất và địa vật lý (Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc) cho biết họ tìm thấy các hang động đá vôi sâu hơn 2km dưới lòng đất thuộc Công viên rừng quốc gia Tây Sơn. Độ sâu này tương đương với Krubera - hang động sâu nhất thế giới được biết đến nằm ở Gruzia (2.200m).

Trong khi hầu hết hang động đá vôi, bao gồm Krubera, nằm lộ thiên hoặc gần mặt đất, hệ thống hang ở Tây Sơn nằm sâu dưới một lớp đá siêu cứng bao gồm granite và dày trung bình 1.000m, theo chuyên gia Qin.

Tuy không rõ hầm trú hạt nhân ở Tây Sơn nằm ở độ sâu bao nhiêu, các chuyên gia cho biết nó cần phải có một lớp đá đệm dày hơn 100m để chịu đựng một vụ tấn công hạt nhân.

Nhóm khoa học do ông Qin Dajun dẫn đầu được chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ nghiên cứu nguồn nước ngầm ở Tây Sơn, mục đích để biết Trung tâm Điều hành tác chiến có bị thiếu nước trong một kịch bản "tận thế" hay không.

Nước ngầm ở Bắc Kinh đã giảm hơn 1m mỗi năm kể từ thập niên 1990 vì các giếng đào khai thác hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu của dân số bùng nổ, theo ông Qin. Người ta tin rằng một số nguồn nước ngầm ít hoặc không được tái bổ sung từ nước bề mặt.

Ông Liu Yong, một nhà khoa học hạt nhân thuộc Đại học Nam Trung Hoa (Hồ Nam), giải thích trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, chất phóng xạ chết người sẽ lưu lại trong nước và đất lâu hơn trong không khí. Điều này đồng nghĩa nước ngầm phải được xử lý trước khi có thể sử dụng.

"Trung Quốc đã phát triển công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất cho mục đích này - nó thuộc vào hàng tốt nhất thế giới" - ông Liu tiết lộ. Ông hiện đang dẫn đầu một công trình nghiên cứu do quân đội Trung Quốc tài trợ về xử lý chất thải hạt nhân.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên