25/02/2018 16:44 GMT+7

Mỹ quyết dẫn dắt cấm vận Triều Tiên

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Dù bối cảnh quan hệ liên Triều có vẻ sáng sủa nhưng Washington vẫn cho rằng cần phải tiếp tục cấm vận và trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng thực sự quy phục.

Mỹ quyết dẫn dắt cấm vận Triều Tiên - Ảnh 1.

Cô Ivanka Trump (trái) và bà Kim Jung Sook, phu nhân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, vẫy tay chào khán giả khi dự sự kiện thi đấu thể thao Olympic mùa đông vào ngày 24-2 - Ảnh: Reuters

Ngày 24-2, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, bất chấp "bầu không khí hòa giải" đang gia tăng giữa hai miền Triều Tiên. 

Tuyên bố trên được bà Sarah Sanders đưa ra trong cuộc gặp giới báo chí tại TP PyeongChang, Hàn Quốc, khi bà tháp tùng phái đoàn Mỹ dự lễ bế mạc Olympic mùa đông PyeongChang 2018.

Hai nước Mỹ và Hàn Quốc cần tận dụng cơ hội hiếm có này và tôi hi vọng có thể cùng Tổng thống Trump nhận thức chung về thành tựu mang tính lịch sử này

Tổng thống MOON JAE IN nói với cô Ivanka Trump

Xử tàu Nga, Trung Quốc

Chỉ vài giờ sau khi phái đoàn Mỹ có cô Ivanka Trump - con gái ông Trump - tham dự đặt chân xuống Hàn Quốc, từ Washington, Tổng thống Donald Trump đã công bố áp đặt những biện pháp trừng phạt mới mà ông cho là "lớn nhất từ trước tới nay" nhằm vào Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hi vọng các biện pháp này sẽ mang lại kết quả tích cực.

Cụ thể hơn, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp này sẽ nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành. 

Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Tanzania và Panama. 

Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ; mọi hoạt động giao dịch giữa các bên cũng bị phong tỏa.

Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo, Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin cho biết bộ này chuẩn bị đưa các tàu biển của Nga có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên bị Mỹ coi là bất hợp pháp vào danh sách đen. 

Ông Mnuchin khẳng định Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tàu biển, dù là của Nga hay Trung Quốc, có các hoạt động buôn bán bất hợp pháp với Triều Tiên.

450

Đó là số biện pháp trừng phạt Triều Tiên do Mỹ áp đặt, với khoảng một nửa số trong đó đã được áp dụng trong năm 2017.

Hàn Quốc đi dây

Từ đầu năm đến nay, Seoul có vẻ đang nhanh chóng nắm bắt lấy cành ôliu chìa ra từ Bình Nhưỡng. 

Trong khi đó phía Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn, yêu cầu phòng ngừa trước đòn "câu giờ" của Bình Nhưỡng và phải tiếp tục thực thi cấm vận quyết liệt hơn. 

Hàn Quốc vì thế phải cố gắng tìm kiếm giải pháp theo kiểu riêng của mình để không vuột mất cơ hội nói chuyện với láng giềng phương bắc và cũng không làm phật lòng đồng minh lớn là Mỹ.

Ngày 23-2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã có cuộc gặp riêng với cố vấn cấp cao Nhà Trắng, cô Ivanka Trump, tại Nhà Xanh ở Seoul. Phát biểu trước báo giới, ông Yoon Young Chan - thư ký báo chí của Tổng thống Moon - cho biết trong buổi gặp, Tổng thống Moon thừa nhận những nỗ lực lâu nay của Mỹ và Hàn Quốc nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong 25 năm qua đều đã thất bại và theo ông, hai nước cần tận dụng thời cơ hòa giải giữa hai miền Triều Tiên hiện nay để thúc đẩy tiến trình vốn lâm vào bế tắc lâu nay.

Trong khi đó, theo ông Yoon, cô Ivanka Trump nhấn mạnh rằng các chiến dịch gia tăng sức ép tối đa nhằm vào Triều Tiên đã mang lại những kết quả khả quan, do đó Mỹ luôn ủng hộ nỗ lực của Hàn Quốc nhằm gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Có thể thấy, về quan điểm chính, Mỹ vẫn giữ chủ trương cứng rắn. Trong khi đó Hàn Quốc cũng có cách lập luận riêng của mình: chỉ trong tháng 1-2018, Seoul và Bình Nhưỡng đã tiến hành 3 vòng đối thoại, dẫn đến việc Triều Tiên quyết định cử đoàn vận động viên tham gia Olympic mùa đông PyeongChang 2018. 

Mong muốn của Seoul là thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và làm tiền đề để xúc tiến quá trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn bị đình trệ từ năm 2008.

Bình Nhưỡng không bỏ hạt nhân và tên lửa

Ngày 23-2, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - đưa tin lực lượng hạt nhân của Triều Tiên là "thanh gươm sức mạnh để bảo vệ hòa bình" do có thể dễ dàng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ.

Báo trên đồng thời bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng năng lực hạt nhân của Triều Tiên là "mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới".

Tuyên bố trên của Bình Nhưỡng đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc khẳng định các cuộc đàm phán trong tương lai với Triều Tiên sẽ tập trung thảo luận về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên