29/08/2018 14:21 GMT+7

Mỹ hứng đòn đau từ chiến tranh thương mại

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Thuế quan là vũ khí của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng rào cản này cũng đang ngăn Washington giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Mỹ hứng đòn đau từ chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Tình hình Mỹ - Triều Tiên lại rối như tơ vò sau sự kiện ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng, một biểu hiện cho thấy đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân còn khá xa so với đích đến. 

Nhưng ở một góc khác tại Đông Á, tia sáng hi vọng lóe lên cho quan hệ Triều Tiên - Nhật Bản khi Triều Tiên thả một du khách người Nhật từng bị bắt vì chụp ảnh ở địa điểm không được cho phép.

Triều Tiên "ghi bàn" trước báo giới

Lý do ông Pompeo hủy chuyến thăm Triều Tiên chỉ có thể nằm trong nội dung trao đổi qua thư từ giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. 

Phân tích của báo Washington Post ngày 27-8 cho thấy ông Trump đang cảm nhận rằng tiến trình đàm phán hiện tại không hiệu quả, và chuyến thăm bị hủy cũng tựa như một sự thừa nhận rằng chính quyền đương nhiệm đang "sai".

Cái sai ấy bị Triều Tiên khai thác triệt để. Gần như ngay sau khi có thông tin ông Pompeo không đến, Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đăng thông báo ngắn gọn nói đã thả du khách người Nhật. 

Ông này được biết đến với tên gọi Tomoyuki Sugimoto, 39 tuổi, từng có tin bị bắt vì quay phim khi không được cho phép tại một cơ sở quân sự ở thành phố Nampo, Triều Tiên.

Vấn đề bắt bớ cũng là điểm quan trọng tạo ra mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Triều Tiên. Tính tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định Nhật Bản không có bằng chứng cho những cáo buộc Bình Nhưỡng bắt giữ con tin người Nhật. 

Nếu vượt qua được trở ngại này, viễn cảnh cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo hoặc quan chức Nhật - Triều xem ra tươi sáng hơn.

Bóng rời khỏi chân người Mỹ

Trường hợp du khách Nhật cũng là bức tranh chung cho chiến lược ngoại giao của Triều Tiên từ lúc ông Kim Jong Un phá vỡ sự im lặng bằng hàng loạt sự kiện ngoại giao với Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và rất có thể sắp tới là Nhật Bản. 

Bằng việc thắt chặt quan hệ với đồng minh thân cận nhất Trung Quốc, tiến hành đàm phán để đi tới hiệp ước hòa bình cùng Hàn Quốc và một số tín hiệu cho Nhật Bản, Triều Tiên đang chứng tỏ họ không còn đơn độc trên bàn đàm phán với Mỹ.

Ngược lại, việc Mỹ liên tục gây sức ép lên các đối tác để trừng phạt Triều Tiên xem ra đang đưa chính Washington vào một cuộc chiến cân não. 

Tổng thống Trump chọn cách đổ lỗi cho Trung Quốc trong sự kiện hủy chuyến thăm của ông Pompeo, và thừa nhận rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang cản trở tiến trình đàm phán với Triều Tiên.

Ý kiến của ông Trump được đài CNN hay trang Asia Times tán đồng theo cách tiêu cực. Quả đúng vậy, việc lao vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang khiến Mỹ mất dần lợi thế. 

Trong lúc cuộc chiến này không hề "dễ thắng" như tuyên bố trước kia của ông Trump, các đối tác của Washington đang ngày càng mỏi mệt hoặc đủ thời gian để chọn lối đi riêng.

Về lý thuyết, sức ép đặt lên Trung Quốc hoàn toàn có ý nghĩa, nhưng là con dao hai lưỡi. Nếu Mỹ thắng trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ, gây sức ép lên Triều Tiên. Nếu Mỹ thua, vụ Triều Tiên có nguy cơ sụp đổ. 

CNN cho biết tình báo Mỹ hay các báo cáo từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đều nói Triều Tiên có thể vẫn phát triển vũ khí hạt nhân, còn chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại có vẻ sẽ chấm dứt trừng phạt Triều Tiên. Có tin ông Tập sẽ đến thăm Bình Nhưỡng trong tháng 9 này.

Thêm vào đó, người Nhật sau thời gian dài bị "lãng quên" trong câu chuyện hạt nhân, đang tìm cách tự đàm phán với Triều Tiên. 

Hứng chịu cùng lúc cả hậu quả của cuộc chiến thương mại lẫn sức ép từ trong nước, chính quyền của thủ tướng Shinzo Abe không chắc tiếp tục hành động theo cách của đồng minh Mỹ. 

Điều tương tự diễn ra ở Hàn Quốc. Chính quyền tổng thống Moon Jae In đạt nhiều tiến triển trong khuynh hướng hòa hợp với Triều Tiên và không hề dễ chịu khi chứng kiến các vết nứt như trường hợp ông Pompeo tiếp tục xuất hiện.

Mỹ giữa vòng xoáy xung đột Trung Đông Mỹ giữa vòng xoáy xung đột Trung Đông

TTO - Trong khi khẳng định lệnh trừng phạt Iran là động thái “vì hòa bình thế giới”, Mỹ đang rơi vào thế lưỡng nan.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên