04/02/2025 18:19 GMT+7

Mỹ cứng rắn áp thuế nhập khẩu: Nhìn từ Việt Nam

Chính quyền Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế với hàng hóa từ Canada, Mexico nhưng hiện vẫn tiến hành với Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Mỹ sẽ có động thái tương tự đối với các nước có thặng dư thương mại lớn.

Mỹ cứng rắn áp thuế nhập khẩu: Nhìn từ Việt Nam - Ảnh 1.

Hàng hóa, container tại cảng PSA Singapore, một trong những cảng container lớn và bận rộn nhất thế giới - Ảnh: HỒNG PHÚC

Ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Steven Okun - nhà phân tích kinh tế - địa chính trị, CEO APAC Advisors - nhắc lại quan điểm thuế quan là nền tảng trong chương trình thương mại "Nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump.

Vị tổng thống này tin rằng việc áp thuế với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn có thể giúp giảm sự phụ thuộc và thu hút đầu tư vào Mỹ.

"Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và kể cả các chính phủ cần tin vào lời của Donald Trump khi ông nói: Thuế quan sẽ khiến chúng ta trở nên rất giàu có và rất mạnh mẽ", ông Steven Okun nói.

Còn theo ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp thuế với hàng hóa nhập khẩu đã được dự báo từ trước.

Nhưng việc áp thuế với Trung Quốc (Canada và Mexico được tạm hoãn) từ ngày 4-2 là bước đi đầu tiên hiện thực hóa việc này.

"Việc Mỹ tăng thuế quan với một lượng hàng hóa giá trị lớn được coi là khởi đầu của xung đột thương mại", ông Hải chia sẻ.

Ngoài việc ba nước nói trên bị ảnh hưởng trực tiếp, thương mại quốc tế cũng chịu tác động của sự kiện này.

Theo ông Hải, hành động của Mỹ thể hiện chính sách thương mại đơn phương, đi ngược lại xu hướng tự do hóa thương mại - xu hướng chủ đạo hiện nay mà chính Mỹ cũng là một trong những quốc gia khởi xướng.

Ba nước nói trên đang xuất khẩu sang Mỹ rất nhiều mặt hàng, từ thiết bị điện, máy móc, đồ dùng trong nhà, đến hàng dệt may, da giày, thiết bị thể thao, nông sản... Do đó, các chuỗi cung ứng liên quan đến những sản phẩm trên ít nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Steven Okun nhận định các mức thuế đã được áp đặt, cũng như những mức thuế có khả năng được áp dụng trước ngày 1-4, sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á. 

Điều này tác động đến nhiều khía cạnh thương mại quốc tế và có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong cách thức hàng hóa được sản xuất và vận chuyển trên toàn thế giới.

"Thương mại toàn cầu sẽ suy giảm"

"Những quốc gia mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại, đặc biệt Việt Nam nên chuẩn bị đối mặt với thuế quan", ông Steven Okun nói.

Theo ông Steven, với tất cả các mức thuế này, thương mại toàn cầu sẽ suy giảm nói chung và mức độ suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn tùy thuộc vào các biện pháp đối phó của các quốc gia bị Mỹ áp thuế.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. 

Ngoài ra, khi thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, có thể khiến Trung Quốc chuyển phần công suất dư thừa sang các thị trường Đông Nam Á, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất tại các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Cẩn trọng các khả năng nếu hàng Việt bị áp thuế

Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, lên đến hơn 113 tỉ USD.

Theo ông Phan Đức Trung - chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nếu Mỹ quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, nền kinh tế nước ta sẽ chịu nhiều tác động. Trước hết, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. 

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do đó nếu thuế suất tăng cao, các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử sẽ giảm lợi thế cạnh tranh.

Điều này có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu và cũng có thể kéo theo sự suy giảm tăng trưởng GDP, vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Mỹ cứng rắn áp thuế nhập khẩu: Nhìn từ Việt Nam - Ảnh 5.

Người lao động làm việc tại nhà máy sản xuất sợi - Ảnh: HỒNG PHÚC

Ví dụ, hằng năm lĩnh vực dệt may và da giày xuất khẩu sang Mỹ khoảng 35 tỉ USD. Nếu thuế nhập khẩu tăng 10-25%, hàng Việt sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm từ Bangladesh và Ấn Độ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt những tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Foxconn, có thể phải tái phân bổ sản xuất sang các quốc gia khác để tránh thuế, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm trong nước.

Thị trường lao động và đầu tư nước ngoài cũng sẽ chịu ảnh hưởng nếu Mỹ áp thuế.

Khi xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp sản xuất có thể bị buộc cắt giảm nhân sự do không thể duy trì hoạt động với chi phí cao hơn.

Ví dụ ngành dệt may, da giày nội địa đang thu hút hơn 5 triệu lao động, chủ yếu phụ thuộc vào đơn hàng đến từ Mỹ. Vì thế việc áp thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, đặc biệt trong các ngành vốn có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ngay cả trường hợp bị áp thuế, nhiều ngành hàng của Việt Nam đã tính trước và có giải pháp, như đa dạng hóa thị trường...

Một rủi ro lớn khác, theo ông Trung, là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn.

Nếu thuế chỉ áp dụng với Canada, Mexico và Trung Quốc, Đông Nam Á có thể hưởng lợi khi các chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển sang khu vực này để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. 

Nhưng theo ông Ahmed Albayrak - chuyên gia tại Viện Lowy, đây không phải là giả định thực tế bởi chính quyền Trump đang nhắm đến những quốc gia có thặng dư thương mại cao và không có sự phân biệt giữa các ngành khi áp thuế, trừ một số trường hợp đặc biệt đối với nhập khẩu năng lượng.

Nếu Việt Nam bị áp thuế cao hơn, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể mất đi tính cạnh tranh. Điều này sẽ khiến việc chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam trở nên kém hấp dẫn, vì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ vốn là động lực chính cho xu hướng dịch chuyển này.

Một trong những giải pháp có thể làm giảm thâm hụt thương mại, theo ông Ahmed Albayrak, các doanh nghiệp Việt Nam nên giải quyết một số vấn đề mà Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã nêu ra.

Việc cải thiện quyền sở hữu trí tuệ có thể là một hướng đi khả thi. Nếu Việt Nam cho thấy sự tiến bộ trong lĩnh vực này, điều đó có thể giúp ích khi đàm phán với các quan chức thương mại Mỹ.

Mỹ áp thuế nhập khẩu: Nguy cơ leo thang xung đột thương mại toàn cầu - Ảnh 6.Tin tức thế giới 1-2: Ông Trump áp thuế lên Trung Quốc, Canada và Mexico, thị trường rung lắc

Nhà Trắng xác nhận Mỹ áp thuế quan 25% với Canada và Mexico, 10% với Trung Quốc từ ngày 1-2; Kế hoạch áp thuế của ông Trump làm rung lắc thị trường... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 1-2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên