Thứ năm tuần trước (ngày 3-10), Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel đã họp “2+2” với hai người đồng cấp của Nhật Bản về việc hiện đại hóa mối hợp tác quân sự Mỹ - Nhật trước tình hình mới. Qua hôm sau, ông Kerry đã họp với Bộ trưởng ngoại giao Úc Bishop cùng Bộ trưởng ngoại giao Nhật Kishida về vấn đề tranh chấp trên biển, trong khuôn khổ một cuộc đối thoại chiến lược ba bên ở Bali (Indonesia) trước thềm Hội nghị APEC. Tuyên bố chung từ cuộc gặp khẳng định phản đối các hành động cưỡng ép hoặc đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp trên biển Đông kiềm chế tránh các hành động gây mất ổn định.
Hai vụ đột kích “giật gân” cuối tuần qua của biệt kích hải quân Mỹ ở Somalia cũng đã “tình cờ” góp phần tuyên truyền, giải thích rằng “khóa ngân sách” thì “khóa” nhưng Bộ Quốc phòng và quân lực Mỹ vẫn hoạt động với ngân sách được cấp theo đạo luật “Hãy chi trả cho các quân nhân chúng ta” (Pay our military act), và vẫn chi trả tiền thưởng cùng phụ cấp các loại như có thể thấy trên website của hải quân Mỹ!
Chuyện “khóa ngân sách” khiến Tổng thống Barack Obama phải xin kiếu không đến dự thượng đỉnh Mỹ - ASEAN chỉ là “chuyện nhỏ”, theo lời ông Kerry giải thích với các lãnh đạo ASEAN hôm 10-10: “Đây chỉ là một khoảnh khắc trong sinh hoạt chính trị ở Mỹ và chỉ là thế mà thôi, chứ các mối quan hệ đối tác với ASEAN, từ những mối quan hệ riêng lẻ với từng quốc gia hoặc tập thể với cả khối ASEAN, từ an ninh đến kinh tế... vẫn đang được tăng cường, vẫn là then chốt trong chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama tại châu Á”.
Thực tế là mọi hoạt động ngoại giao chính của Mỹ cũng tiếp diễn như không có “khóa ngân sách”. Việc hai bộ trưởng ngoại giao Việt - Mỹ ký tắt một thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự song phương, bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei, có thể được xem như là màn “ra mắt” quốc tế đầu tiên của việc xác lập quan hệ đối tác toàn diện vừa ký kết giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 7 vừa qua. Chính vì thế mà ngoại trưởng Mỹ vẫn quả quyết trước các lãnh đạo ASEAN rằng” sự tái cân bằng này... là để lưu lại đây và sẽ tiếp tục trong tương lai”.
“Tái cân bằng” chứ không còn là “xoay trục” nữa. Từ Đối thoại Shangri-La hôm 1-6, Bộ trưởng Chuck Hagel đã tám lần dùng chữ “tái cân bằng” thay cho từ “xoay trục”, và đến Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Brunei hôm 29-8, ông này cũng đã 10 lần sử dụng từ “tái cân bằng”.
Nay ở Brunei, Ngoại trưởng Kerry quả quyết một lần nữa “tái cân bằng... để lưu lại tại đây”. Nếu tái cân bằng là khôi phục thế cân bằng cho một điều gì đó đang mất cân bằng, thì càng có thể hiểu thông điệp “tiếp tục tái cân bằng” và “lưu lại tại đây” của ông Kerry với các lãnh đạo ASEAN hôm 10-10. Chính do tình trạng mất cân bằng này mà ông Kerry đã một lần nữa nhấn mạnh rằng “mọi bên tranh chấp đều có trách nhiệm làm rõ và đưa ra các yêu sách của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Họ có thể tiến hành các biện pháp tài phán cùng các biện pháp đàm phán hòa bình khác”.
Thành ra chính quyền Mỹ có đóng hay mở, nhiều ngày hay ngắn ngày, thế sự vẫn cứ tiếp diễn như nó phải thế.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bộ Quốc phòng Mỹ đã gọi nhiều nhân viên trở lại làm việcĐóng cửa chính phủ Mỹ: vở kịch chính trị đặc sắcHệ thống y tế Mỹ lãng phí 750 tỉ USD mỗi nămKhông thống nhất ngân sách, chính quyền Mỹ đóng cửaNước Mỹ ra sao khi chính quyền đóng cửa?Tổng thống Mỹ khẳng định quân đội vẫn có lươngTổng thống Obama: "Tôi mệt mỏi, tôi xin lỗi nhân dân"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận