Trung tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Tham mưu liên quân Mỹ - Ảnh: REUTERS
Ngày 31-5 (giờ Mỹ), khi được phóng viên đặt câu hỏi về khả năng Mỹ cho "nổ tung" một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trung tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Tham mưu liên quân Mỹ, đã đưa ra câu trả lời hết sức cứng rắn.
"Tôi chỉ muốn nói cho các bạn biết rằng quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc xóa sổ các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương" - viên tướng bên thủy quân lục chiến khẳng định.
Là một trong những quan chức cấp cao bên trong Lầu Năm Góc, phát ngôn của trung tướng McKenzie có sức nặng đặc biệt, đài CNN nhận định.
Ông McKenzie đóng vai trò là quan chức cấp cao làm việc cho tướng Joseph Dunford - chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ông thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp với cả ông Dunford và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Cũng trong tuyên bố đưa ra ngày 31-5, trung tướng McKenzie nhấn mạnh quân đội Mỹ hiện đã "sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực".
Việc "xóa sổ" các đảo nhỏ được nêu ra trong tuyên bố của ông McKenzie đề cập tới các hoạt động của quân đội Mỹ trong thời kỳ Thế chiến 2 khi hàng ngàn binh sĩ Mỹ đã hi sinh trong lúc chiến đấu trên một vài đảo ở Thái Bình Dương.
Liên quan tới hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) của Hải quân Mỹ, ông Mc Kenzie nhấn mạnh: "Chúng tôi (Washington) sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải được luật pháp quốc tế cho phép. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì chúng tôi đang làm".
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins (DDG-76) của Mỹ, môt trong hai tàu chiến Mỹ vừa triển khai để thách thức chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Hoàng Sa - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Hôm 27-5, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Phú Lâm, Linh Côn, và Tri Tôn. Các thực thể này thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép.
Không ngạc nhiên khi hành động của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Việc Mỹ đưa tàu chiến tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các đảo do Trung Quốc kiểm soát đồng nghĩa Washington bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hôm 30-5, đô đốc Harry Harris - cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM), nhận định Trung Quốc là "mối đe dọa dài hạn lớn" ở châu Á.
"Nếu không có sự can thiệp, can dự có trọng tâm của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác, Trung Quốc sẽ hiện thực hóa giấc mộng bá chủ của họ tại châu Á" - ông Harris, người được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc, nêu cảnh báo.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử... tới các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần đầu tiên nước này còn ngang nhiên cho hạ cánh máy bay ném bom lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hôm 31-5, Chính phủ Trung Quốc gọi tuyên bố của Mỹ nói rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông là "nực cười". Tuy nhiên, đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Trung Quốc đã không làm đúng như tuyên bố của nước này về việc không quân sự hóa Biển Đông.
"Chính xác là họ (Trung Quốc) đã làm việc đó. Họ chuyển tới đó những thứ vũ khí mà chưa bao giờ được thấy trước đây" - Bộ trưởng Mattis cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận