Hiện nay, các đồng minh châu Âu, các nhà lập pháp và các quan chức Ukraine đang gây sức ép lên Nhà Trắng để thúc đẩy động thái này. Cùng lúc, Nga đang đạt được những tiến triển lớn trên chiến trường.
Do đó, theo tờ Politico, Tổng thống Joe Biden và nội các ngày càng lo ngại về khả năng của Kiev trong việc đối phó với các cuộc tấn công của Matxcơva, đặc biệt là cuộc tiến công gần đây nhất vào thành phố Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
Trong chuyến thăm Moldova, ngày 29-5, Ngoại trưởng Antony Blinken đã phát đi tín hiệu cho thấy việc Washington có thể thay đổi chính sách.
Theo ông Blinken, một "đặc điểm" trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với Ukraine kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự hai năm trước "là điều chỉnh phù hợp khi tình hình thay đổi, chiến trường thay đổi, hành động của Nga thay đổi".
"Chúng tôi cũng đã thích ứng và điều chỉnh, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông Blinken nói.
Ngay sau đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby, mặc dù khẳng định rằng hiện vẫn chưa có "sự thay đổi" trong chính sách, cũng lưu ý rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine "đã thích ứng một cách phù hợp".
Hai quan chức khác của chính quyền ông Biden cảnh báo rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra và hai ông Blinken và Kirby chỉ đang mô tả xu hướng chung sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc chiến. Washington không nhất thiết sẽ thay đổi chính sách trong thời gian tới.
Kiev vẫn chưa thấy Washington có động thái cụ thể. Trong chuyến thăm Bỉ ngày 28-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị được sử dụng vũ khí của châu Âu để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí của Anh để tấn công lãnh thổ Nga. Sau đó vào đầu tuần này, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Vấn đề này được thúc đẩy hơn nữa khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để "làm vô hiệu hóa" các địa điểm quân sự của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đi xa như vậy nhưng vẫn tỏ ra cởi mở với ý tưởng này, nói rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây "phải luôn luôn trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận