Hội nghị quốc tế về vật liệu mềm, chất lưu và bề mặt chuyển đã diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn, Bình Định) từ ngày 10 đến 14-6.
Tại hội nghị, GS Jean-François Joanny và GS Detlef Lohse đã có những chia sẻ về khoa học cùng những lời khuyên cho bạn trẻ đam mê khoa học.
Ứng dụng điều trị ung thư
Theo GS Jean-François Joanny, vật liệu mềm là những vật liệu sống, polymer, vật liệu hoạt biến... Trong 20 năm nghiên cứu của mình, ông đã đề ra lý thuyết để miêu tả một cách tổng quát quá trình tiêu thụ năng lượng của vật liệu hoạt biến. Và điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc miêu tả các tế bào sống trong cơ thể.
"Về mặt truyền thống, ngành vật liệu mềm có những đóng góp quan trọng trong việc làm vật liệu nhựa, xử lý hóa học, xà phòng... Còn hiện nay, người ta chú ý hơn về vấn đề sinh học mà điển hình nhất là ung thư.
Để hiểu được mô của tế bào ung thư, cơ chế của nó thì ngành sinh học không đủ mà phải dùng thêm kiến thức chuyên ngành về vật lý. Và đặc biệt là kiến thức về vật liệu mềm mới hiểu được tính chất của tế báo ung thư trong cơ thể người. Đây là sự kết nối giữa các nghiên cứu về vật liệu mềm với việc điều trị, chế tạo ra thuốc và cách tiêu diệt ung thư" - GS Jean-François Joanny nói.
Dự báo tốc độ tan băng ở hai cực
Trong khi đó, GS Detlef Lohse chia sẻ chất lưu là chất lỏng có tầm quan trọng đối với đời sống con người hằng ngày rất to lớn. Chất lưu liên quan trực tiếp ở 6 lĩnh vực trong đời sống: biến đổi khí hậu, biến chuyển năng lượng, môi trường, sức khỏe, công nghệ cao, đồ ăn và nông nghiệp.
"Hiện nay, trong tất cả các thiết bị điện tử, đo lường, kỹ thuật, đời sống... đều có chất lưu. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của toàn cầu hiện nay là về môi trường mà cụ thể là băng tan ở hai cực khiến nước biển dâng cao.
Một trong các thành quả nghiên cứu của tôi là tìm hiểu quá trình truyền nhiệt giữa hai bề mặt có nhiệt độ khác nhau. Đây là quá trình truyền nhiệt xảy ra trong các hiện tượng tự nhiên, ví dụ như truyền nhiệt qua các dòng chảy trên đại dương, trong đó nhiệt độ ở dưới thềm đại dương thì lạnh nhưng nhiệt độ trên mặt biển lại nóng.
Sự truyền nhiệt giữa hai bề mặt này của đại dương tạo ra những dòng chảy lớn và có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Từ những hiểu biết về sự truyền nhiệt giữa hai bề mặt có nhiệt độ khác nhau này, chúng ta tính toán và dự đoán, dự báo lại về tốc độ tan băng giữa hai cực.
Từ việc tính toán lại và đưa ra dự báo lại về tốc độ tan băng ở hai cực, chúng ta sẽ có những biện pháp ngăn chặn kịp thời" - GS Detlef Lohse nói.
Hãy đặt câu hỏi tại sao?
Ngoài khoa học, GS Joanny và GS Detlef Lohse đã có những chia sẻ dành cho những bạn trẻ muốn theo đuổi nghiên cứu khoa học.
"Nếu các bạn muốn nghiên cứu về chất lưu, hãy tò mò về những hiện tượng tự nhiên, tìm hiểu về chúng và hãy đặt câu hỏi tại sao. Đây là ngành nghiên cứu rất đặc biệt vì nó mang đến những kỹ năng cho người theo học, nghiên cứu. Nó vừa có lý thuyết, thực nghiệm và mô phỏng tính toán số.
Ngoài ra, bạn cần trau dồi kiến thức về toán học. Tôi thường suy nghĩ về những vấn đề chất lưu cả ngày. Tôi tự đi tìm những lời giải đáp bằng việc đọc những tài liệu về chúng trên báo chí, hội thảo và gặp những người có chuyên môn về chúng" - GS Detlef Lohse cho hay.
Còn GS Joanny chia sẻ: "Giới trẻ muốn tham gia vào những ngành nghiên cứu vật liệu mềm phải có kiến thức tốt cả về vật lý và sinh học. Để giúp giới trẻ làm việc này, nhà trường nên tạo ra những khóa và khung chương trình kết hợp cả vật lý và sinh học.
Trong khi dạy sinh học, các thầy cô giáo phải có kiến thức cơ bản về môn vật lý hoặc vật lý hướng tới chuyên ngành của môn sinh học. Đôi khi việc kết hợp giữa vật lý và sinh học này sẽ tạo ra chuyên ngành mới hấp dẫn hơn. Những người muốn tham gia nghiên cứu khoa học mà cụ thể là về vật liệu mềm thì cần phải có kiến thức vật lý cơ bản".
Danh tiếng và uy tín trong giới khoa học
GS Jean-François Joanny là người có danh tiếng và uy tín trong giới khoa học về vật liệu mềm. Ông đang giảng dạy tại Đại học Collège de France (Pháp) và công tác tại Viện nghiên cứu Institut Curie (viện nghiên cứu vật lý sinh học).
Chuyên ngành nghiên cứu của GS Joanny là nghiên cứu các tính chất vật lý cơ tính của các mô, tế bào trong cơ thể con người.
Còn GS Detlef Lohse là nhà vật lý người Đức, giảng dạy tại khoa vật lý chất lưu của Đại học Twente, Hà Lan. Ông đã xuất bản hơn 700 ấn phẩm có bình duyệt, trong đó hơn 160 ấn phẩm trên Tạp chí Cơ học Chất lưu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận