29/06/2018 16:29 GMT+7

Muốn cứu Trái đất, thế giới phải đồng hành

NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG
NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi với nhiều người" - câu nói quen thuộc này được chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Naoko Ishii dẫn ra trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6.

Muốn cứu Trái đất, thế giới phải đồng hành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà phát biểu bế mạc kỳ họp GEF6 - Ảnh: VIỆT HÙNG

Trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6 (GEF6) ngày 28-6 tại Đà Nẵng, bà Naoko Ishii khẳng định chúng ta đang trong thời khắc quyết định đối với tương lai của Trái đất và nhân loại, và "cơ hội duy nhất để tránh xa thảm họa là chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh tế thông thường sang kinh tế tuần hoàn". 

Để làm được điều đó, theo bà Naoko Ishii, cả thế giới cần phải chung tay, đồng hành.

Truyền cảm hứng

Có lẽ một trong những cụm từ xuất hiện nhiều nhất trong các bài phát biểu tại GEF6 là "truyền cảm hứng". Trong diễn văn đáp từ sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27-6, bà Naoko Ishii khẳng định: "Thưa Thủ tướng, cam kết của ngài đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi". Cụm từ này được người đứng đầu GEF, từng có thời gian công tác tại Việt Nam khoảng 20 năm trước đây, một lần nữa nhắc lại trong buổi họp báo bế mạc kỳ họp.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, trong phát biểu tại phiên bế mạc chiều 28-6, cũng đã không giấu nổi sự xúc động. "Tôi được truyền cảm hứng từ sự nhiệt tình và cam kết của tất cả chúng ta trong nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề mới nổi như chất thải nhựa trên biển, tổn thất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kêu gọi các thành viên GEF cùng làm việc chặt chẽ để biến các thỏa thuận đã đạt được thành hành động, cho một hành tinh chống chịu tốt hơn, một hành tinh bền vững và một hành tinh đảm bảo cho cuộc sống của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Phải thay đổi vì đã tới ngưỡng chịu đựng

Tại cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc kỳ họp, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về vai trò của Bộ TN-MT trong việc thực hiện thông điệp "thay đổi mạnh mẽ hệ thống sản xuất lương thực, phát triển đô thị, năng lượng và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn" mà GEF6 đưa ra, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho rằng đây là vấn đề lớn cần có sự tham gia của toàn xã hội chứ không riêng một bộ ngành.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hiểu những mô hình tiên tiến ở nước ngoài về áp dụng và nhân rộng trong nước. Tại diễn đàn lần này, nhiều mô hình, sáng kiến hay cũng đã được chia sẻ, chẳng hạn việc sử dụng chất thải của ngành này để tạo ra sản phẩm cho ngành khác, lấy trấu để làm than, tận dụng nhiệt lượng từ "cục nóng" máy lạnh để đun nước nóng..." - ông Thành nêu ví dụ để làm rõ hơn khái niệm "kinh tế tuần hoàn".

Còn theo bà Naoko Ishi, thông điệp "thay đổi" của hội nghị lần này dựa trên những tổng kết nghiên cứu khoa học. Bà Naoko cho rằng chúng ta đang ở thời điểm quyết định cho chính tương lai hành tinh này bởi môi trường tự nhiên đang bị đẩy đến mức giới hạn. Hệ thống đất đai, đại dương đang bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. "Nếu chúng ta không thay đổi mà tiếp tục thực hành như hiện nay thì đến lúc Trái đất sẽ lâm nguy" - bà Naoko nhận định.

4,1 tỉ USD

Kỳ họp đại hội đồng GEF6 diễn ra trong hai ngày 27 và 28-6, tập trung vào việc thảo luận, hoàn thiện các văn kiện hợp tác GEF; báo cáo về Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt/Quỹ ủy thác cho các nước kém phát triển; báo cáo chiến lược dài hạn của GEF; báo cáo của ban tư vấn về khoa học và kỹ thuật; đánh giá và thẩm định các chính sách trong việc vận hành quỹ; báo cáo của các nước thành viên tham gia GEF. 29 nhà tài trợ cũng đã cam kết đóng góp khoảng 4,1 tỉ USD cho các hoạt động bảo vệ môi trường toàn cầu trong bốn năm tới.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

ds

Ông Li Yong, tổng giám đốc UNIDO - Ảnh: TR.TRUNG

Với mục tiêu thúc đẩy và quảng bá phát triển công nghiệp bền vững và tổng thể, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) hỗ trợ các nước giải quyết những tác nhân gây suy thoái môi trường và tạo ra những lợi ích chung như tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và vì sự thịnh vượng chung. Nhân dịp tới Đà Nẵng dự kỳ họp đại hội đồng GEF, ông Li Yong - tổng giám đốc UNIDO - đã trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.

* Kinh tế tuần hoàn là một trong những thuật ngữ được đề cập nhiều lần tại các phiên họp lần này, UNIDO đang tham gia vào quá trình này như thế nào, thưa ông?

- Hướng tới phát triển đô thị bền vững, UNIDO sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đạt được cộng sinh công nghiệp và đô thị, biến các thành phố thành những trung tâm sáng tạo và phát triển với lượng phát thải khí carbon thấp. UNIDO sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi hướng tới kinh tế tuần hoàn với việc chuyển đổi cách thức vận hành của ngành sản xuất. Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và sản xuất sạch hơn, áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái và hỗ trợ quản lý hóa chất và rác thải một cách bền vững.

* Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường. UNIDO có giải pháp nào hỗ trợ Việt Nam không?

- Một trong những ưu tiên của UNIDO là sản xuất sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. UNIDO đã hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực như tư vấn chính sách, cung cấp thông tin về công nghệ sạch, kiểm soát năng lượng và môi trường... Tôi chỉ xin điểm qua một số dự án như Trung tâm Sản xuất sạch của UNIDO tại Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 1998, trở thành một động lực chính cho sự phát triển công nghiệp bền vững của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đánh giá trước khi phê chuẩn công ước Minamata về kiểm soát việc sử dụng thủy ngân trong sản xuất để tránh những tác động nguy hại không cần thiết cho con người và môi trường; dự án về sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp... (N.HUY thực hiện)

Sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu Sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu

TTO - Lần đầu tiên trong lịch sử, Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu (CVF) sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 48 quốc gia thành viên theo hình thức trực tuyến.

NHẬT HUY - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên